Bài 4: Tiêu chuẩn nào để lựa chọn cán bộ cấp chiến lược “người tài”
(ĐCSVN) – “Một người lo bằng kho người làm” câu nói của người xưa để lại nhắc nhở chúng ta quan tâm đến người tài, nhất là xây dựng tiêu chuẩn, cơ chế chính sách thu hút người tài, cán bộ cấp chiến lược đại hội XIII của Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Người còn chỉ rõ: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời, đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”. Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu "then chốt" của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững.
Nghị quyết TW 7 khóa XII “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” nêu rõ: Cán bộ cấp chiến lược là những cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; giữ vai trò cực kỳ quan trọng, quyết định đến sự thành bại của cách mạng. Đây là lực lượng nòng cốt, vận hành hệ thống chính trị hoạt động; đề xuất những ý tưởng mới, sáng tạo, tư duy chiến lược, dài hạn; hoạch định các chủ trương, đường lối, chính sách lãnh đạo, quản lý ở tầm vĩ mô của đất nước; dự báo kịp thời sự thay đổi của tình hình và điều chỉnh nhanh nhạy các quyết sách theo sự thay đổi đó. Trên cương vị của mình, họ tổ chức, lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đưa nghị quyết vào cuộc sống. Ngoài ra, cần phải coi các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành là thuộc cán bộ cấp chiến lược; bởi họ hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực tinh thần, cung cấp những căn cứ, luận cứ khoa học để xây dựng các quyết sách, qua đó tác động vào công tác lãnh đạo chiến lược của Đảng, Nhà nước, mặc dù có những người không thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Như vậy, có thể nói, cán bộ cấp chiến lược là tầng lớp “tinh hoa” của đất nước, những người ở tầm cao trí tuệ, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín để điều hành đất nước phát triển.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, ngày càng phồn vinh, hạnh phúc là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Có thể nói đây là những người tài năng có nhiệm vụ quan trọng hàng đầu quyết định đưa đất nước phát triển, họ có năng lực trong việc hoạch định và thực thi chính sánh, có tầm nhìn xa trông rộng, có năng lực quản trị quốc gia…
Theo đó Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành qui định về chức danh cán bộ cấp chiến lược, bên cạnh các tiêu chuẩn chung, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư phải đảm bảo đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh (bí thư tỉnh ủy, thành ủy; chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND tỉnh, thành), hoặc trưởng ban các ban, bộ, ngành, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương.
Trường hợp Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư công tác trong Quân đội thì phải kinh qua chủ trì cấp Quân khu.
Chức danh Tổng bí thư phải bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư, đồng thời cần có những phẩm chất, năng lực như: Uy tín cao trong Trung ương, Bộ Chính trị và trong toàn Đảng; là trung tâm đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị...
Tiêu chuẩn khác của Tổng Bí thư là có bản lĩnh chính trị, năng lực, nghiên cứu, phát hiện, đề xuất, phát triển tư tưởng mới và chiến lược lớn, lâu dài; quyết đoán, quyết liệt để quyết định những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến vận mệnh của Đảng, của quốc gia, của dân tộc; có năng lực lãnh đạo, điều hành Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; có năng lực chỉ đạo chuẩn bị, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm.
Tổng Bí thư cũng phải là người đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên (trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định).
Chủ tịch nước được quy định là người có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng; hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp; là trung tâm đoàn kết các lực lượng xã hội và các cộng đồng dân tộc trong, ngoài nước; quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công...
Chức danh Thủ tướng được quy định tiêu chuẩn cụ thể là: Có uy tín cao, hạt nhân đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị và trong toàn Đảng. Có năng lực nổi trội trong hoạch định chiến lược; quyết đoán, quyết liệt, kịp thời để quyết định những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến lĩnh vực hành pháp.
Thủ tướng cũng phải có khả năng hiểu biết sâu, rộng nền hành chính quốc gia, kinh tế - xã hội đất nước; kinh tế, chính trị thế giới và hội nhập quốc tế. Có năng lực toàn diện về tổ chức, quản lý, chỉ đạo, điều hành cơ quan hành chính nhà nước...
Trong số các tiêu chuẩn của chức danh Chủ tịch Quốc hội, có yêu cầu về năng lực nổi trội, toàn diện trong các lĩnh vực công tác, nhất là trong việc chỉ đạo thể chế hóa đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng pháp luật, giám sát thực thi pháp luật và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước...; có khả năng hiểu biết sâu sắc hệ thống pháp luật của Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế; có năng lực điều hành chất lượng, hiệu quả các phiên họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội...
Quy định nêu trên cũng đưa ra tiêu chuẩn cụ thể với từng chức danh như: Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các uỷ ban của Quốc hội...
Với chức danh bộ trưởng và tương đương, quy định nêu rõ tiêu chuẩn: Có kinh nghiệm lãnh đạo, điều hành và quyết đoán, quyết liệt, kịp thời quyết định những vấn đề khó, phức tạp thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách.
Bộ trưởng cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn không bị chi phối bởi lợi ích nhóm; đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chức danh lãnh đạo, quản lý cấp thứ trưởng hoặc phó trưởng ban, ngành, đoàn thể Trung ương hoặc lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, việc ban hành công khai các tiêu chuẩn nêu trên thể hiện quyết tâm của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đấu tranh không khoan nhượng với tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống, tham nhũng, lợi ích nhóm trong một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý; đồng thời là công cụ để đảng viên, nhân dân giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ đảng trong việc sử dụng quyền lực được giao.
“Đây là một trong những cách thức để thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký kiêm ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương |
PGS.TS Nguyễn Viết Thông nhấn mạnh: “Nhưng cũng không lo lắm, bởi vì đội ngũ cán bộ hiện nay đã qua rèn luyện, thử thách và chỉ những người đủ phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ mới được giới thiệu vào các cấp ủy”. “với sự chuẩn bị bài bản, thế hệ kế cận hiện nay đủ sức đảm đương, gánh vác được những trọng trách mà thế hệ cha ông giao cho”- ông Thông cho biết.
Một trong những tiêu chuẩn với đảng viên nói chung và nhân sự được quy hoạch vào BCH TƯ nói riêng là phải kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định Cương lĩnh, đường lối của Đảng. Nhân sự được giới thiệu vào BCH TƯ không kiên định thì đấy là điều rất nguy hiểm cho Đảng.
Đây là 3 vấn đề cốt lõi nhất mà Đảng ta, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội Đảng đã khẳng định và được ghi vào trong Hiến pháp là “Đảng lấy chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng”.
Đây cũng là một trong bảy điều mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý không để lọt vào BCH TƯ khoá XIII. Đó là kiên quyết “không để lọt vào TƯ những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng…”.
Điều đó cho thấy, tiêu chuẩn được coi trọng đầu tiên là nói đến phẩm chất chính trị, chứ không phải nói đến năng lực. Nghị quyết TƯ cũng nhấn mạnh phẩm chất chính trị đầu tiên, rồi mới đến năng lực.
Bác Hồ ngày xưa cũng nói đến đức trước, đức là gốc rồi mới đến tài. Người không có đạo đức khó sửa lắm; còn người không có tài, chưa đủ tài thì có thể đào tạo, bồi dưỡng để trở thành người có tài.
“Nhưng chúng ta cũng đừng tuyệt đối hóa vấn đề, đừng có lý tưởng hóa cho rằng tới đây lựa chọn những người sáng ngời tất cả, khó lắm. Bởi vì đánh giá con người, đánh giá cán bộ rất khó, không đơn giản”.- ông Thông bày tỏ.
Như Tổng Bí thư nói “đừng thấy đỏ mà tưởng chín” nên nói như kinh nghiệm của cha ông ta cần “có con mắt tinh đời“ thì mới phát hiện ra những người phẩm chất, tài năng. Hồ Chí Minh là mẫu mực về con mắt tinh đời trong phát hiện cán bộ, giao việc cho cán bộ.
Ví dụ điển hình là một thầy giáo về xã hội nhân văn như đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bác Hồ đã tinh đời nhìn thấy được tiềm năng, khả năng của ông Võ Nguyên Giáp để giao cho chức Bộ trưởng Quốc phòng và những chức vụ khác.
Tôi hy vọng, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Đại hội XIII sẽ cố gắng khắc phục, hạn chế những trường hợp như Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Bắc Son,... để lựa chọn vào BCHTƯ, Bộ Chính trị khóa mới những người thật xứng đáng.
Cần phải xem lại những bài học của ông cha ta trong lịch sử ngàn năm dựng nước, giữ nước và đến thời đại Hồ Chí Minh, chọn người tài trong và ngoài nước, tiến cử và bầu cử chọn người tài rộng rãi, dân chủ.
Ngày xưa, nếu tiến cử đúng người tài thì được thưởng, sai thì bị phạt, theo Vua Lê Thánh Tông: “Muốn có nhân tài, trước hết phải chọn người có học. Phép chọn người có học thì thi cử là đầu” (học thật, thi nghiêm!); “Kẻ nào để mất một tấc đất của Tổ quốc, kẻ đó có tội với non sông”.
Công tác nhân sự cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII là một nhiệm vụ cực kỳ hệ trọng, liên quan đến vận mệnh của Đảng, của dân tộc và tiền đồ phát triển của đất nước.
Để làm tốt công tác này, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có cơ chế thật sự đề cao trách nhiệm của người giới thiệu cán bộ. Bởi trong thực tế đã có không ít những hệ lụy khi có không ít cán bộ mắc sai phạm nhưng trách nhiệm của người giới thiệu còn chưa thực sự rõ ràng.
Những vi phạm trong một thời gian dài, những hệ lụy, kể cả sự suy giảm niềm tin của nhân dân là điều đã được nhắc đến. Nhưng ai là người giới thiệu và trách nhiệm của họ đến đâu khi tiến cử, giới thiệu những cán bộ này vào cấp ủy và vào các cương vị chủ chốt? Đến nay, đây vẫn là điều chưa có câu trả lời.
Thực tế cho thấy trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng xảy ra tình trạng một số cán bộ cấp cao được Đảng giao cho những trọng trách đã vi phạm pháp luật bị xử lý kỷ luật hành chính, đảng thậm chí bị xử lý hình sự. Những trường hợp ấy chỉ thấy xử lý người mắc sai lầm, có khuyết điểm, còn không thấy vai trò của các cơ quan, các tổ chức của các cấp ủy, và người trực tiếp giới thiệu, đề xuất ở đâu?.
Nhiều ý kiến cho rằng người tiến cử phải có trách nhiệm với tập thể khi tiến cử người tham gia vào các cương vị lãnh đạo. Nếu tiến cử nhầm người, làm nguy hại đến lợi ích của đất nước phải chịu trách nhiệm. Chưa làm được điều này, sẽ chưa khắc phục được tình trạng tùy tiện, lợi ích nhóm trong quá trình chuẩn bị nhân sự.
Thực tế đặt ra yêu cầu cần tăng cường tính công khai, minh bạch hơn nữa trong việc đề xuất, giới thiệu và lựa chọn nhân sự cấp chiến lược, kể cả trách nhiệm của các đại biểu giới thiệu tại Đại hội.
PGS,TS Đào Duy Quát, Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương nhấn mạnh: “Từng đại biểu một phải phải căn cứ vào đâu để giới thiệu, báo cáo trước đại hội và để cho đại hội chất vấn tại sao anh đánh giá thế này, đưa ra tất cả đại hội để người ta chất vấn từng người giới thiệu. Các đại biểu có quyền giới thiệu và bảo vệ giới thiệu, còn đại hội phải xem xét rất cẩn trọng”.
Việc giới thiệu, đề xuất nhân sự lãnh đạo ở cấp nào cũng rất quan trọng, ở cấp chiến lược lại càng đặc biệt quan trọng. Không chỉ những người được giới thiệu để giữ những trọng trách, mà ngay cả những người giới thiệu cũng cần đủ tâm, đủ tầm và đủ trách nhiệm.
Để chọn được nhân tài theo GS Hoàng Chí Bảo, thì trong nội bộ Đảng phải đề cao trách nhiệm của cấp ủy, nhất là người đứng đầu. Ai giới thiệu cán bộ mà cán bộ đó mắc sai lầm, không xứng đáng thì người giới thiệu phải liên đới chịu trách nhiệm. Chính vì vậy, trong lựa chọn nhân sự Đại hội XIII của Đảng, trong nội bộ Đảng phải liên đới chịu trách nhiệm về nhân sự do mình đề xuất, giới thiệu. Việc chọn lựa cán bộ phải công tâm, khách quan, không vì riêng tư, không vì yêu người này ghét người kia, càng không vì phe phái, lợi ích nhóm, “cánh hẩu” với nhau mà đưa người hợp với mình vào bộ máy, còn người thực đức, thực tài thì bị loại ra.
Thậm chí, có những cán bộ mà mình “không ưa” nhưng họ thực là người giỏi, người tốt, được dân tín nhiệm, có lợi cho cách mạng thì vẫn phải dùng và đã dùng thì phải tin dùng, tin cậy và tôn trọng họ. Dĩ nhiên kèm theo đó là cơ chế kiểm soát để bảo vệ họ, không để họ đi vào con đường sai lầm.
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng đã thể hiện một cách trực tiếp và gián tiếp đưa ra những lời cảnh báo và răn đe: “đừng nhìn đỏ tưởng là chín”, đừng chỉ thấy “cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong”... việc này không chỉ nâng cao suy nghĩ, nhận thức tư duy cho mọi người, mà trực tiếp tạo ra áp lực đối với những người có trọng trách thiết kế nhân sự của Đảng ở tất cả các cấp từ địa phương đến Trung ương.
Một điều được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhiều lần nhấn mạnh, đó là tuyệt đối không để kẻ cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; những người không trong sáng về đạo đức, lợi dụng chức quyền để vụ lợi, để người nhà, người thân, vợ chồng, con cái lợi dụng chức quyền để trục lợi... lọt vào bộ máy.
Cần nhắc lại một việc đáng suy nghĩ, đó là chưa có nhiệm kỳ đại hội nào (mặc dù chưa hết nhiệm kỳ khoá XII) mà số lượng cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý gần 100 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý đã bị kỷ luật; một số còn bị xử lý hình sự, GS Hoàng Chí Bảo cho rằng, thực tiễn này tuy đau đớn và đắt giá nhưng cho chúng ta bài học sâu sắc về cán bộ.
Để chuẩn bị thật tốt công tác đặc biệt quan trọng này là nhân sự Đại hội XIII của Đảng. Ban Bí thư ban hành Số: Hướng dẫn số 03 một số vấn đề cụ thể thực hiện Quy chế bầu cử trong Đảng. Trong đó nêu rõ, về trách nhiệm của người đề cử trong việc giới thiệu nhân sự tham gia cấp uỷ tại Đại hội, theo hướng dẫn, người đề cử nhân sự tham gia cấp uỷ phải chịu trách nhiệm trước Đại hội về tiêu chuẩn, điều kiện tham gia cấp uỷ của người mà mình đề cử. Sau Đại hội, nếu xác minh người được đề cử không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì tuỳ theo mức độ vi phạm, người đề cử sẽ bị xem xét xử lý theo quy định của Đảng.
Nội dung: Nguyễn Minh - Thực hiện: Phạm Cường
Bài 2: Người tài cần gì ở chúng ta?
Bài 3: Thực tiễn dùng người tài!
Bài 5: Vận nước đặt vào cả đội ngũ cán bộ tài năng cấp chiến lược