Tiếp tục hoàn thiện thể chế để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả
(ĐCSVN) - Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 tại Phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Tư pháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, tình hình tham nhũng còn diễn biến phức tạp, với tính chất, mức độ đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra ở một số lĩnh vực như: y tế, đất đai, chứng khoán, đấu thầu, đấu giá…
Ảnh minh họa: tuyengiao.vn |
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường chỉ rõ công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2022 vẫn còn những hạn chế; công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế có nơi, có lúc còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có sự chuyển biến rõ nét; việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Tình hình tham nhũng còn có những diễn biến phức tạp, với tính chất, mức độ đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra ở một số ngành, lĩnh vực như: y tế, đất đai, chứng khoán, đấu thầu, đấu giá…, ở cả trong khu vực công và khu vực tư, gây bức xúc trong xã hội.
Về xây dựng, hoàn thiện thể chế về PCTN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường nêu rõ, năm 2022, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN tiếp tục được đẩy mạnh, từng bước gắn kết đồng bộ giữa PCTN với phòng, chống tiêu cực. Nhằm tăng cường hơn nữa công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực ở cấp tỉnh, đã góp phần tạo sự thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác này. Hoạt động lập pháp của Quốc hội tiếp tục đổi mới theo hướng dân chủ, phát huy tính chủ động; chú trọng bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ và minh bạch của hệ thống pháp luật; tăng cường công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để PCTN còn có những hạn chế, tính ổn định và khả năng dự báo chưa cao; một số quy định còn chưa đồng bộ, thống nhất. Theo Báo cáo của Chính phủ, cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý; một số quy định còn sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ làm nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là trên các lĩnh vực: quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; đấu thầu; đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp…
Về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, công tác đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch được tăng cường; đã xử lý nghiêm các trường hợp thông tin không đúng, xuyên tạc về tình hình và công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực. Các cơ quan báo chí đã tích cực đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng trong PCTN, tiêu cực. Các cơ quan hữu quan chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí thông tin kịp thời kết quả xử lý kỷ luật của Đảng, kết luận thanh tra, kiểm toán, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tăng cường giám sát công tác PCTN, tiêu cực, giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện và nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và cán bộ chủ chốt các cấp.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về PCTN, tiêu cực còn có mặt hạn chế, hiệu quả chưa cao. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý còn thiếu tự giác chấp hành pháp luật, để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, báo chí và nhân dân trong đấu tranh PCTN, tiêu cực còn chưa được phát huy đúng mức; còn có trường hợp phóng viên, nhà báo thoái hóa, biến chất “tống tiền”, cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp, cán bộ nhà nước…/.