LTS: Trong lịch sử dân tộc ta các triều đại luôn quan tâm đến người tài (đức, tài) coi người tài là “nguyên khí quốc gia”, phát huy tinh thần ấy Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến chính sách thu hút người tài vào công cuộc chống ngoại xâm và xây dựng đất nước. Thực tiễn lịch sử đã khẳng định điều đó, ngày nay khi đất nước ta đang đứng trước cơ đồ vận hội mới, nhất là Đại hội XIII của Đảng đang đến gần đòi hỏi Đảng ta phải sáng suốt lựa chọn cho được đội ngũ cán bộ vừa có đức vừa có tài.
(ĐCSVN) - Vấn đề người tài và sử dụng nhân tài (người tài) đây là vấn đề khó, gai góc cả về lý luận lẫn thực tiễn và đã có nhiều cuộc tranh luận nảy lửa và thậm trí nó được đưa vào nghị trường Quốc hội để bàn bạc, thảo luận. Và thực tiễn các cuộc tranh luận ấy đã để chúng ta có cái nhìn và hiểu rõ hơn nhân tài là ai?
Bàn về nhân tài không phải là câu chuyện mới mà nó đã xuất hiện từ ngàn đời nay, tuy nhiên các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý quan tâm, tuỳ theo nội dung, mục tiêu, nhiệm vụ đã đưa ra những định nghĩa khác nhau về nhân tài nhưng tựu chung những giá trị cốt lõi về người tài là không thay đổi. Theo từ điển tiếng Việt: người tài là “người có tài năng và trí tuệ hơn hẳn mọi người”. Từ điển Hán ngữ hiện đại định nghĩa “Nhân tài là người có tài năng và đạo đức; có một sở trường nào đó”… Có quan niệm cho rằng: nhân tài là người tài, là người có khả năng thiên bẩm, trời sinh. Nhân tài là người có tài năng hơn người, có được những khả năng, sức lực làm những việc siêu phàm, người khác không làm được. Nhìn rộng hơn, nhân tài ngoài những tiêu chí đó, còn là người biết thu phục được người khác, biết nhìn nhận, đánh giá thời cuộc, dự đoán thời thế, tính toán, quyết định công việc liên quan đến nhóm người, cộng đồng. Đó là những người có tầm nhìn bao quát, có khả năng nắm bắt được các mối quan hệ, các quy luật vận động của xã hội; phân tích, nhận định và đánh giá đúng tình hình để có những quyết định chính xác trong hoạt động xã hội, trong đời sống, tham gia đóng góp với cộng đồng, giải quyết tốt, có hiệu quả những vấn đề đặt ra.
Trong xã hội hiện đại, việc nhìn nhận về người tài khá phức tạp, vì đời sống xã hội vô cùng phong phú. Ngày nay, người ta nói về người tài rất rộng: tài năng trẻ, tài năng toán học, tài năng âm nhạc; doanh nhân tiêu biểu; người được bình chọn đạt danh hiệu “phụ nữ tài năng”; được tôn vinh thủ khoa tốt nghiệp đại học; qua kỳ thi tuyển sinh đại học, thi tuyển lãnh đạo.... Chúng ta tôn vinh “những người đương thời”, những “kỹ sư chân đất”, kỹ sư “hai lúa” nghiên cứu, chế tạo những máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp… Trên bình diện quốc tế, nói đến người tài là các nhà chính trị có khả năng mang đến những thay đổi ở bình diện quốc gia; những nhà khoa học có phát minh, sáng tạo lớn, đoạt giải Nôbel…
Ở Việt Nam câu chuyện bàn đến người tài luôn là vấn đề nóng; thời sự từ trong Đảng đến nghị trường Quốc hội và ngoài xã hội đều quan tâm. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn khóa XIV cho rằng, người tài phải là “tổng hợp của tổng hợp” – tức là phải có nhiều tố chất thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.
Phản ánh thực tế “có rất nhiều thạc sĩ, tiến sĩ nước ngoài về đang thất nghiệp”, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn thắc mắc, những người đó được đào tạo tốt như vậy thì có phải nhân tài hay không?
Tự trả lời, ông Tuấn nói, “Nhân tài muốn phát triển cần có một môi trường thật tốt. Giống như hạt giống tốt phải gieo đất tốt thì mới đơm hoa kết trái".
Dẫn lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “một nhân tài là người có tài, người giỏi và có tâm”, đại biểu Tuấn nhận định, một nhân tài phải có sự tổng hoà giữa giỏi, có tâm, chí công vô tư và đầy đủ nhiệt huyết đóng góp cho tập thể, cho tổ chức, cho đất nước.
Còn đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng: “Trong chính trị, người tài đó là những người khởi xướng được chính sách, trong điều hành phải tinh thông về luật pháp để vận hành bộ máy; trong khoa học phải có phát minh sáng kiến; trong lao động thì phải lành nghề, có biệt tài để làm ra những sản phẩm đặc thù; trong văn hoá, nghệ thuật có những tác phẩm để lại cho muôn đời”.
Vẫn tiếp tục câu chuyện về “nhân tài”, đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, phiên thảo luận nên đề cập đến việc làm sao để nhân tài hiện đang ở trong nhân dân, đang ở ngoài xã hội được trọng dụng vào bộ máy nhà nước.
Để làm được điều đó, theo đại biểu Bình, cần có một khái niệm khái quát về người có tài năng, cụ thể “người có tài năng là người có nhân cách, đạo đức trong sáng, thông minh, trí tuệ, phát triển năng lực vượt trội, có tư duy sắc sảo, có khả năng dự báo, phát hiện và xử lý kịp thời, quyết đoán những vấn đề vận động, biến đổi của xã hội, mang lại lợi ích lớn cho đất nước, cho nhân dân”.
Đại biểu Lê Thanh Vân nói, là người tài cần phải phân loại ở từng lĩnh vực cụ thể. Cụ thể, trong chính trị là người khởi xướng ra chính sách; trong văn hóa nghệ thuật phải sáng tác ra những tác phẩm nghệ thuật để lại cho muôn đời sau… Quan trọng là chúng ta biết dùng người, tìm người như thế nào mà thôi!
Ông Dương Trung Quốc cho rằng: "một công chức khó có thể phát hiện ra cái gì kiệt xuất, vì tất cả đều được thực hiện theo quy định rồi, giống như “đánh máy giỏi chỉ để khỏi ảnh hưởng đến thủ trưởng thôi”.
“Bây giờ chúng ta nói công chức yêu nước, thế những người tài làm ở nơi khác không yêu nước à? Chúng ta phải có giá trị để thu hút những người tài năng chứ đừng làm ra một cái gì riêng”.
Đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh: "phải biết dùng người đúng lúc, đúng chỗ và chúng ta có hệ thống giá trị để thu hút người tài. Và phải vận dụng nhưng đừng giáo điều, đừng chụp mũ".
Theo PGS,TS Nguyễn Trọng Phúc: Việc sử dụng nhân tài của Bác và Đảng ta rất đáng được chú ý. Xét về mặt quan điểm, Bác có hai bài viết quan trọng, gồm: “Nhân tài và Kiến quốc”, “Tìm người tài đức”.
Trong bài viết “Nhân tài và Kiến quốc”, Bác cho rằng, kiến quốc là muốn đất nước phát triển. Muốn kiến quốc thành công thì phải có nhân tài. Từ đó, Bác đi đến quyết định thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch Kiến quốc của Chính phủ. Lúc đầu, vào cuối năm 1945, Ủy ban này có 30 nhân sĩ, trí thức thời đó ở tất cả các ngành, lĩnh vực như: kinh tế, luật pháp, y tế, giáo dục, văn hóa xã hội... được tập hợp để cố vấn cho Chính phủ kế hoạch xây dựng đất nước. Đến đầu tháng Giêng năm 1946, Ủy ban được bổ sung thêm 10 người nữa, nâng tổng số lên 40 người, trong đó có những người cộng sản như Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp... Như vậy, Bác vừa thể hiện quan điểm, vừa thể hiện bằng hành động cụ thể, chứ không kêu gọi chung chung.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời cụ Huỳnh Thúc Kháng (hàng đầu, bên phải) tham gia Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 1946 - Ảnh tư liệu |
Bài “Tìm người tài đức” Bác viết vào năm 1946, sau khi đi Pháp về. Bác cho rằng, ở nước ta, nhân tài dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển, càng thêm nhiều. Do đó, Bác đã ra Sắc lệnh, đề ra cụ thể nhiệm vụ của các địa phương là phải quan tâm để ý, phát hiện người tài ở địa phương mình, báo cáo lên Chính phủ để trọng dụng người tài đó.
Điều đặc biệt, tài tình là Bác sử dụng người có tài của chính quyền cũ, chính quyền phong kiến quân chủ. Cách mạng tháng Tám thắng lợi lật đổ chế độ thuộc địa của Pháp, Nhật, lật đổ chế độ phong kiến, quân chủ. Thế nhưng lại rất độc đáo là không hề kỳ thị, hay đối xử không tốt với chính quyền phong kiến cũ, mà Bác rất chú trọng vai trò của người tốt, người tài, người có tinh thần yêu nước. Thậm chí, Bác còn mời cựu hoàng Bảo Đại (ông vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam thoái vị ngày 30/8/1945) ra Hà Nội làm cố vấn tối cao cho Chính phủ. Người đã thuyết phục và mời được các nhân sĩ, trí thức ra giúp nước không kể già hay trẻ, cựu học hay tân học, trong Đảng hay ngoài Đảng như các vị: Phạm Khắc Hòe, Vũ Đình Hòe, Phan Anh, Nguyễn Văn Tố, Huỳnh Thúc Kháng, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Hoàng Minh Giám...Người mời được các trí thức Việt Kiều về giúp nước như: Bác sĩ Trần Hữu Tước, kĩ sư Trần Đại Nghĩa, kĩ sư Võ Quý Huân, giáo sư Trần Đức Thảo,... Bác từng nói: “Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”.
