Tìm giải pháp phát triển KHCN phục vụ đào tạo nguồn nhân lực
(ĐCSVN)- Ngày 6/3, tại Đại học Thái Nguyên, khối các trường đại học Nông, Lâm, Ngư, Y, Dược tổ chức Hội nghị định hướng phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2017-2025.
Hội nghị đã chia làm 2 nhóm (nhóm nông, lâm, ngư và nhóm y, dược) để thảo luận. Tại các nhóm, trên cơ sở xây dựng và hợp tác, các đại biểu đến từ các cơ sở giáo dục đại học khối ngành nông – lâm – ngư – y- dược trong cả nước đã mạnh dạn đưa ra nhiều ý kiến thiết thực, đóng góp cho báo cáo của nhóm ngành tại Hội nghị định hướng phát triển khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2017 – 2025.
Tại Hội nghị, GS. TS. Phạm Văn Chương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cho biết, trường hiện nay có tới 30 ngành đào tạo, trong đó mảng “nông, lâm, ngư” chiếm đa số, do vậy cần chọn một số ngành để ưu tiên phát triển.
Từ quan điểm này, GS. Phạm Văn Chương đưa ra 3 ngành chính cần ưu tiên trọng điểm, coi là xương sống chương trình đào tạo nhà trường: ngành Lâm sinh (tạo rừng); Chế biến (sử dụng rừng); Quản lí tài nguyên. Với việc xác định rõ ràng như vậy thì khoa học và công nghệ sẽ làm gì để giúp các ngành phát triển? Theo đó, với ngành Lâm sinh thì chủ yếu áp dụng khoa học tạo cây giống chất lượng cao và kĩ thuật trồng rừng luân canh chất lượng cao, phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Với lĩnh vực chế biến lâm sản, tập trung trong khoa học, công nghệ ứng dụng công nghệ cao cho chế biến để tăng giá trị cho sản phẩm, đảm bảo môi trường. Đối với việc quản lí tài nguyên, để quản lí tốt cần công nghệ viễn thám và kĩ thuật số.
Cùng nhìn nhận về vấn đề này, TS. Nguyễn Tuấn Điệp, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang chia sẻ, với lợi thế là địa phương có sản lượng cây ăn quả lớn trong cả nước, do đó việc phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ cần gắn với nhu cầu của địa phương. Từ đó, có chiến lược xây dựng và tập trung đầu tư cho 3 ngành: Thứ nhất, bảo quản chế biến nông sản; Thứ hai là Khoa học cây trồng; Thứ ba là Chăn nuôi.
Với ba ngành tập trung phát triển các chương trình khoa học và công nghệ như sản xuất giống (công nghệ sinh học, nuôi cấy mô, chọn tạo…); áp dụng công nghệ cao trong chăn nuối như dinh dưỡng cây trồng và chăn nuôi (dung lịch dinh dưỡng, thủy canh, thức ăn chăn nuôi…); đồng thời áp dụng các công nghệ cao trong quản lí trang trại (công nghệ thông tin, chế độ điều khiển tự động).
PGS. TS Lê Việt Dũng – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, với vị thế và địa thế như Cần Thơ thì cần tập trung phát triển các ngành như nuôi trồng thủy sản, hoa quả và môi trường. Trong đó tập trung cho các ngành đi theo hướng nghiên cứu chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp – nuôi trồng thủy sản.
Trong khuôn khổ hội nghị, khối ngành Y- Dược cũng nêu lên nhiều thực trạng và bất cập trong nghiên cứu khoa học, áp dụng khoa học công nghệ ở môi trường đại học. GS. TS Nguyễn Văn Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Y-Dược, Đại học Thái Nguyên cho biết, muốn phát triển khoa học và công nghệ trong các trường đại học thì điều đầu tiên phải có cơ chế thuận lợi hơn. Đồng thời thay đổi cơ chế quản lí, phải có giải pháp để đào tạo nguồn nhân lực khoa học; phải có đầu tư về tiềm lực khoa học. GS. TS Nguyễn Văn Sơn cũng nêu lên các ngành cần quan tâm đặc biệt ở khối ngành Y, dược là Bác sĩ, Dược sĩ và Điều dưỡng.
Trao đổi thêm, GS. TS Đặng Kim Vui – Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho rằng, mặc dù ở các trường đại học hiện nay đang có một đội ngũ giảng viên, cán bộ đang giảng dạy công tác rất hùng hậu, nhưng việc nghiên cứu khoa học phục vụ cho thực tiễn sản xuất, giảng dạy vẫn còn hạn chế.
Lí do ở đây có thể do đội ngũ giảng viên có khả năng làm nghiên cứu nhiều thì lại tập trung làm công tác giảng dạy, thời gian dành cho giảng dạy nhiều hơn làm nghiên cứu, điều này đang đi ngược với các nước. Lí do nữa là nguồn tài chính phục vụ cho nghiên cứu hiện nay vẫn còn thấp, có những đề tài tầm cỡ nghiên cứu phải tốn 5-7 tỷ đồng thì chúng ta mới đáp ứng được một lượng rất nhỏ, do đó để thực hiện những nhiệm vụ nghiên cứu thì phải có nguồn kinh phí. Bởi theo GS. Đặng Kim Vui, việc xác định nghiên cứu cũng giống như đầu tư xây dựng cơ bản, phải có giai đoạn mới ra được sản phẩm.
“Trong một vài trường hợp nghiên cứu khoa học, sản phẩm không ra được ngay, như khoa học nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, giống cây trồng, vật nuôi có thể 6-7 năm mới ra được giống. Nhưng chu kỳ đề tài chỉ có khoảng 2 năm, đó cũng là một trong nhưng cản trở” - GS. Đặng Kim Vui cho biết.
Cũng theo GS. TS Đặng Kim Vui, cách thức quản lí đề tài hiện nay có cải tiến, nhưng vẫn còn rối trong thủ tục hành chính (phê duyệt, công tác đấu thầu, quản lí tài chính). Có thể phê duyệt đấu thầu xong nhưng lại không căn cứ vào sản phẩm để nghiệm thu, mà đi vào những vụ việc trung gian nhiều, làm cho chủ nhiệm đề tài hoặc nhà khoa học mất nhiều thời gian trong thanh, quyết toán.
Để phát triển khoa học và công nghệ trong các trường đại học hiện nay, GS. TS Đặng Kim Vui cho rằng, các nhà khoa học phải hình thành lên các chương trình nghiên cứu mũi nhọn. Bản thân cơ sở giáo dục đại học đó có đầy đủ đội ngũ, cơ sở vật chất để có năng lực thực hiện chương trình đó. Các chương trình nghiên cứu phải là tập hợp của các nhà khoa học theo nhóm chuyên môn, lấy tiêu chí sản phẩm khoa học công nghệ là hàng đầu, có ứng dụng thiết thực đối với sự phát triển kinh tế xã hội cũng như mục tiêu giảng dạy, đào tạo.
Với tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc, lãnh đạo các trường đại học khối nông – lâm – ngư – y- dược đã bàn thảo nhiều nội dung để từ đó tìm ra giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục đại học. Các ý kiến trong hội nghị sẽ được tổng hợp thành bản báo cáo lên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian tới./.