Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tìm đầu ra cho nông sản vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Thứ Năm, 08/09/2022 14:53 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Thời gian qua, việc mật ong Việt Nam xuất khẩu (XK) liên tục sang EU, Mỹ; trái xoài Sơn La XK thành công sang các thị trường khó tính như Anh, Australia; trái vải Lục Ngạn được đánh giá rất cao ở Nhật Bản, Pháp…

Tìm đầu ra cho nông sản vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Ảnh: LĐTĐ)

Tại Tọa đàm “Kết nối thông tin, tìm đầu ra cho nông sản vùng dân tộc thiểu số và miền núi” do Báo Công Thương tổ chức ngày 7/9, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương khẳng định, khu vực nông thôn, miền núi Việt Nam là “thủ phủ” của nhiều loại nông sản chất lượng cao.

Theo bà Lê Việt Nga, Bộ Công Thương đã xây dựng một chiến lược phát triển thị trường thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045, đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2021. Trong đó đã giao cho các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt vai trò chủ chốt là Bộ Công Thương về việc tổ chức ra được thị trường tiêu thụ hỗ trợ sản xuất trong nước, trong đó nhấn mạnh đến mặt hàng nông sản. Thời gian tới, cần cải tiến hơn nữa công tác kết nối cung cầu bằng việc gắn kết đa ngành, ví dụ gắn kết du lịch với thương mại.

“Qua thời gian triển khai các hoạt động văn hoá, lễ hội, trong đó yếu tố văn hoá hết sức quan trọng, đóng một giá trị gia tăng rất lớn cho hàng nông sản, đặc biệt là nông sản ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo.” – bà Lê Việt Nga khẳng định.

Ông Nghiêm Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo – Truyền thông, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, đại diện sàn thương mại điện tử (TMĐT) Postmart.vn cho rằng, khó khăn của doanh nghiệp khi tiếp cận nông sản, đặc sản vùng nông thôn miền núi là do công nghệ chế biến còn hạn chế, gây khó cho tiêu thụ do thời gian bảo quản ngắn. Do vậy, các cơ quan quản lý cần quan tâm nhiều hơn đến công nghệ chế biến nông sản cũng như có các chính sách thu hút doanh nghiệp chế biến để nâng cao giá trị nông sản.

Ông Nghiêm Tuấn Anh cũng cho biết, doanh nghiệp đã đẩy mạnh phát triển, kết nối cung cầu trong hoạt động thương mại, hỗ trợ phát triển kinh tế, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Hiện, Bưu điện Việt Nam có 13.000 điểm phục vụ trên toàn quốc đến tận cấp xã và rất gần với người dân. Chính sự gần gũi này đã tạo gắn kết chặt chẽ giữa người dân và doanh nghiệp.

Qua đó hàng nghìn tấn nông sản của người nông dân đến tay người tiêu dùng. Cùng với đó, trong bối cảnh phát triển của thương mại điện tử, việc trang bị kỹ năng ứng xử trên môi trường số cho người nông dân là hết sức quan trọng. “Vì thế, chúng tôi không dừng lại ở đào tạo cách thức đưa nông sản lên sàn mà còn trang bị các kỹ năng trên môi trường số, giúp người nông dân có thể livestream bán hàng tại khu vườn của mình”, ông Tuấn Anh chia sẻ.

Ông Phạm Công Toản, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cũng cho biết, để nông sản Bắc Giang nói chung và trái vải thiều Lục Ngạn nói riêng có chỗ đứng trên thị trường, Bắc Giang đã có sự có chuẩn bị từ nhiều năm, đồng thời kiên định nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã hoàn thiện, chuẩn hóa bao bì, tem nhãn và truy xuất nguồn gốc (tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí bao bì, tem nhãn).

Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang cũng rà soát, kiểm tra, đánh giá, giám sát tất cả các mã số vùng trồng hiện có; cấp mã số vùng trồng mới và số hóa vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, cơ sở xông hơi khử trùng đã được cấp. Từ đó đẩy mạnh liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, gia tăng giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.

A.N

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN