Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thực hiện tốt pháp luật về huy động nhân lực, tàu thuyền

Thứ Tư, 11/11/2020 15:47 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Việc phối hợp với các tỉnh giúp Quân khu 4 bảo đảm đủ số lượng, chất lượng nguồn nhân lực, tàu thuyền và phương tiện theo quy định, góp phần sẵn sàng cho quá trình thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống cấp bách, khẩn trương; đặc biệt là công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Sáng ngày 11/11, tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện pháp luật về huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Các đại biểu dự Hội nghị

Quân khu 4 là địa bàn chiến lược trọng yếu về quốc phòng, an ninh của cả nước, bao gồm 6 tỉnh, 88 huyện, thị xã, thành phố; 1.656 xã, phường, thị trấn. Trong đó, có 162 xã thuộc 32 huyện, thị xã, thành phố ven biển với chiều dài bờ biển là 722 km; có 30 hòn đảo lớn, nhỏ nằm cách bờ từ 1 đến 30 km. Trong những năm qua, thực hiện Nghị định số 30/2010/NĐ-CP ngày 29/3/2010; Nghị định số 130/2015/NĐ-CP ngày 18/12/2015 của Chính phủ và Thông tư 153 của Bộ Quốc phòng về huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ Tư lệnh Quân khu đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) các tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện; hàng năm xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, rà soát nắm chắc tình hình nhân lực, số lượng, chất lượng phương tiện tàu thuyền và các trang thiết bị hiện có trên địa bàn có khả năng huy động; tiến hành đăng ký, quản lý, huấn luyện và diễn tập nguồn nhân lực, tàu thuyền và phương tiện thuộc diện huy động sẵn sàng tham gia thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống.

 Chỉ đạo làm tốt công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng; chú trọng lồng ghép tuyên truyền các nội dung: Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Công ước Quốc tế Luật biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam năm 2012 gắn với Luật Biên giới quốc gia và Nghị định 161 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới biển; Hiệp định phân định vịnh Bắc bộ và Hiệp định Hợp tác nghề cá giữa Việt Nam - Trung Quốc; Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” và các quyết định, chỉ thị, mệnh lệnh, kế hoạch của các Bộ, ngành Trung ương. Các đơn vị, địa phương đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến các nội dung liên quan đến Nghị định 30, Nghị định 130 cho hàng nghìn lượt cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn, góp phần đưa Nghị định vào cuộc sống.

 Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải Quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tổ chức khảo sát xây dựng kế hoạch hiệp đồng và quy chế huy động nhân lực, phương tiện, tàu thuyền dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo; chỉ đạo Bộ CHQS các tỉnh tổ chức ký kết với Bộ Tư lệnh các vùng theo đúng quy định. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Tỉnh ủy, UBND các tỉnh trên địa bàn có nhiều biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện Nghị định 30, Nghị định 130 của Chính phủ và Thông tư 153 của Bộ Quốc phòng một cách đồng bộ, toàn diện.

 Tính đến tháng 10/2020, tổng số tàu thuyền các địa phương trên địa bàn Quân khu là 16.570 tàu (trong đó, tàu 300 CV trở lên là 3.644 tàu) với hơn 200.000 lao động làm nghề đánh bắt thủy, hải sản và hoạt động hậu cần nghề cá. Đây là lực lượng và phương tiện tại chỗ khai thác nguồn lợi thủy sản từ biển và sẵn sàng tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự, cứu hộ, cứu nạn trên biển. Bộ Tư lệnh Quân khu đã phối hợp với các tỉnh huy động bảo đảm đủ số lượng, chất lượng nguồn nhân lực, tàu thuyền và phương tiện theo quy định, sẵn sàng huy động thêm cho thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống cao hơn...

 Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận làm rõ những ưu, khuyết điểm trong 10 năm triển khai thực hiện Nghị định 30, Nghị định 130 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 153 của Bộ Quốc phòng. Đồng thời, đề xuất một số nội dung nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị định 30, 130 và Thông tư 153 trong thời gian tới như hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư và huy động tàu thuyền, nhân lực phù hợp với tình hình mới; công tác bảo đảm chế độ, chính sách cho các lực lượng, phương tiện sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi được huy động; ưu tiên tuyển chọn các tàu có công suất lớn từ 450 CV trở lên, tàu vỏ thép; đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án “Xây dựng Hải đội dân quân thường trực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới”.../.

Tin, ảnh: Huy Cường

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN