Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tìm kiếm giải pháp sáng tạo trong phân loại, thu gom và tái chế rác thải

Thứ Ba, 22/10/2024 15:31 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Triển lãm “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024” là hoạt động thiết thực để tìm kiếm, vinh danh và đầu tư, hỗ trợ cho các sáng kiến, giải pháp đổi mới, sáng tạo trong hoạt động phân loại, thu gom và tái chế rác thải bao bì nhựa, đặc biệt là nhựa mềm, giá trị thấp tại Việt Nam.

Hệ thống thiết bị nhiệt phân xử lý rác thải nhựa thành nhiên liệu đốt được trưng bày tại triển lãm. 

Ngày 22/10, tại Hà Nội diễn ra Triển lãm “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Chương trình “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024” do Bộ TN&MT hợp tác cùng các doanh nghiệp (PPC), Unilever Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (Britcham), Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF) tổ chức.

Chương trình nhằm tìm kiếm các giải pháp đổi mới, sáng tạo trong chuỗi giá trị tuần hoàn nhựa và đẩy mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý và giải quyết các vấn đề rác thải nhựa.

Tại triển lãm, nhiều ý tưởng, giải pháp được trưng bày tham gia cuộc thi “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024”. Trong đó, các ý tưởng đổi mới sáng tạo là các sáng kiến, mô hình và giải pháp mới trong quá trình phát triển thành các sản phẩm cụ thể và đang cần hỗ trợ để đưa sản phẩm ra thị trường.

Điển hình là các sản phẩm được thiết kế, may từ những tấm bạt bỏ đi, từ vải vụn do Công ty Gaea sản xuất. Bắt đầu sản xuất tái chế từ đầu năm 2019, chính thức thành lập năm 2023, Gaea là doanh nghiệp xã hội tạo tác động dựa trên tiêu chí bảo vệ môi trường, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa và tạo cơ hội việc làm cho nhóm phụ nữ nông thôn yếu thế.

Sau ý tưởng này, Gaea tiếp tục tìm kiếm các thiết kế có thể phối hợp giữa vải dư và bạt rác. Từ đó phát triển thêm các sản phẩm túi ví và đồ văn phòng phẩm khác có thể thay thế các sản phẩm cùng công năng trên thị trường, góp phần giảm áp lực lên môi trường, giảm sử dụng vật liệu mới trong sản xuất, gia tăng vòng đời cho bạt rác.

Theo bà Lê Thị Hồng Nhi, Phó Tổng Giám đốc Truyền thông, đối ngoại và phát triển bền vững, Unilever Việt Nam, “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024” là hành động thiết thực để tìm kiếm, vinh danh và đầu tư, hỗ trợ cho các sáng kiến, giải pháp đổi mới, sáng tạo trong hoạt động phân loại, thu gom và tái chế rác thải bao bì nhựa, đặc biệt là nhựa mềm, giá trị thấp tại Việt Nam.

Báo cáo nghiên cứu thị trường cho Việt Nam - Cơ hội và thách thức đối với tuần hoàn nhựa do Tập đoàn Tài chính quốc tế và Ngân hàng Thế giới thực hiện cho thấy, mỗi năm có đến 2,62 tấn rác thải nhựa không được tái chế, dẫn đến hao hụt 75% giá trị vật liệu của nhựa, tương đương 2,2 - 2,9 tỷ USD/năm. Ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam có nguồn nguyên liệu phong phú nhưng chưa phát triển với tỷ lệ tái chế nhựa chỉ đạt mức 33%. Bên cạnh đó, giá thành của các sản phẩm tái chế thường cao hơn 25 - 30% so với sản phẩm nhựa thông thường./.

KN

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN