Tiếp tục nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam
(ĐCSVN) - Tại diễn đàn Liên hợp quốc (LHQ), Việt Nam sẽ gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới bạn bè quốc tế về hình ảnh đất nước Việt Nam năng động, đổi mới, khát vọng phát triển, yêu chuộng hòa bình, đóng góp tích cực và trách nhiệm vào công việc chung của LHQ và cộng đồng quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 73 (tháng 9/2018) (Ảnh: TTXVN) |
Từ ngày 21 - 24/9/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) Khóa 76 tại New York, và thực hiện một số hoạt động song phương tại Hoa Kỳ.
Liên hợp quốc (LHQ) chính thức thành lập vào ngày 24/10/1945 khi Hiến chương LHQ được phê chuẩn bởi Trung Quốc, Pháp, Liên Xô, Anh, Hoa Kỳ và đa số các quốc gia ký kết trước đó. Với những quyền hạn do Hiến chương đem lại và vị thế quốc tế đặc thù, LHQ có thể đưa ra những quyết sách chung đối với những vấn đề toàn cầu như hòa bình và an ninh, biển đổi khí hậu, phát triển bền vững, các quyền con người, giải trừ quân bị, khủng hoảng nhân đạo và y tế, bình đẳng giới… LHQ cũng là diễn đàn để các nước thành viên thể hiện quan điểm tại Đại hội đồng, Hội đồng Kinh tế - Xã hội, và các cơ quan và ủy ban trực thuộc khác. Thông qua việc thúc đẩy đối thoại, chủ trì thương lượng, LHQ trở thành cơ chế để các quốc gia thành viên thúc đẩy các điểm đồng và cùng nhau giải quyết các vấn đề chung.
Đại hội đồng (ĐHĐ) là cơ quan thảo luận và hoạch định chính sách mang tính đại diện bao trùm nhất của LHQ, gồm tất cả 193 quốc gia thành viên. Vào tháng 9 hàng năm, các vị Nguyên thủ và Lãnh đạo các quốc gia thành viên LHQ tụ họp tại Trụ sở LHQ ở New York, Hoa Kỳ để bắt đầu phiên thảo luận của Khóa họp thường niên ĐHĐ LHQ. Các thành viên ĐHĐ đều bình đẳng, không phân biệt quốc gia lớn hay nhỏ, mỗi quỗc gia thành viên đều được một phiếu bầu. Hàng năm, ĐHĐ bầu ra Chủ tịch các Khóa họp thường niên với nhiệm kỳ 1 năm.
Phiên thảo luận cấp cao của Đại hội đồng LHQ hàng năm là sự kiện đa phương lớn nhất hành tinh. Sự kiện này quy tụ nhiều lãnh đạo, nguyên thủ các nước tham dự để cùng chia sẻ quan điểm, thể hiện nỗ lực chung giải quyết các vấn đề toàn cầu, từ các vấn đề an ninh đến phát triển, từ thách thức an ninh truyền thống như xung đột, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chạy đua vũ trang đến các thách thức phi truyền thống hoặc đang nổi lên gay gắt như phòng chống dịch bệnh, khủng bố, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh mạng…
Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng LHQ Khóa 76 thu hút sự tham gia của đông đảo Lãnh đạo cấp cao các nước, lãnh đạo các tổ chức quốc tế, các thể chế tài chính quốc tế, các tổ chức phi chính phủ… để cùng trao đổi, tìm ra giải pháp với những vấn đề kể trên và nhất là những giải pháp phòng chống, vượt qua đại dịch COVID-19.
Chính thức gia nhập LHQ ngày 20/9/1977, trong hơn 40 năm qua, quan hệ hợp tác Việt Nam - LHQ đã góp phần duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và thuận lợi cho phát triển đất nước; thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế; làm sâu sắc hơn quan hệ của ta với các nước, các đối tác chủ chốt và bạn bè và tranh thủ một nguồn lực quan trọng phục vụ công cuộc phát triển đất nước.
Việt Nam cũng đã chủ động đóng góp tích cực và ngày càng thực chất đối với hoạt động của LHQ, trong đó có đề cao vai trò của LHQ và chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, quan hệ bình đẳng, hợp tác phát triển giữa các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc, phản đối hành động áp bức, xâm lược, cấm vận đơn phương trong quan hệ quốc tế.
Với những đóng góp của mình, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, cơ quan quan trọng của LHQ và ghi được nhiều “dấu ấn” Việt Nam tại các cơ quan như Hội đồng Nhân quyền LHQ, Hội đồng Kinh tế -Xã hội (ECOSOC), và đặc biệt là hai lần được bầu đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ giai đoạn 2008 - 2009 và 2020 - 2021.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham gia và phát biểu tại tuần lễ cấp cao Đại hội đồng và các hoạt động lớn nhất trong năm của LHQ có một ý nghĩa rất đặc biệt, thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao và cam kết rất mạnh của Việt Nam với cương vị là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.
Với sự tham dự trực tiếp của hơn 100 nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao các nước, Đại hội đồng LHQ khóa 76 sẽ là dịp để lãnh đạo cấp cao Việt Nam tiến hành các cuộc tiếp xúc song phương, tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước, nhất là các nước lớn, đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống đi vào chiều sâu, hiệu quả; thông tin về những nỗ lực của Việt Nam trong kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, khôi phục sản xuất, qua đó củng cố niềm tin, thu hút thêm vốn đầu tư của các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Tại diễn đàn LHQ, Việt Nam sẽ gửi đi thông điệp mạnh mẽ tới bạn bè quốc tế về hình ảnh đất nước Việt Nam năng động, đổi mới, khát vọng phát triển, yêu chuộng hòa bình, đóng góp tích cực và trách nhiệm vào công việc chung của LHQ và cộng đồng quốc tế.
Ngoài phiên thảo luận chính tại Đại hội đồng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ dự 3 phiên họp cấp cao bao gồm phiên về hệ thống an ninh lương thực toàn cầu, phiên cấp cao về an ninh khí hậu tại Hội đồng Bảo an và phiên thảo luận cấp cao toàn cầu về ứng phó với đại dịch Covid-19. Những hoạt động này đều nhằm 3 mục tiêu trước mắt là ứng phó với đại dịch Covid-19, giải quyết hậu quả của đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế xã hội sau đại dịch. Đây là những thách thức trực tiếp đối với chúng ta cũng như đối với toàn cầu.
Đây là dịp để Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với nguyên thủ các quốc gia khác về những định hướng đối với toàn nhân loại, để tiếp tục thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững cho đến năm 2030. Một trong những nội dung quan trọng của chuyến đi là nhằm triển khai mạnh mẽ chiến lược ngoại giao vaccine, vận động các nước, tổ chức quốc tế hỗ trợ về vaccine, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống Covid-19 và hợp tác phục hồi sau đại dịch. Chủ tịch nước cũng sẽ gặp các doanh nghiệp sản xuất vaccine hàng đầu của Hoa Kỳ để có được những cam kết chuyển giao sớm nhất, nhanh nhất, nhiều nhất vaccine có thể cho Việt Nam cũng như thuốc chữa bệnh, trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống Covid-19.
Với những mục đích và nội dung đa dạng, chuyến công tác lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là hoạt động triển khai thiết thực ở cấp cao nhất chủ trương, đường lối đối ngoại của Đại hội XIII và Chỉ thị 25 về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, thể hiện mạnh mẽ thông điệp tới tất cả bạn bè quốc tế về hình ảnh đất nước Việt Nam năng động, đổi mới, khát vọng phát triển, yêu chuộng hòa bình, đóng góp tích cực và trách nhiệm vào công việc chung của LHQ và cộng đồng quốc tế và góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam ở tầm toàn cầu./.