Thường Tín chuyển mình cùng nông thôn mới
(ĐCSVN) - Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, sau 6 năm triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, huyện Thường Tín (Hà Nội) đã có 24/29 xã được công nhận đạt chuẩn. Năm 2019, huyện tập trung mọi nguồn lực giúp các địa phương còn lại “cán đích” và phấn đấu trở thành huyện NTM vào năm 2020.
Về xã Hiền Giang, huyện Thường Tín những ngày này, chúng tôi cảm nhận được không khí thi đua sôi nổi và niềm vui của người dân địa phương khi xã Hiền Giang vừa được công nhận đạt chuần NTM. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu: Điện, đường, trường, trạm... được nâng cấp, cải tạo và xây mới đã từng bước mang lại diện mạo mới cho địa phương.
Đến nay, Hiền Giang đã có những cung đường bê tông rộng rãi, trải khắp từ trung tâm xã đến từng xóm, ra tận các cánh đồng, tạo thành mạng lưới giao thông thuận lợi kết nối giữa các thôn, các xóm; hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu của người dân; cảnh quan môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp, giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. Bộ mặt nông thôn Hiền Giang đã thay đổi toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân có sự cải thiện rõ rệt.
Chị Nguyễn Thị Thơm, người dân thôn Quang Hiền cho biết: “Quá trình xây dựng NTM, nhiều công trình phúc lợi xã hội phục vụ người dân ở địa phương đã được đầu tư xây dựng khang trang. Hệ thống đường giao thông được cải tạo, đi lại thuận lợi; cấp ủy chính quyền cũng tập trung phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân thông qua việc phát huy thế mạnh của địa phương…”.
Tìm hiểu được biết, cuối năm 2018 vừa qua, cùng với xã Hiền Giang, huyện Thường Tín còn có 04 xã khác là Văn Tự, Vân Tảo, Nguyễn Trãi và Dũng Tiến cũng về đích NTM; qua đó, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM của huyện Thường Tín lên 24 trên tổng số 29 xã. Tính từ năm 2016 đến đầu năm 2019, tổng nguồn vốn xây dựng NTM của huyện Thường Tín đạt trên 1.029 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương và ngân sách Thành phố hỗ trợ trên 143,6 tỷ đồng, ngân sách huyện gần 518 tỷ đồng, vốn từ các chương trình lồng ghép gần 311 tỷ đồng, vốn huy động từ nhân dân trên 14,8 tỷ đồng. Ngoài ra, nhân dân tự nguyện hiến, góp hàng trăm hécta đất để làm đường trục nội đồng, mở rộng đường giao thông, và các công trình phúc lợi xã hội.
Diện mạo nông thôn huyện Thường Tín thay đổi mạnh mẽ, hệ thống hạ tầng phát triển nhanh, nhiều công trình được đầu tư xây dựng, tạo cơ sở, tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Riêng về phát triển giao thông, UBND huyện Thường Tín đã phân bổ 366,118 tỷ đồng để đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn cho 657 công trình giai đoạn 2017 - 2018, bên cạnh đó áp dụng cơ chế đặc thù trong xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng với 385 công trình kinh phí ngân sách hỗ trợ là 31,2 tỷ đồng. Hệ thống đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 98%; Đường trục thôn, xóm được cứng hóa 85%; đường ngõ, xóm đạt 96%. Đến nay trên địa bàn huyện có 28 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí giao thông.
Theo ông Kiều Xuân Huy, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín, hiện nay, toàn huyện có 27 xã đạt chuẩn về tiêu chí giảm số hộ nghèo, 100% xã đạt tiêu chí lao động có việc làm, 20 xã đạt tiêu chí văn hóa, có 26 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 41 triệu đồng/năm. Số hộ nghèo và hộ cận nghèo giảm, số hộ giàu và khá tăng cao.
Ðiểm mới trong thời gian qua là huyện tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất của người dân. Huyện đã thường xuyên vận động các hộ sản xuất, các trang trại liên danh liên kết, chuyển đổi ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung; nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, Thường Tín đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như lúa hàng hóa tập trung ở các xã Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên; vùng sản xuất rau an toàn tại các xã Hà Hồi, Tân Minh, Thư Phú; vùng cây ăn quả tại các xã Chương Dương, Tự Nhiên; vùng nuôi trồng thủy sản ở xã Nghiêm Xuyên và xã Dũng Tiến...
Bên cạnh đó, công tác chuyển giao khoa học công nghệ cũng thường xuyên được quan tâm và đầu tư, đã liên kết với Viện cây lương thực và thực phẩm chuyển giao các tiến bộ khoa học về giống cây trồng trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với sự phát triển của sản xuất, mô hình chuyển đổi hợp tác xã dịch vụ mới đã được hình thành góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất.
Trong thời gian tới, để thực hiện mục tiêu đưa tất cả các xã về đích NTM trong năm 2019, trở thành huyện NTM vào năm 2020, huyện Thường Tín sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí tại 24 xã được công nhận đạt chuẩn, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội; thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình đảm bảo nâng cao hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quyết tâm chính trị của các cấp ủy chính quyền và các đơn vị trong tổ chức thực hiện chương trình xây dựng NTM; tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo và tổ giúp việc; chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cơ chế hỗ trợ 05 xã còn lại đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí chưa bảo đảm.
Tiếp tục đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên. Phát triển đời sống văn hóa nông thôn, đẩy mạnh các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục- thể thao ở cơ sở, nâng cao tỷ lệ số thôn và hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, tăng mức độ hưởng thụ trực tiếp cho người dân. Huy động tối đa nguồn lực đóng góp của nhân dân, tăng cường xã hội hóa, phấn đấu các xã đạt chuẩn NTM không còn nợ đọng xây dựng cơ bản.
Những khởi sắc của vùng nông thôn mới là minh chứng xác thực cho các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo được niềm tin trong nhân dân. Đây là thành quả đáng phấn khởi để huyện Thường Tín tiếp tục khắc phục khó khăn, vững tin bước vào năm 2019, hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nghị quyết trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng cùng chung sức đồng lòng quyết tâm xây dựng huyện Thường Tín trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2020./.