Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tín hiệu vui từ những con số

Thứ Ba, 21/11/2023 10:39 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - “Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022. Tiến độ bình đẳng giới đạt 71,1%”. Con số tuy nhỏ bé nhưng thể hiện được nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng một xã hội “nam nữ bình quyền”.

Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2023 do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, Việt Nam là một trong những nước có chỉ số xếp hạng tiến nhanh về bình đẳng giới (trên 4 khía cạnh chính bao gồm kinh tế, giáo dục, y tế và chính trị) thông qua sự gia tăng chỉ số Trao quyền Chính trị từ ngưỡng 13,5% của năm 2022 lên 16,6% trong năm 2023 nhờ có sự xuất hiện của các bộ trưởng là nữ. Đặc biệt, Việt Nam được ghi nhận là bình đẳng hoàn toàn về tỷ lệ phụ nữ làm công nhân kỹ thuật và phụ nữ kiếm được 81,4% thu nhập kiếm được ước tính của nam giới.

"Chia sẻ việc nhà" là thực hiện bình đẳng giới trong gia đình

Có được kết quả này là nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác bình đẳng giới, sự vào cuộc thực chất của hệ thống chính trị và các đoàn thể xã hội nhằm thúc đẩy bình đẳng giới. Đến nay, tất cả các bộ, ngành, địa phương đều xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Hệ thống văn bản pháp luật, chính sách tiếp tục được hoàn thiện theo hướng đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới. Các Chương trình, dự án về bình đẳng giới được ban hành và thực hiện, bảo đảm tính khả thi, làm rõ trách nhiệm và nguồn lực. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bình đẳng giới được xây dựng, sửa đổi, góp phần đảm bảo và thúc đẩy bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Trong những ngày qua, hầu hết các địa phương, ban ngành đều tích cực hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023, đã tổ chức Lễ phát động, diễu hành, mít tinh, các cuộc tuyên truyền, tọa đàm, đối thoại, giao lưu, hội thi, tập huấn... tạo nên những điểm nhấn đặc biệt, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của toàn xã hội, tạo hiệu ứng tích cực, góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới nhằm chuyển đổi hành vi. Đây thực sự là ngày hội của những người làm công tác bình đẳng giới và những người khao khát hướng tới một xã hội nam nữ bình đẳng.

Không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về chính sách an sinh xã hội, bình đẳng giới, Tháng hành động còn là dịp tăng cường phổ biến kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho phụ nữ và trẻ em thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, sáng tác, sân khấu hóa về chủ đề bình đẳng giới và bạo lực trên cơ sở giới. Cùng với đó là nhiều hoạt động hỗ trợ các nạn nhân, phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cũng được tổ chức.

Việc lựa chọn chủ đề "Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái" cho Tháng hành động năm nay cũng đã thể hiện những nội dung trọng tâm mà chung ta hướng đến, đó là  thúc đẩy bình đẳng giới thực chất, phát huy năng lực, vai trò, tiềm năng của phụ nữ và nam giới cho sự phát triển của cộng đồng, gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.

Diễu hành hưởng ứng Tháng hành động về bình đẳng giới, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận những mặt còn hạn chế trong công tác bình đẳng giới để đưa ra giải pháp cụ thể, rõ ràng để khắc phục. Với tỷ số giới tính khi sinh - số bé trai trên 100 bé gái trong tổng số trẻ sinh ra - đang ở mức rất thấp, thể hiện sự mất cân bằng giới tính, bất bình đẳng giới khi sinh, từ đó dẫn đến tư tưởng “trọng nam khinh nữ” và nhiều quan niệm khác về nữ giới khiến cuộc đấu tranh chống bất bình đẳng giới vẫn còn khá khó khăn. Điều đó cũng khiến tiến độ đạt tới bình đẳng giới trên thế giới cũng như của Việt Nam bị chậm lại so với dự đoán “131 năm nữa để đạt được tình trạng bình đẳng với đàn ông”.

“Sẽ không có bình đẳng giới nếu không có sự tham gia của nam giới trong công việc gia đình và chấm dứt bạo hành với phụ nữ và trẻ em gái" – thông điệp mà Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại Lễ phát động quốc gia muốn gửi gắm tới toàn thể xã hội, đặc biệt là đối với một nửa thế giới là nam – một việc không khó thực hiện nhưng lại mang đến hiệu quả to lớn - với mong muốn một xã hội phát triển và phồn vinh, vì hạnh phúc của mỗi cá nhân, gia đình và xã hội.

Và mỗi chúng ta, còn chần chừ gì nữa, hãy tích cực hưởng ứng Chiến dịch toàn cầu mang tên Tô cam thế giới nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Chỉ cần sự chung tay của mỗi người, từ việc làm đến hành động thì Việt Nam sẽ tiến nhanh trên bản đồ bình đẳng giới.

 Chiến dịch “Tô cam thế giới” được Liên hợp quốc phát động dành cho tất cả mọi người nhằm thực hiện vai trò của mình để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, chuyển hóa sự phản đối thành hành động.  Màu cam được lựa chọn thể hiện khát vọng về tương lai tươi sáng, bình đẳng, không có bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

 

T. Huyền

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN