Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tín dụng chính sách “trợ lực” giảm nghèo ở huyện Tu Mơ Rông

Thứ Ba, 12/03/2024 15:34 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, người dân huyện vùng cao Tu Mơ Rông (Kon Tum) có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

 Một số hộ xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông từ đồng vốn vay NHCSXH huyện đã đầu tư trồng dứa công nghệ cao.  

Những ngày đầu năm Giáp Thìn 2024, chúng tôi tới thăm hộ anh A Lê ở làng Kon Hia 3, xã Đăk Rơ Ông. Qua chia sẻ, anh A Lê cho biết, năm 2018 khi vợ chồng anh mới lấy nhau sống trong căn nhà cũ ẩm thấp, dột nát, chật chội. Năm 2023, ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện cho gia đình anh vay 40 triệu đồng, anh bỏ thêm một số tiền nữa và nhờ bà con trong làng giúp công để xây dựng được ngôi nhà trên 60 m2. Có nơi ăn ở ổn định, vợ chồng anh yên tâm làm ăn, kinh tế khá hơn trước rất nhiều.

Cũng như anh A Lê, anh A Đôi ở xã Tê Xăng hào hứng kể về hành trình thoát nghèo, làm giàu của gia đình: “Nhà mình được NHCSXH cho vay 100 triệu đồng theo diện thanh niên lập nghiệp. Từ số tiền vay này, mình được các cán bộ hướng dẫn để trồng sâm Ngọc Linh. Lúc đầu mình chỉ vài chục gốc, đến nay mình có khoảng 30.000 gốc sâm Ngọc Linh”.

Theo anh A Đôi, trong số 30.000 gốc sâm Ngọc Linh, tới thời điểm hiện nay gia đình anh có khoảng 300 cây sâm có tuổi đời 5 năm tuổi. Trung bình mỗi năm, thu nhập của gia đình anh thu được khoảng gần 2 tỷ đồng từ bán cây sâm giống, hạt và thu mua lại sâm của bà con bán cho đầu mối. 

Nhiều hộ gia đình ở Tu Mơ Rông phát triển kinh tế nhờ vốn tín dụng chính sách. 

Có thể thấy, sau gần 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội ở Tu Mơ Rông, được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị, dòng vốn tín dụng chính sách (TDCS) đã phát huy tác dụng tích cực, trở thành “trợ lực” quan trọng, trụ cột giảm nghèo bền vững, đồng hành với những người nông dân cần cù, có ý chí vươn lên có vốn để phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo, làm giàu trên vùng quê cách mạng.

Theo ông Trương Quang Tri, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tu Mơ Rông, dấu ấn nổi bật trong hoạt động TDCS ở Tu Mơ Rông là dư nợ tăng trưởng khá. Tổng dư nợ đến cuối năm 2023 đạt 408,643 tỷ đồng, tăng 85,751 tỷ đồng so với năm 2022. Năm 2023, doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm đạt 150 tỷ đồng, với gần 3.000 lượt khách hàng vay. Trong đó, cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ là 64,8 tỷ đồng. Các nguồn vốn TDCS được triển khai thực hiện có hiệu quả đã góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, ổn định xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Từ “đòn bẩy” của nguồn vốn TDCS cùng với các chương trình đồng bộ khác, đến cuối năm 2023, tỷ lệ giảm nghèo đa chiều toàn huyện giảm 10,50%. Trong đó, giảm 562 hộ nghèo (tỷ lệ giảm 8,48%), hộ nghèo còn lại 2.297/7.050 hộ, chiếm tỷ lệ 32,58% tổng số hộ toàn huyện; giảm 137 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ giảm 2,02%), hộ cận nghèo còn lại 295/7.050 hộ, chiếm tỷ lệ 4,18%.

Anh A Lê (ngồi giữa) đã xây dựng được ngôi nhà mới nhờ vốn tín dụng chính sách. 

Nói về những kết quả tích cực từ nguồn vốn vay của NHCSXH huyện triển khai, ông Võ Trung Mạnh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, huyện xác định giảm nghèo bền vững cho bà con vùng căn cứ cách mạng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt mà Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị đặt ra, xem đó là trách nhiệm để tri ân những đóng góp của họ, đồng thời đưa vùng đất Anh hùng Tu Mơ Rông từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN