Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tiền Giang từng bước tạo nền tảng cho công cuộc chuyển đổi số

Thứ Ba, 14/05/2024 10:42 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Dấu ấn của Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06) đã đi vào cuộc sống của người dân, từng bước tạo ra nền tảng cho công cuộc chuyển đổi số, góp phần hình thành xã hội số, công dân số.

 Người dân dùng thẻ CCCD tích hợp BHYT để khám, chữa bệnh. 

Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 đã tạo sự chuyển biến về nhận thức của cán bộ, người dân trong thực hiện chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công trên môi trường mạng phục vụ tốt cho các cơ quan, tổ chức và công dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Hướng tới nền hành chính hiện đại

Một trong những lĩnh vực mà Đề án 06 mang lại hiệu quả rõ nét đó là trên lĩnh vực y tế. Thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử đã được tích hợp bảo hiểm y tế tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc khám chữa bệnh.

Hiện tại, tỉnh Tiền Giang có 100% cơ sở khám, chữa bệnh đều sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử, hoặc qua ứng dụng VNeID thay thế thẻ bảo hiểm y tế, thanh toán không dùng tiền mặt. Theo số liệu thống kê, 216/216 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Tiền Giang áp dụng khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân hoặc VNeID. Riêng trong tháng 4, công dân dùng thẻ căn cước công dân trong khám chữa bệnh thay thẻ bảo hiểm y tế 41.601/75.602 trường hợp đạt 55,02% (lũy kế từ khi thực hiện đến nay có 1.647.394 trường hợp).

Đặc biệt, các mô hình điểm do Công an tỉnh chủ trì đã và đang mang lại hiệu quả trong đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Cụ thể, triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại cơ sở khám chữa bệnh, Công an tỉnh đã chỉ đạo, đôn đốc Công an cấp xã phối hợp tạo tài khoản phần mềm thông báo lưu trú (ASM) cho 23 bệnh viện, trung tâm y tế cấp huyện trên địa bàn tỉnh (đạt 100%). Theo mô hình "Triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại cơ sở khám chữa bệnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghĩa vụ thông báo lưu trú trong cùng một ứng dụng duy nhất. Quy trình tiếp nhận thông tin của bệnh nhân nhanh chóng, thuận tiện, chính xác và cập nhật thông tin đăng ký lưu trú tự động gửi đến cơ quan Công an. Hiện, Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang, Trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo đang triển khai thí điểm trước khi đánh giá, nhân rộng toàn tỉnh.

Thượng tá Lê Văn Trí, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, đây là một bước tiến trong cải cách hành chính, minh chứng rõ nét trong việc hướng tới nền hành chính hiện đại, tạo điều kiện tối đa cho người dân trong thực hiện các thủ tục khám chữa bệnh, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, y tế và thực hiện thắng lợi Đề án 06 trên địa bàn."Không chỉ vậy, Công an Tiền Giang còn triển hiệu quả các mô hình như tố giác tội phạm qua ứng dụng VNeID; triển khai nền tảng quản lý lưu trú tại cơ sở cho thuê lưu trú, nhà cho thuê, nhà ở trong khu công nghiệp và cụm công nghiệp; triển khai tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự (cơ sở cầm đồ; cơ sở dịch vụ bảo vệ; dịch vụ thừa phát lại...)

Song song đó, tỉnh Tiền Giang còn triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình của các sở ngành tỉnh chủ trì như: triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu, thiết bị giám sát thi cử và sát hạch lái xe, tự động hóa tại Trung tâm Phục vụ hành chính công và Kiểm soát thủ tục hành chính thông qua tương tác Kiosk, mô hình thi online tập trung qua nền tảng công nghệ xác thực thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh)... đặc biệt giải pháp xử phạt giao thông và trật tự an toàn xã hội thông qua camera giám sát và thông minh (Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh).

Chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung Đề án 06

Tổ chức cấp CCCD ban đêm cho người lao động ngoài giờ hành chính. Ảnh Nguyên Khôi 

Thời gian qua, công tác triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh đã huy động được sự vào cuộc của hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp và sự hợp tác, chia sẻ, tham gia của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, việc thực hiện đề án còn tồn tại, hạn chế như tiến độ tổ chức triển khai thực hiện "các mô hình điểm" còn chậm, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến phát sinh đạt tỷ lệ cao nhưng đa số người dân chưa thể tự nộp trực tuyến hồ sơ mà phải trực tiếp đến cơ quan để cán bộ hướng dẫn nộp trực tuyến, số lượng phát sinh chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trong tháng có tăng cao nhưng còn thấp so với tổng số đối tượng thuộc diện chi trả an sinh xã hội (12.866/107.321 đối tượng đạt 11,99%). Ngoài ra, khó khăn, vướng mắc khi xác định vai trò của người đứng đầu trong Chuyển đổi số, sự vào cuộc của Thủ trưởng các ngành, các cấp, doanh nghiệp đôi lúc chưa quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ Đề án 06,...

Trước vấn đề trên, Chủ tịch UBND tỉnh, Tổ trưởng tổ Công tác Đề án 06 tỉnh Tiền Giang đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 5 và thời gian tới sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục tổ chức triển khai việc chi trả chế độ an sinh xã hội cho người được hưởng an sinh xã hội đã có tài khoản và mong muốn chi trả qua tài khoản; chỉ đạo lực lượng Công an, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND cấp huyện giải quyết các bất cập, tồn động sau khi thực hiện Quy trình chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên nền Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để góp phần minh bạch trong chi trả an sinh xã hội.

Các đơn vị, sở, ngành tập trung số hóa dữ liệu, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, tái cấu trúc quy trình, nghiệp vụ đối với các thủ tục hành chính bảo đảm cắt giảm tối đa giấy tờ, thời gian đi lại và chi phí thực hiện. Mặt khác, các cơ quan đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức trong việc thực hiện Đề án 06 (tập trung tuyên truyền về lợi ích của việc nộp thủ tục hành chính các dịch vụ công trực tuyến, tiện ích của tài khoản định danh điện tử VNeID, việc sử dụng thẻ căn cước công dân thay thẻ bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh, chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt...)

Đối với Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh tỉnh Tiền Giang cần tiếp tục đảm bảo hoạt động cho vay an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để phục vụ đời sống mà không cần phải vay "tín dụng đen".

Theo Thượng tá Lê Văn Trí, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an tỉnh Tiền Giang, Công an tỉnh cũng sẽ ưu tiên bố trí nhân lực thực hiện các giải pháp làm sạch dữ liệu dân cư để bảo đảm dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống", tuyên truyền Luật Căn cước năm 2023 để đảm bảo thống nhất trong nhận thức đối với mọi công dân trên địa bàn tỉnh, cấp căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử.

Ngoài ra, Công an tỉnh Tiền Giang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền, thiết bị,... để đáp ứng yêu cầu công việc triển khai Đề án 06, đảm bảo an ninh, an toàn các hệ thống công nghệ thông tin của các ngành; thực hiện kết nối hệ thống Cổng dịch vụ công tỉnh với hệ thống định danh và xác thực điện tử. Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện đạt hiệu quả đối với 21/44 mô hình điểm được UBND tỉnh phối hợp ký kết với Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ./.

PV(T/H)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN