Tìm giải pháp mở rộng cơ hội xuất khẩu với ngành chế biến gỗ Việt Nam
(ĐCSVN) – Ngày 4/10, tại Hà Nội, Bộ Công Thương, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam VIFORES, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Bình Định, tổ chức Forest Trends đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Ngành công nghiệp chế biến gỗ: Mở rộng cơ hội xuất khẩu”.
Hội thảo nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm gỗ hợp pháp của Việt Nam; phát triển cơ hội xuất khẩu sang thị trường các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc; đánh giá thực trạng thương mại gỗ và sản phẩm gỗ giữa Việt Nam và các quốc gia khác.
Hội thảo Ngành công nghiệp chế biến gỗ, mở rộng cơ hội xuất khẩu. (Ảnh: TC)
Tại hội thảo, các đại biểu đã khẳng định, Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ là một ngành xuất khẩu chủ lực của nước ta. Với tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm trong 15 năm qua, Việt Nam đã trở thành nước đứng đầu Đông Nam Á, đứng thứ hai châu Á và đứng thứ tư thế giới về giá trị xuất khẩu. Năm 2015, doanh thu xuất khẩu từ ngành đạt 7 tỷ USD. Những kết quả đã đạt được, tạo nền tảng cơ bản để ngành chế biến xuất khẩu gỗ phát triển mạnh mẽ hơn, khi Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết. Việc phát triển bền vững và ổn định ngành gỗ có ý nghĩa vô cùng quan trọng về mặt kinh tế và xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được ngành chế biến xuất khẩu gỗ của Việt Nam còn gặp nhiều bất cập như: nguồn vốn hạn chế, nên chưa thể đáp ứng được quy chuẩn gỗ của liên minh châu Âu, như Hiệp định đối tác tự nguyện về tăng cường thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản giữa Việt Nam và liên minh Châu Âu; năng lực tổ chức, quản trị một số công ty còn hạn chế. Số lượng chuyên viên và trình độ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, cán bộ khoa học ngành gỗ chưa thực sự đáp ứng yêu cầu cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Một số doanh nghiệp chưa nắm vững hàng rào kỹ thuật nhập khẩu và khả năng tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến còn hạn chế.
Để ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam tiếp tục phát triển, tạo thu nhập và công việc cho người lao động, các đại biểu tham dự hội thảo đã đề xuất những giải pháp nhằm thúc đẩy ngành gồm: cần cơ chế thông thoáng hơn về quản lý nhà nước. Lãi suất vay ngân hàng, tỷ giá, thủ tục hoàn thuế, cũng như thủ tục xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan cần tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp hoạt động. Về phía các doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật thông tin, tìm hiểu xu hướng phát triển của thị trường để đối phó với nguy cơ cũng như đương đầu với môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.