Tiền Giang: Những thuận lợi và khó khăn trong thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
(ĐCSVN)- Qua 6 tháng thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh BHYT, ngành BHXH và Ngành Y tế tỉnh Tiền Giang đã chủ động phối hợp các sở, ngành liên quan và đề xuất nhiều giải pháp tổ chức thực hiện KCB BHYT đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Theo thống kê, quí I/2016, có 08 cơ sở KCB tuyến huyện có số lượt ngoại trú tăng từ 2 - 37% so với cùng kỳ năm trước; 08 cơ sở KCB tuyến huyện số lượt ngoại trú giảm. Số lượt KCB tại tuyến xã giảm (10/11 huyện), riêng các trạm y tế xã của huyện Tân Phú Đông tăng 25% do tăng số thẻ của đối tượng sinh sống vùng bãi ngang, ven biển (tăng 142%).
Quí II/2016, có 09 cơ sở KCB tuyến huyện có số lượt ngoại trú tăng so với cùng kỳ năm trước; 06 cơ sở KCB tuyến huyện số lượt ngoại trú giảm. Số lượt KCB tại tuyến xã giảm (09/11 huyện), riêng các trạm y tế xã của huyện Tân Phú Đông tăng 22,8%, do tăng số thẻ của đối tượng sinh sống vùng bãi ngang, ven biển (tăng 142%), trạm y tế xã của huyện Gò Công Tây tăng 15% do số thẻ tăng 13%.
Nhìn chung, việc thông tuyến KCB BHYT đã tạo thuận lợi hơn nhiều đối với người có thẻ BHYT: Không cần giấy chuyển tuyến vẫn được KCB và đảm bảo quyền lợi tại các cơ sở KCB tuyến huyện. Các trường hợp đi làm ăn xa, cư trú ngoại tỉnh được KCB đảm bảo quyền lợi BHYT đầy đủ tại các bệnh viện tuyến huyện mà không cần giấy xác nhận đăng ký tạm trú hay giấy công tác.
Đồng thời, người tham gia BHYT được lựa chọn KCB tại các cơ sở y tế cùng tuyến có chất lượng phục vụ tốt hơn, kể cả cơ sở y tế tư nhân đang được xếp tương đương tuyến huyện. Quy định thông tuyến đã thúc đẩy chất lượng KCB tăng lên để giữ, thu hút người bệnh và như vậy người có thẻ BHYT được hưởng lợi từ việc này.
Việc quy định thông tuyến sẽ giúp cơ sở KCB có tinh thần thái độ phục vụ, nâng chất lượng KCB tốt hơn, thu hút được nhiều bệnh nhân, đặc biệt là các cơ sở y tế tư nhân mà không phụ thuộc nhiều vào số lượng thẻ BHYT đăng ký ban đầu.
Cùng với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, đây là vấn đề rất quan trọng trong đổi mới phương thức phục vụ đối với cơ sở y tế, do đó quy định thông tuyến bắt buộc các cơ sở KCB phải đổi mới phương pháp quản lý, tăng cường chất lượng dịch vụ và như vậy cơ sở KCB đã tạo nên lợi ích kép từ việc này, đồng thời quyền lợi người bệnh được mở rộng, thuận lợi trong KCB BHYT sẽ góp phần quan trọng để người dân tham gia BHYT.
Bên cạnh đó cũng có những hạn chế nhất định như: Cơ quan quản lý quỹ BHYT khó quản lý tình trạng lạm dụng quỹ, do cơ sở KCB sử dụng nhiều phần mềm khác nhau, phần mềm liên thông dữ liệu giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và các cơ sở KCB chưa hoàn thiện, nên chưa có công cụ để quản lý việc người bệnh đi KCB nhiều lần trong ngày, nhiều lần trong tuần tại các cơ sở KCB khác nhau.
Hiện tại, các cơ sở KCB sử dụng phần mềm VNPT-his có cảnh báo lịch sử KCB, nên kiểm soát được việc thông tuyến với nhau, những cơ sở KCB sử dụng phần mềm độc lập thì chưa kiểm soát được đơn cử như: TTYT Châu Thành, Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy,...
Đối với các trạm y tế xã, phường: Do điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất, danh mục thuốc, dịch vụ kỹ thuật theo tuyến chuyên môn kỹ thuật còn nhiều hạn chế, vì vậy khi mở thông tuyến, người bệnh BHYT không qua tuyến xã mà đến thẳng các bệnh viện huyện, số lượng bệnh nhân đến các trạm y tế xã giảm nhiều. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách tăng cường KCB tại y tế cơ sở.
Đối với các bệnh viện tuyến huyện: Tình trạng quá tải tại bệnh viện tuyến huyện sẽ khó tránh khỏi, do bệnh nhân được tự do lựa chọn KCB. Các bệnh viện được đầu tư trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn tay nghề cao sẽ càng có nguy cơ quá tải, một số cơ sở chất lượng KCB chưa tốt thì số lượng bệnh nhân giảm khá nhiều./.