Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phòng chống thiên tai trong 2024

Thứ Năm, 25/04/2024 10:36 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Năm 2024, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai dự kiến tổ chức triển khai 4 dự án điều tra cơ bản; hoàn thành kế hoạch cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; đào tạo bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ.

Cục vẫn triển khai các phong trào thi đua có hiệu quả; tổ chức kiểm tra, đánh giá, nhân rộng các mô hình điển hình; khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác này...

Tiếp tục tôn tạo, tăng cường sửa chữa nâng cấp kè đê điều, lá chắn bảo vệ vùng dân cư trước mưa lũ (Ảnh: PV)

Theo đó, trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trực tiếp là Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, để thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai ở nước ta trong thời gian tới, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai - Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai sẽ tập trung hoàn thành đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật được giao theo quy định, đồng thời rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn khác trong lĩnh vực phòng chống thiên tai để phù hợp với Luật Phòng thủ dân sự có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 và Nghị định hướng dẫn Luật Phòng thủ dân sự. Theo đó, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, diễn biến thiên tai, tăng cường kiểm tra, đôn đốc bảo vệ an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập xung yếu.

Cùng với việc tham mưu kiện toàn tổ chức, hoạt động, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tiếp tục đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025; Đề án Phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030; Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia. Cục nghiên cứu, đề xuất giải pháp tổng thể, xây dựng Đề án Phòng chống sụt lún, sạt lở, ngập úng vùng Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng nội dung kế hoạch quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông; kế hoạch phòng, chống sạt lở bờ sông do mưa lũ hoặc dòng chảy, sạt lở bờ biển.

Đồng thời, Cục tham mưu kịp thời để Ban Chỉ đạo chỉ đạo các địa phương sẵn sàng ứng phó thiên tai, giảm thiểu thiệt hại; báo cáo, tổng hợp số liệu và đề xuất biện pháp khắc phục khẩn cấp, hỗ trợ trung, dài hạn; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác khắc phục hậu quả thiên tai đúng mục đích, đối tượng và đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, phòng, chống sạt lở; ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống thiên tai...

Đối với công tác thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương đến địa phương để đưa tin về tình hình thiên tai, công tác chỉ đạo ứng phó kịp thời tới các cấp chính quyền và người dân; duy trì và phát triển các trang mạng xã hội của Cục với nhiều chương trình, tin bài hấp dẫn, tăng tính tương tác và thu hút sự tham gia của người dùng.

Đặc biệt, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai sẽ tập trung triển khai các nội dung thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng; chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đảm bảo kế hoạch giải ngân 2024; tiếp tục thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật góp phần nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai cho các cấp chính quyền, cộng đồng...


VA

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN