Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác dân nguyện

Thứ Bảy, 09/04/2022 09:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Nhằm trao đổi, ghi nhận ý kiến để tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác dân nguyện; xác định đúng vị trí, vai trò công tác dân nguyện trong bước đổi mới tổ chức hoạt động của Quốc hội, chiều 8/4, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác dân nguyện”.

Đại biểu dự tọa đàm có các đồng chí: TS. Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; Nguyễn Công Long, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Hoàng Đức Thắng, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị; TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương, Thanh tra Chính phủ; Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Các khách mời tham dự tọa đàm. (Ảnh: Quốc Thông)

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Tổng biên tập Báo Đại biểu nhân dân Nguyễn Quốc Thắng nhấn mạnh, là cầu nối trực tiếp giữa Nhân dân với Quốc hội, hoạt động dân nguyện có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần vào việc phản ánh đầy đủ, kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội. Các hoạt động của Ban Dân nguyện là công việc lớn, phức tạp, nhiều điểm nóng, nhưng thể hiện vai trò quan trọng, sự liên hệ chặt chẽ giữa nhà nước với dân, giải quyết các kiến nghị của dân và đặc biệt là công tác giám sát vụ việc cụ thể.

Các khách mời tọa đàm nêu quan điểm về 2 nội dung chính, gồm: vai trò của công tác dân nguyện trong tiến trình đổi mới tổ chức hoạt động của Quốc hội và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; Giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác dân nguyện.

Nói về công tác dân nguyện, TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, hiện nay phạm vi của dân nguyện được giao cho Ban Dân nguyện gồm: giúp cho QH, các cơ quan QH thực hiện việc tiếp công dân; hướng dẫn về công tác tiếp công dân cho các cơ quan HĐND và các cơ quan khác; tập hợp và xử lý các kiến nghị cử tri của cả nước rồi gửi đến các cơ quan có thẩm quyền để xử lý. Trung bình, mỗi một kỳ họp Quốc hội, Ban xử lý khoảng 2.000 kiến nghị cử tri của cả nước.

Ngoài ra, Ban còn tiếp nhận và xử lý số lượng lớn các đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, trung bình mỗi năm khoảng 23.000 - 25.000 đơn thư, chưa tính các đơn thư của các Ủy ban và của Quốc hội, cũng như Hội đồng Dân tộc và các cơ quan, các đại biểu Quốc hội chuyển tới. Hiện nay, Luật còn giao một nhiệm vụ nữa là nắm tình hình dân nguyện và nắm tình hình của người dân, của cử tri để báo cáo hàng tháng với UBTVQH để Quốc hội nắm thông tin về dân nguyện nói chung. Từ đó, có thể xử lý kịp thời các vấn đề thuộc về chức năng của Quốc hội và UBTVQH.

Tuy nhiên, TS.Lê Thanh Vân cho biết, Ban Dân nguyện dù ra đời được gần 20 năm, khối lượng công việc lớn nhưng Ban Dân nguyện chưa đủ quyền năng, năng lực về tổ chức, địa vị pháp lý để giải quyết những vấn đề cấp bách mà thực tiễn đặt ra. Do đó, lần này Chủ tịch Quốc hội giao xây dựng đề án đổi mới toàn diện hoạt động dân nguyện nói chung và vị trí pháp lý của Ban Dân nguyện nói riêng là nhu cầu cấp bách.

Khách mời Nguyễn Công Long cũng bày tỏ hy vọng Đề án sẽ là cơ sở để hoàn thiện các thiết chế của Ban Dân nguyện, là cơ sở pháp lý để hoàn thiện các quy định pháp luật về vấn đề này, tạo sự phối hợp hiệu quả hơn nữa giữa Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban với Ban Dân nguyện trong công tác dân nguyện nói chung cũng như để hoàn thành nhiệm vụ của Hội đồng và các Ủy ban.

Nói về khó khăn trong công tác dân nguyện, ông Nguyễn Hồng Điệp cho rằng, trách nhiệm cá nhân trong giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa cao dẫn đến việc khiếu kiện vượt cấp kéo dài; chưa có quy định về xử lý các kiến nghị, phản ánh; vai trò còn chồng chéo... Ông Lê Như Tiến thì cho rằng, việc thực hiện tiếp công dân chưa nghiêm, “có ý kiến cho rằng có 50% lãnh đạo, người đứng đầu các cấp thực hiện tiếp công dân, nhưng thực tế tôi cho rằng không được thế đâu, có lẽ chỉ được 10-15% thôi”.

Để giải quyết những vấn đề còn gây khó khăn, khúc mắc, nâng cao hiệu quả công tác dân nguyện, các khách mời đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật; đôn đốc, giám sát về công tác dân nguyện; công khai các địa phương, đơn vị xử lý công tác dân nguyện kém; gắn công tác dân nguyện trong lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm...

T.H

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN