Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tìm giải pháp kỹ thuật và đường bay điển hình phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ

Thứ Sáu, 07/06/2024 16:19 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Việc có thêm phương tiện tìm kiếm và cứu nạn, cứu hộ các nạn nhân trong mùa mưa bão trên đất liền và trên biển sẽ góp phần giảm thiểu các thiệt hại về người và tài sản.

Ngày 7/6, tại Hà Nội, Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ Âu Mỹ phối hợp tổ chức hội thảo “Các giải pháp kỹ thuật và đường bay điển hình”. Hội thảo nhằm tìm các giải pháp kỹ thuật và đường bay điển hình cho tổ hợp bay không người lái thông minh phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển và ứng phó sự cố, thiên tai.

Tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, Việt Nam là đất nước có đường bờ biển dài hơn 3.260km với khí hậu nhiệt đới gió mùa, ẩm với nhiều hiện tượng thời tiết mưa, bão bất thường, gây ra lũ ống, lũ quét cuốn trôi nhiều nhà cửa và người dân. Tuy nhiên, các vấn đề về tai nạn trên biển phần nào làm hạn chế sự phát triển của du lịch biển tại Việt Nam, đặc biệt là thiếu và yếu về trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn chuyên dụng có thể đáp ứng nhu cầu phản ứng nhanh cũng như hoạt động đủ lâu và thông minh.

Toàn cảnh hội thảo

Việc đưa các thiết bị hiện đại vào làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển cũng như hỗ trợ cứu nạn khi lũ ống, lũ quét xảy ra nhằm giảm thời gian ứng cứu, giảm chi phí và nguồn nhân lực tìm kiếm, và đáp ứng được hiệu quả tìm kiếm cứu nạn là yêu cầu cấp bách, đang được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm phát triển. Vì vậy, việc nghiên cứu phát triển và chế tạo các thiết bị bay tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn phù hợp với nhiệm vụ đặc thù này là vô cùng cần thiết.

Các ý kiến tại hội thảo cũng cho biết, trong kỷ nguyên 4.0, các hệ thống thiết bị như máy bay không người lái UAV (Unmanned Aerial Vehicle) đã và đang rất được quan tâm phát triển. Hiện tại, không khó để có thể chế tạo những UAV với các chế độ bay đơn giản cho các nhiệm vụ về không ảnh. Tuy nhiên, thách thức sẽ là rất lớn khi thiết kế chế tạo UAV dạng lai (Hybrid) thông minh với các khả năng xử lý sự cố tự động, có các tính năng chuyển chế độ bay thông minh và tích hợp các thiết bị có khả năng đáp ứng tín hiệu điều khiển từ xa phù hợp cho nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn người bị lũ cuốn, cứu hộ và tiếp tế người dân vùng bị ngập lụt, hay tìm kiếm và cứu hộ nạn nhân khi xảy ra tai nạn trên biển và sự cố thiên tai.

Vấn đề chính còn tồn tại cần phải giải quyết tạo nên tính mới của nhiệm vụ này về mặt khoa học và thực tiễn, mà các nghiên cứu trước đây chưa thực hiện được, là chưa có tổ hợp bay không người lái sử dụng công nghệ thông minh. Bởi vậy, việc xây dựng giải pháp công nghệ phù hợp cho thiết bị bay nguồn lai (xăng - điện) phục vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn sử dụng các hệ thống thông tin, truyền thông, điều khiển giám sát từ xa trên cơ sở phát triển hoàn thiện bộ điều khiển bay chuyên dụng tích hợp máy tính nhúng là nhu cầu cấp thiết, phù hợp với Quyết định số 2813/QĐ-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt chương trình khoa học trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2025: “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”. Đặc biệt, đây sẽ là hệ thống với công nghệ đón đầu, phù hợp với nhu cầu cứu hộ, cứu nạn trong toàn quốc và nhất là các địa phương thường xảy ra lũ quét và ngập lụt, các tỉnh có du lịch biển, ngư dân trên biển... theo định hướng phát triển hướng ra biển đảo của Đảng và Nhà nước.

Năm 2022, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã cho thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các thiết bị và xây dựng tổ hợp bay không người lái thông minh phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển và ứng phó sự cố, thiên tai” với mục tiêu làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo và tích hợp hệ thống tạo nên tổ hợp bay không người lái thông minh phục sử dụng trí tuệ nhân tạo vụ công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển, trong vùng nước cảng biển và hỗ trợ công tác ứng phó sự cố, thiên tai; chế tạo được tổ hợp bay không người lái và ứng dụng cho một nhiệm vụ thực tế tại Việt Nam.

Việc có thêm phương tiện tìm kiếm và cứu nạn, cứu hộ các nạn nhân trong mùa mưa bão trên đất liền và trên biển khi điều kiện thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp sẽ góp phần giảm thiểu các thiệt hại về người và tài sản, giúp cho người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống và củng cố an ninh quốc phòng./.

Tin, ảnh: HN

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN