Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW: Quảng Bình đạt được những kết quả quan trọng
(ĐCSVN) - Sau khi có Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch số 66-KH/TU ngày 01/7/2005 về việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị; xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Qua gần 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết đã đạt được những kết quả quan trọng.
Toàn cảnh Hội nghị |
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình vừa tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2010 và Kết luận số 25-KL/TW ngày 02/8/2012 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW; đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí đại diện Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, UBMTTQVN tỉnh; Bí thư các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh.
Sau khi có Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch số 66-KH/TU ngày 01/7/2005 về việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị; xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Qua gần 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết đã đạt được những kết quả quan trọng.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt cao, quy mô nền kinh tế không ngừng được nâng lên; bình quân giai đoạn 2005 - 2020 đạt 7,8%. Trong 6 tháng đầu năm 2022, nền kinh tế của tỉnh có sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,96%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng qua các năm, năm 2021 đạt hơn 7.800 tỷ đồng, gấp 16,7 lần năm 2004; 6 tháng năm 2022 đạt 5.000 tỷ đồng, đạt 84% dự toán địa phương, tăng 35% so với cùng kỳ.
Ngành công nghiệp duy trì tốc tăng trưởng ổn định, bình quân giai đoạn 2005 -2021, giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng 11,3%; năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 10 lần so với năm 2004. Hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp đã được quan tâm đầu tư tạo điều kiện thu hút đầu tư, khai thác tốt thế mạnh sẵn có của địa phương để phát triển công nghiệp. Nông nghiệp đã khẳng định vai trò là “bệ đỡ” của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng bình quân nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2005 - 2020 đạt 4,85%/năm. Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo, góp phần cải thiện đời sống người dân vùng nông thôn. Đến năm 2021, đã có 85/128 xã đạt xã nông thôn mới, chiếm 66,4%.
Các ngành dịch vụ phát triển ngày càng nhanh và đa dạng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2005-2021 tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 15%; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 13%/năm. Du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, là điểm đến được ưa thích của khách du lịch trong và ngoài nước. Sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nền bởi dịch bệnh Covid-19, 6 tháng đầu năm 2022, ngành du lịch Quảng Bình đã có sự phục hồi ấn tượng, số lượt khách đến Quảng Bình ước đạt 484.000 lượt, tăng 136% so với cùng kỳ.
Quy mô và chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đến hết năm 2021 đạt 45,5%. Mạng lưới cơ sở y tế ngày càng mở rộng và phát triển, đã chú trọng đầu tư xây dựng và nâng cấp nhiều công trình phục vụ văn hóa thể thao. Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm; công tác an sinh xã hội không ngừng được quan tâm, từ đó đã góp phần giảm nghèo bền vững, đặc biệt đối với các vùng nông thôn, miền núi.
Công tác bảo vệ môi trường đã có những chuyển biến tích cực, các điểm nóng về ô nhiễm môi trường cơ bản đã được kiểm soát, xử lý. Công tác phát triển đô thị đã được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực, tỷ lệ phủ kín quy hoạch tăng lên, chất lượng đồ án quy hoạch được cải thiện và đã bám sát mục tiêu phát triển KT-XH, thúc đẩy thu hút đầu tư của tỉnh. Các thủ tục hành chính từng bước cắt giảm, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ; bộ máy được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân được củng cố, ngày càng vững chắc.
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 39 vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, đó là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm; quy mô nền kinh tế còn nhỏ, chất lượng tăng trưởng chưa cao. Thu ngân sách trên địa bàn hàng năm tăng cao, nhưng thu từ sản xuất - kinh doanh còn thấp. Sản xuất nông nghiệp chưa phát triển mạnh các mô hình sản xuất tập trung, quy mô lớn, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Tốc độ tăng của ngành công nghiệp còn thấp, quy mô còn nhỏ, chủ yếu tăng theo chiều rộng, giá trị gia tăng thấp. Hoạt động du lịch còn mang tính thời vụ nên giá trị tạo ra thấp; tính chuyên nghiệp chưa cao.
Chất lượng giáo dục chưa đồng đều giữa các vùng miền trong tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao hơn tỷ lệ bình quân chung của cả nước; đời sống của người dân vùng miền núi, vùng cao, người đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.
Công tác quản lý quy hoạch đô thị, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh chưa chặt chẽ; vấn đề rác thải sinh hoạt và chất thải rắn ở đô thị và nông thôn vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để. Việc thu các nguồn lực cho đầu tư phát triển của tỉnh thời gian qua chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển KT-XH. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa nhận thức vai trò, tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã có nhiều ý kiến thảo luận, trao đổi để làm rõ thêm những kết quả đạt được qua gần 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW trên địa tỉnh, cũng như đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, như: Vấn đề tiếp tục đổi mới cơ cấu, nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; giải pháp đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông vận tải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội; phát huy vai trò các khu kinh tế, khu công nghiệp trong phát triển, liên kết kinh tế vùng, nhất là vùng động lực Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình; phát triển đô thị Ba Đồn…
Đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW đã ghi nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị của Tỉnh ủy Quảng Bình để góp phần làm nên thành công của Hội nghị. Kết quả đánh giá thực hiện Nghị quyết số 39 là căn cứ quan trọng để Ban Chỉ đạo đề xuất, chuẩn bị Đề án trình Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ. Đồng chí cũng nhấn mạnh, sau 18 năm triển khai, Đảng bộ tỉnh Quảng Bình đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 39, Kết luận 25, vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch, đề án, đoàn kết vượt qua thách thức, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Bên cạnh đó, đồng chí đã gợi mở một số định hướng phát triển cho tỉnh trong những năm tới, đó là: Tập trung phát triển kinh tế biển, cả về đánh bắt, khai thác hải sản, du lịch biển, các ngành công nghiệp trên biển, vận tải biển; phát triển đô thị ven biển, đô thị xanh; ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; gắn phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, quan tâm đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; chú trọng công tác đối ngoại…
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Bình Trần Hải Châu đã cảm ơn sự quan tâm của Ban Kinh tế Trung ương đã dành thời gian tham dự Hội nghị và ghi nhận, tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Đồng chí đánh giá cao các ý kiến phát biểu của các sở, ngành, địa phương về các giải pháp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Đồng chí cũng mong muốn Trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Quảng Bình trong việc phát huy những thành quả đạt được, tiếp tục khai thác hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.