Hồ Chí Minh là mẫu mực về con mắt “tinh đời”, phát hiện cán bộ, giao việc cán bộ.
Ví dụ điển hình là một thầy giáo về xã hội nhân văn như đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bác Hồ đã rất “tinh” nhìn thấy được tiềm năng, khả năng của ông Võ Nguyên Giáp, Người mạnh dạn sử dụng nhân tài phong hàm Đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp lúc ông mới 37 tuổi, giao cho chức Bộ trưởng Quốc phòng. Hay bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho ông Nguyễn Văn Huyên (một người không phải là đảng viên) lúc ông mới 38 tuổi…
Đây là những người không chỉ có tinh thần yêu nước, mà còn có trình độ, hiểu biết, thông thạo nhiều vấn đề. Nhờ vào tài chí của họ, cách mạng nước ta, giành được những thắng lợi to lớn trong công cuộc chống ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Theo PGS,TS Nguyễn Trọng Phúc, điều này khác với cuộc cách mạng Pháp, cách mạng Nga... Tại Pháp, sau khi lật đổ chính quyền phong kiến, người ta đã chém đầu vua Louis 16.
Khi đất nước mới giành được độc lập và trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đứng trước muôn ngàn khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định được tầm quan trọng của việc sử dụng người tài. Nhưng Người cũng khá nghiêm khắc khi nhân tài vi phạm kỷ cương phép nước, điển hình Người đã quyết định án tử hình đối với Đại tá Trần Dụ Châu, nguyên Cục trưởng Cục Quân nhu vì tội tham nhũng.
Đến thời xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Người căn dặn: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Muốn có người tài thì phải làm tốt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo. Bên cạnh việc nhờ các chuyên gia nước ngoài đào tạo giúp, Người còn chủ trương cử người đi học, hình thành nên đội ngũ các nhà khoa học đông đảo sau này. Thậm chí, trước đó, cuối kháng chiến chống Pháp, Người đã cử học sinh đi Pháp, Liên Xô để tiếp cận khoa học của các nước tiên tiến.
Học tập tư tưởng của Bác Hồ về trọng dụng nhân tài, Đảng ta đã rất quan tâm xây dựng đội ngũ trí thức mới, và đã ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2008 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Ðảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Ðầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững.
Theo ông Phúc, muốn có đội ngũ trí thức giỏi thì phải có chính sách tốt. Chính sách ở đây không nên nghĩ chỉ là đãi ngộ vật chất, tiền lương. Vấn đề quan trọng hơn là điều kiện, môi trường làm việc, phương pháp để phát huy tối đa thế mạnh của mỗi người.
Ông Nguyễn Trọng Phúc cũng nhấn mạnh, bản thân các trí thức, nhà khoa học cũng phải ý thức được tinh thần trách nhiệm đối với đất nước. Người xưa có câu “Quốc gia hữu sự, sĩ phu hữu trách”. Tức là đất nước thịnh hay suy, trí thức đều có trách nhiệm, “trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc”.
Các cụ xưa có câu “một người lo bằng kho người làm”. Phải có người lãnh đạo giỏi thì mới xây dựng được cơ chế chính sách hợp lý, công tác tổ chức lựa chọn cán bộ mới đáp ứng được yêu cầu phát triển xã hội. Vấn đề ở chỗ việc phát hiện người tài và sử dụng nhân tài hiện nay đang gặp những trở ngại nhất định.
Nói như vậy bởi vì, dù không ai phủ nhận nhiều lao động có trình độ đại học, thậm chí trên đại học, nhưng chất lượng của rất nhiều “ông cử bà thạc” hiện nay cũng là điều đáng bàn. Theo đó, nó phần nào hạn chế sự phát triển của xã hội và gây nên những định kiến về người có bằng cấp, trình độ nhưng lại lận đận về chuyện nghề nghiệp, đặc biệt là xin việc trong lĩnh vực công quyền.
Rõ ràng hơn, nhân tài và những người có khả năng thực thi nhiệm vụ ở nước ta không thiếu. Chỉ có điều đang có những “nút thắt” trong việc dùng người của chúng ta hiện nay mà thôi.
Bác Hồ đã dạy “Cán bộ là cái gốc của mọi việc và công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Vì thế, dù có tranh luận đến đâu đi nữa thì việc đầu tiên chúng ta cần phải làm là tháo gỡ được những “nút thắt” trong việc phát hiện và sử dụng người tài cho phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội, đất nước.
Nội dung: Nguyễn Minh - Ảnh: Phạm Cường
Bài 2: Người tài cần gì ở chúng ta?
Bài 3: Thực tiễn dùng người tài!
Bài 4: Tiêu chuẩn nào để lựa chọn cán bộ cấp chiến lược “người tài”
Bài 5: Vận nước đặt vào cả đội ngũ cán bộ cấp chiến lược