Tiếp tục xảy ra các vụ bắt cóc hàng loạt ở Tây Bắc Nigeria
(ĐCSVN) – Chỉ vài ngày sau vụ bắt cóc hơn 250 học sinh, các tay súng tiếp tục thực hiện vụ bắt cóc 61 người ở một ngôi làng thuộc huyện Kajuru, bang Kaduna, Tây Bắc Nigeria.
Quân đội Nigeria triển khai các lực lượng để giải cứu hơn 250 học sinh bị bắt cóc ở Kuriga (Ảnh: AP) |
Các nguồn tin địa phương và nguồn tin Liên hợp quốc ngày 12/3 cho biết, vụ bắt cóc xảy ra khi lực lượng an ninh đang tìm kiếm những học sinh bị bắt cóc khỏi trường học ở làng Kuriga cách đó khoảng 150 km.
Ủy viên hội đồng địa phương Abubakar Buda nêu rõ các tay súng đã xông vào làng trong đêm 11/3, rạng sáng 12/3, đến từng nhà bắt cóc người dân. Trong khi đó, trả lời Arise News, nghị sĩ bang Kaduna Usman Danlami Stingo cho biết trong số 61 người bị bắt cóc bao gồm 32 phụ nữ và 29 nam giới.
Cũng trong ngày 12/3, nhà chức trách cho biết quân đội đang lục soát các khu rừng ở Tây Bắc Nigeria để giải cứu hàng trăm học sinh bị bắt cóc ở Kuriga hồi tuần trước. Tuy nhiên, hiện có rất ít thông tin liên quan được tiết lộ.
Trước đó, vào ngày 7/3, các tay súng đã tấn công vào trường học ở Kuriga, bắn chỉ thiên để uy hiếp và sau đó bắt cóc hơn 250 học sinh cùng giáo viên. Đây là vụ bắt cóc hàng loạt thứ hai xảy ra trong vòng 1 tuần và cũng là vụ lớn nhất trong 3 năm qua ở quốc gia đông dân nhất châu Phi này.
Chính quyền bang Kaduna và lực lượng an ninh nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng thống Nigeria Bola Ahmed Tinubu và đang tích cực triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo đưa các học sinh bị bắt cóc trở về an toàn.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã lên án vụ bắt cóc và kêu gọi Chính phủ Nigeria nỗ lực hơn trong việc bảo vệ an toàn cho học sinh.
Các băng nhóm tội phạm thường thực hiện các vụ bắt cóc hàng loạt ở Tây Bắc Nigeria, nhắm vào các trường học, làng mạc và đường cao tốc, nơi chúng có thể nhanh chóng bắt cóc số lượng lớn người để đòi tiền chuộc.
Các vụ bắt cóc hàng loạt ở bang Kaduna xảy ra gần 10 năm sau khi các tay súng Boko Haram bắt cóc hơn 250 nữ sinh tại làng Chibok ở bang Borno hồi năm 2014, gây dư luận phản đối kịch liệt trên toàn thế giới./.