Tìm giải pháp hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng cá chết
(ĐCSVN) - Nhằm tìm giải pháp hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng cá biển chết hàng loạt trong thời gian vừa qua, chiều 26/4, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Hội nghị để bàn về vấn đề này.
Tại Hội nghị, đồng chí Hoàng Đăng Quang, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình đã yêu cầu UBND tỉnh cần khẩn trương chỉ đạo các ban, ngành, địa phương thống kê sơ bộ thiệt hại, có biện pháp ổn định tình hình, trích ngân sách hỗ trợ ngư dân, khẳng định sự đồng hành của Đảng và chính quyền các cấp đối với ngư dân.
Cùng với yêu cầu trên, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Đăng Quang cũng chỉ đạo các địa phương làm tốt việc thu gom cá chết, chôn lấp, tiêu hủy, bảo đảm vệ sinh môi trường; các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh thống kê lại số hộ nghèo của các xã ven biển, nhất là các gia đình chính sách để có chính sách quan tâm, hỗ trợ kịp thời, tuyệt đối không để nhân dân bị thiếu đói.
Ngoài ra, các huyện, thị xã, thành phố ven biển xem xét thiệt hại và trích ngân sách hỗ trợ ngư dân; Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, các đoàn thể chính trị, xã hội tăng cường công tác kêu gọi, huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân hảo tâm cùng tham gia hỗ trợ ngư dân ổn định đời sống và sản xuất. UBND tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khẩn cấp cho ngư dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng cá biển chết hàng loạt. Trong đó, UBND tỉnh đã quyết định trích 500 tấn gạo để hỗ trợ ngư dân, các hộ làm muối, nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng với mức 10kg/khẩu. UBND tỉnh chỉ đạo các xã phải phân bổ gạo hỗ trợ bảo đảm kịp thời, công bằng và đúng đối tượng.
Thống kê sơ bộ của UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, đến nay toàn tỉnh đã có khoảng 2.800 tàu thuyền, 350 hộ sản xuất muối, cùng các hộ đánh bắt xa bờ, nuôi trồng thủy sản, kinh doanh dịch vụ du lịch... bị ảnh hưởng bởi nạn cá chết vừa qua, ước tính tổng thiệt hại do cá biển chết tại tỉnh Quảng Bình khoảng 115 tỷ đồng.
Với mức thiệt hại trên, UBND tỉnh Quảng Bình đền nghị các sở, ngành, địa phương có liên quan tăng cường tuyên truyền và ngăn chặn ngư dân tham gia đánh bắt ven bờ; đẩy mạnh công tác thu gom, tiêu hủy cá chết, bảo đảm vệ sinh môi trường, tuyệt đối không sử dụng cá chết làm thực phẩm hay sử dụng trong chăn nuôi. Quan tâm làm tốt công tác tuyên truyền, ổn định tư tưởng cho nhân dân, huy động các tổ chức và cá nhân hảo tâm cùng chung tay giúp đỡ ngư dân vượt qua khó khăn. Tiếp tục nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ sinh kế cho ngư dân trong thời gian tới.
Trong khi đó tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, chiều 26/4 Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này đã có báo cáo về tình trạng cá chết bất thường ở khu vực đầm phá và vùng ven biển của tỉnh.
Theo báo cáo, trong thời gian từ ngày 15 - 24/4/2016, dọc các huyện ven biển từ Bắc vào Nam của tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xảy ra tình trạng cá biển cũng như cá trong vùng đầm phá (cá nuôi lồng và cá tự nhiên) và ở khu vực cửa biển (Thuận An, Tư Hiền, Lăng Cô) cá chết hàng loạt ảnh hưởng lớn đến môi trường, hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản và kinh doanh - dịch vụ tại các bãi biển du lịch cũng như đời sống của nhân dân các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc...
Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành khảo sát, quan trắc và lấy 9 mẫu nước mặt và 7 mẫu trầm tích tại khu vực đầm Lập An (gần cửa biển Lăng Cô), huyện Phú Lộc, vùng ven bờ xã Quảng Công, huyện Quảng Điền và các xã Điền Hương, Điền Hải, huyện Phong Điền để phân tích, đánh giá các thông số về môi trường theo Quy chuẩn Việt Nam từ đó tìm hiểu nguyên nhân của sự cố.
Qua một kết quả đo đạc và phân tích các mẫu nước tại khu vực đầm Lập An, cửa biển Lăng Cô (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc), bước đầu cho thấy: Các chỉ tiêu về hóa lý: pH, hàm lượng ôxy hòa tan, nhu cầu ôxy hóa học, hàm lượng cyanua, tổng hàm lượng dầu mỡ, tổng các chất hoạt động bề mặt đều nằm trong giới hạn cho phép của Quốc gia về chất lượng nước biển.
Tuy nhiên, tổng hàm lượng nitơ tính theo amoni (NH4+-N), hàm lượng kim loại nặng crôm (Cr) vượt giới hạn cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển... Trên cơ sở kết quả khảo sát, phân tích các mẫu nước, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng nguyên nhân cá biển, cá nuôi chết không phải do dịch bệnh mà do một tác nhân cực mạnh - chất độc trong môi trường nước dẫn đến sự cố cá chết hàng loạt tại tỉnh này.
Hiện tượng cá chết xuất hiện dọc bờ biển Thừa Thiên-Huế có lượng cá chết giảm dần từ Bắc xuống Nam. Như vậy, khả năng nguồn chất độc trong môi trường nước gây sự cố cá chết hàng loạt đã xuất hiện từ phía Bắc của tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị các địa phương bị ảnh hưởng, có cá chết khẩn trương thu gom và xử lý theo quy định, không được để cá chết gây ô nhiễm môi trường; thống kê thiệt hại trong hoạt động nuôi trồng và đánh bắt cũng như các hoạt động kinh tế liên quan của địa phương.
Sở này cũng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương khẩn trương nghiên cứu và có hướng dẫn kịp thời giúp nhân dân sử dụng thủy sản khoa học, hợp lý nhằm ổn định thị trường và cuộc sống.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế, đến ngày 24/4/2016, tại địa bàn tỉnh này, hiện tượng cá chết trôi dạt vào bờ hầu hết đã giảm và không phát sinh thêm các địa phương ven biển có hiện tượng cá biển chết. Tuy nhiên, hiện tượng cá chết bất thường đã ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy sản; hoạt động kinh doanh - dịch vụ tại các bãi biển du lịch, giảm thu nhập của ngư dân và đã tác động mạnh đến đời sống nhân dân cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.