Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tình cảm của các nước với Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các Di tích tưởng niệm Người

Thứ Bảy, 24/08/2024 20:03 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đi bôn ba khắp thế giới tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lưu lại những dấu ấn sâu đậm về tình hữu nghị, tình đoàn kết giai cấp vô sản ở nhiều nơi trên thế giới. Đến hôm nay, hình ảnh Bác vẫn được nhiều quốc gia, dân tộc lưu giữ bằng tình cảm trân trọng, sự ngưỡng mộ đặc biệt thể hiện qua những di tích vinh danh Người.

Hình ảnh Bác Hồ được đặt trong phòng trưng bày của khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bản Mạy, tỉnh Na-khon Pha-nom, Thái Lan. 

Tại Trung Quốc, có rất nhiều công trình tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó, có 2 công trình rất tiêu biểu, đó là nhà số 248 và 250 đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức các lớp huấn luyện chính trị cho các thanh niên yêu nước trong thời gian từ đầu năm 1926 đến tháng 4/1927. Chính từ những bài giảng bằng chữ Hán của Người, Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức đã tập hợp lại và xuất bản thành cuốn “Đường kách mệnh” - tác phẩm lý luận cách mạng đầu tiên ở Việt Nam.

Nhà nghỉ Nam Dương ở thành phố Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây đã gắn biển Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 2001. Bác đã ở nhà nghỉ này từ cuối năm 1943 đến tháng 9/1944, sau khi ra khỏi nhà tù Quốc dân Đảng. Trong thời gian ở đây, Người đã mở lớp học đào tạo cán bộ cách mạng Việt Nam, tham gia một số hoạt động của Việt Nam cách mạng đồng minh hội, tham dự đại hội các đoàn thể cách mạng Việt Nam ở nước ngoài, có nhiều cuộc tiếp xúc với các tổ chức chống Nhật, chống Pháp của người Việt Nam ở Liễu Châu, quan hệ với các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính phủ Trung Quốc như: Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ, Tống Khánh Linh...

Tại Ấn Độ, tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tại công viên nằm giữa giao điểm đường Hồ Chí Minh và đường Gia-oa-hác-lan Nê-ru, ở thành phố Can-cút-ta. Thủ đô Niu Đê-li, còn có một đại lộ khác mang tên Hồ Chí Minh.

Tháng 7/1928, Nguyễn Ái Quốc đến Xiêm (Thái Lan). Từ Băng-Cốc, Người đã đi đến những nơi có Việt kiều như Phi-chịt, U-đon Tha-ni, Sa-côn Na-khon... Khoảng cuối năm 1928, Người đến Bản Mạy, thuộc tỉnh Na-khon Pha-nom. Tại đây, Nguyễn Ái Quốc với bí danh là Thầu Chín đã vận động Việt kiều hiến đất góp sức xây dựng Nhà Hợp tác làm nơi sinh hoạt hội họp.

Trong thời gian ở đây, Bác đã động viên mọi người học tiếng Thái để hiểu phong tục, tập quán và được cư dân bản địa quý mến. Chính Người cũng nêu một tấm gương về tự học. Người còn chủ trương mở trường học cho trẻ em, dạy trẻ em chữ Việt để các em không quên gốc gác. Khuyên mọi người phải biết đoàn kết giữa người Việt với người Thái, người Việt với người Việt hướng về Tổ quốc và hết lòng đoàn kết hữu nghị với nhân dân nước bạn.

Tháng 1/2004, Thủ tướng hai nước Việt Nam - Thái lan và các đại biểu dự Hội nghị liên Chính phủ Việt - Thái đã khai trương Làng Hữu nghị Việt - Thái ở Bản Mạy, trong đó hạt nhân là di tích Nhà Hợp tác, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng ở và làm việc.

Khu tưởng niệm U- đon Tha- ni

 Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Noọng Ôn, xã Xiêng Phin, huyện Mương, tỉnh U-đon Tha-ni.

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Noọng Ôn, xã Xiêng Phin, huyện Mương, tỉnh U-đon Tha-ni là Khu di tích Bác Hồ đầu tiên tại Thái Lan do Việt kiều ở Thái chung tay đóng góp xây dựng bằng cả tấm lòng và sự tôn kính dành cho Người. Khu di tích này là minh chứng cho tình cảm của kiều bào ở Thái Lan luôn hướng về quê hương, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ kính yêu của cả dân tộc.

Nhằm tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước Thái Lan và Việt Nam, hơn 10 năm trước, chính quyền các cấp của Thái Lan đã quyết định và tạo điều kiện cho việc xây dựng khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chính nơi Người đã ở và hoạt động, làm nơi nghiên cứu, học tập về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ, góp phần tăng cường sự hiểu biết và mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước, cũng là tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương thông qua các hoạt động về dịch vụ du lịch. Khu tưởng niệm Bác Hồ được xây dựng trên khu đất rộng gần 10.000 m2 tại làng Noọng Ôn, bao gồm nhiều hạng mục công trình, một số được phục dựng lại như nhà Bác Hồ đã ở và làm việc từ năm 1928, rồi kho thóc, khu sản xuất, chăn nuôi..., một số công trình mới như nhà đa năng, khu tưởng niệm, tủ sách, phòng chiếu phim, phòng hội thảo cùng nhiều tranh ảnh về cuộc đời hoạt động của Bác.

Tác giả bài viết cùng các kiều bào dâng hương tưởng niệm Bác tại khu tưởng niệm ở U-đon Tha-ni 

Tại bản Đông, xã Pa Ma Kháp, tỉnh Phi-chịt.

Bản Đông, xã Pa Ma Kháp, tỉnh Phi- chịt, Thái Lan là nơi dừng chân đầu tiên của Bác. Nơi đây, bà con người Việt đã trải qua mấy đời, số người nói tiếng Việt tuy đã giảm dần nhưng vẫn luôn mang trong lòng sự kính trọng, yêu quý và tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với những tình cảm tốt đẹp về Người, tháng 12/2013, được sự đồng ý của Chính phủ Thái Lan, chính quyền địa phương đã khởi công xây dựng Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, nằm trong khuôn viên Trung tâm Hữu nghị Thái Lan - Việt Nam ở Bản Đông, tỉnh Phi-chịt trên diện tích 6.400m2. Bản Đông là nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mùa thu năm 1928 đã dừng chân trong một khoảng thời gian ngắn để tuyên truyền vận động cách mạng trước khi rời đi các tỉnh Đông Bắc, Thái Lan.

Nhà lưu niệm Bác Hồ, nơi ở của Bác Hồ được phục dựng với ngôi nhà chính 3 gian lợp lá: Gian giữa là nơi hội họp, học tập; gian bên trái là phòng làm việc và sinh hoạt của Bác; gian bên phải là nơi nghỉ ngơi cho anh em, đồng chí. Trong khoảng sân rộng kế bên lần lượt là giếng nước, nhà kho, nhà bếp. Phần còn lại là khu nhà đa năng 2 tầng với sân rộng. Ở tầng 1, gian chính đặt ban thờ Bác Hồ. Tiếp đó là các gian trưng bày giới thiệu khu di tích, hình ảnh về cuộc đời hoạt động của Bác, về phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta (trong đó có bà con người Việt ở Thái Lan) dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hiện Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành địa chỉ văn hóa tại tỉnh U-đon Tha-ni, là nơi để nghiên cứu học tập cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó góp phần tăng cường thêm mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Thái Lan. 

Điều đặc biệt là đầu năm 2017, Chính phủ Thái Lan đã ủng hộ việc đặt tên 2 nhánh con đường nối từ tỉnh lộ 2263 vào Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là Thầu Chín 1 và Thầu Chín 2 (Bí danh của Bác thời gian hoạt động ở Thái Lan). Chính quyền địa phương khẳng định: Tỉnh U-đon Tha-ni đã trở thành một phần của lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam và tin tưởng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ mãi là biểu tượng của tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Thái Lan. Đến nay, khu tưởng niệm được đánh giá là một trong những điểm du lịch nổi tiếng và thu hút nhiều du khách của tỉnh U-đon Tha-ni khi mỗi năm đón khoảng 22 - 24 nghìn lượt khách.

 Tác giả và  Hội người Việt tại U-đon Tha-ni chụp ảnh lưu niệm trong khuôn viên Khu tưởng niệm Bác.

Trên đất nước Xin-ga-po tươi đẹp có một địa chỉ mỗi năm thu hút hàng vạn lượt khách tới tham quan. Đó là Bảo tàng Văn minh châu Á, nằm bên bờ sông Xin-ga-po, phần trưng bày về Việt Nam trong bảo tàng nổi bật với phiên bản trống đồng Đông Sơn, tranh Đông Hồ... Với tình cảm mến yêu Việt Nam và tôn vinh một trong những nhân vật vĩ đại nước ngoài từng đặt chân tới Xin-ga-po, nhân kỷ niệm 118 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Xin-ga-po, Ủy ban Di sản Quốc gia Xin-ga-po đã đặt tấm bia tưởng niệm Người trước sân tiền sảnh trong khuôn viên bảo tàng. Bia tưởng niệm với chất liệu đá hoa cương đen, cao 1,8m, rộng 0,75m, dày 0,23m. Trên bia có chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và tiểu sử tóm tắt của Người, mặt sau bia tạc bài thơ “Giã gạo” của Bác, hình hoa sen tiêu biểu cho làng Sen quê Bác chạm khắc mờ hiển thị trên cả hai mặt của tấm bia. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần tới Xin-ga-po. Lần đầu vào tháng 5/1930, lần thứ hai là tháng 1/1933.

Ở châu Âu, trong hệ thống di tích vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiêu biểu nhất là các di tích tại Liên bang Nga. Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những bức tượng đồng lớn ở Mát-xcơ-va. Cuối năm 1969, sau khi Người tạ thế, khu Công viên A-ka-đê-mi-chê-xki rộng hơn một héc-ta được đặt hòn đá đầu tiên chuẩn bị cho việc dựng tượng. Đây là một vị trí rất đẹp của thành phố, công viên là điểm cắt của hai con đường lớn, đường Đmi-tri-a U-li-a-nốp-va và đường 60 năm Tháng Mười, xung quanh là những ngôi nhà cổ bằng tường gạch cao từ tám đến mười tầng, không che mất tầm nhìn. 9 năm sau, tượng Bác bằng đồng cao 5 mét được hoàn thành và đặt trên bệ cũng bằng đồng khối có chiều dài 6 mét, dày nửa mét với hàng chữ “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” bằng tiếng Nga, khắc sâu vào mặt trước của tượng đài, dù cách vài ba trăm mét ta vẫn có thể đọc được.

Cùng với Nga, nước Pháp cũng là nơi ghi nhiều dấu ấn của Bác. Trong đó, đặc biệt là nhà số 9, ngõ Công-poanh, quận 17, Pa-ri. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở đây 20 tháng, từ ngày 14/7/1921 đến 14/3/1923. Tại đây, Người tham gia sáng lập “Hội Liên hiệp thuộc địa” và được bầu làm Ủy viên Thường trực của Hội. Người đã khởi thảo Tuyên ngôn, Điều lệ và Lời kêu gọi… Đây là một tổ chức yêu nước và cách mạng có tổ chức và quy mô đầu tiên hoạt động hợp pháp ở Pa-ri. Ngày 28/11/1999, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và chính quyền thành phố Pa-ri đã gắn lại biển di tích tại ngôi nhà số 9 này.

Ngày 14/3/1923, sau khi rời nhà số 9 ngõ Công-poanh, Người dọn đến số nhà 3 - phố Mác-sơ Đê Pa-tơ-ri-a-sơ, quận 5, Pa-ri. Đây chính là nơi đặt trụ sở “Hội Liên hiệp thuộc địa” và là Toà soạn báo “Le Paria”... Năm 1983, Trung ương Đảng Cộng sản Pháp đã gắn biển di tích cho ngôi nhà này. Năm 1986, chủ sở hữu ngôi nhà đã bỏ nhà cũ để xây nhà mới 9 tầng. Những kỷ niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh được chính quyền thành phố Mông-tơ-rơi đưa về trưng bày và dựng thành “Không gian Hồ Chí Minh” trong Bảo tàng Lịch sử Mông-tơ-rơi.

Tác giả bài viết với Hội người Việt Nam tại U-đon Tha-ni bên bàn thờ Bác. 

Ngoài Nga và Pháp, ở châu Âu còn một số quốc gia khác có công trình, di tích vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là Anh, Hung-ga-ri, U-crai-na...

Mới đây nhất, Hội đồng thị trấn Niu-ha-ven, miền Nam nước Anh đã quyết định vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẳng định sự có mặt của người thanh niên Nguyễn Tất Thành trong hành trình tìm đường cứu nước tại địa phương này. Với những tấm biển “Những điều bạn chưa biết về Niu-ha-ven”, chính quyền thị trấn này muốn cho người dân trong vùng và nhiều nơi trên nước Anh biết đến người thanh niên Nguyễn Tất Thành, vị lãnh tụ, người anh hùng của dân tộc Việt Nam sau này, Người từng đến đây khi làm việc trên tuyến phà Quốc tế nối giữa Niu-ha-ven với thị trấn Đi-ép-pê của Pháp qua eo biển Anh vào khoảng thời gian sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất. Đây cũng sẽ là một trong những điểm nhấn quan trọng góp phần làm giàu hơn nữa kho tư liệu lịch sử về hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ở châu Mỹ, ngày 16/1/2009 tại Trung tâm Lịch sử của Thủ đô Mê-xi-cô, đất nước của những nền văn hóa cổ, đã tổ chức Lễ khánh thành tượng đài Hồ Chí Minh và công viên “Tự do cho các dân tộc”. Với những tình cảm tốt đẹp và sự ngưỡng mộ đối với nhân dân Việt Nam và cá nhân Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Thủ đô Mê-xi-cô đứng đầu là ông Thị trưởng thành phố Mê-xi-cô Ma-xê-lô E-bran đã quyết định xây dựng công viên “Tự do cho các dân tộc” và đặt tượng Hồ Chí Minh tại thủ đô bằng chính kinh phí của mình.

Tượng đài Bác ở quảng trường Hồ Chí Minh tại Thủ đô Mát-xcơ-va. 

Tại quốc gia anh em Cu-ba có rất nhiều di tích vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, tiêu biểu nhất là tượng Bác ở Thủ đô La Ha-ba-na và Trường cấp II Hồ Chí Minh ở tỉnh Gia-ru-gô. Trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Cu-ba của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng, ngày 23/3/1974, Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô và Chủ tịch Phạm Văn Đồng đến thăm và chính thức khánh thành trường. Trong cuộc mít tinh trọng thể, Chủ tịch Phi-đen đã quyết định trường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ khi thành lập đến nay, trường là một trong hai cơ sở luôn có những hoạt động  đoàn kết, hữu nghị với Việt Nam.

Ngoài các công trình, di tích vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trên, còn có nhiều công trình khác tại Phi-líp-pin, Mông Cổ, Ma-đa-ga-xca, An-gô-la, Vê-nê-du-ê-la… Và một điều chắc chắn rằng, lịch sử nhân loại càng lùi xa bao nhiêu thì những giá trị cao đẹp về tấm gương, đạo đức, nhân cách, tinh thần nhân văn bác ái của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sẽ còn mãi, sẽ càng ngày càng tỏa sáng trong lòng người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế./.                                                       

Đỗ Ngọc Dũng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN