Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thực hiện chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Thừa Thiên Huế: Phù hợp, hiệu quả

Thứ Bảy, 15/10/2022 16:17 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Tổng nguồn vốn của các chương trình, chính sách, dự án triển khai đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn toàn tỉnh Thừa Thiên Huế hàng năm đạt gần 45 tỷ đồng. Nhờ đó, góp phần không ngừng chăm lo nâng cao đời sống về mọi mặt cho bà con trong vùng.

Đồng bào được thụ hưởng chính sách hỗ trợ phát triển trồng rừng kinh tế 

Thiết thực với đồng bào

Trong chuyến công tác mới đây ở huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên Huế), có dịp gặp gỡ anh Hồ Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân, chúng tôi được hiểu hơn về những đổi thay trong đời sống của đồng bào DTTS nơi đây. Hồng Vân có hơn 98% số hộ là đồng bào DTTS, toàn xã hiện có hàng chục hộ đầu tư kinh doanh dịch vụ, rất nhiều hộ đầu tư trồng rừng, chăn nuôi gia súc, lập trang trại... trở thành hộ làm kinh tế giỏi. Anh Nghĩa cũng là người dân tộc Pa Cô, tốt nghiệp đại học hành chính, anh được luân chuyển qua nhiều vị trí công tác, sau đó được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã. Nói về đời sống của đồng bào, anh Nghĩa cho biết: “Lĩnh vực kinh tế của địa phương đang có nhiều chuyển biến rất tích cực nhờ việc triển khai các chính sách dân tộc kịp thời và đồng bộ. Các giá trị văn hóa, đời sống tinh thần của đồng bào cũng được quan tâm bảo tồn, gìn giữ và không ngừng được phát huy...”.

“Mình làm giàu là nhờ vào chính sách hỗ trợ về phát triển chăn nuôi đấy!” - chị Hồ Thị Him, người dân ở thôn Kêr, xã Hồng Vân bộc bạch khi nói về cách vươn lên làm giàu của mình từ mô hình chăn nuôi lợn với nguồn vốn hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển sản xuất do Ban dân tộc tỉnh triển khai. Sau khi được tập huấn quy trình chăn nuôi, được hỗ trợ xây dựng chuồng trại và nguồn vốn đầu tư lợn giống ban đầu, chị Him bắt tay nuôi 8 con lợn thịt, mỗi năm bán được 3 lứa. Từ số tiền lời, cộng thêm kiến thức về hạch toán chi tiêu đã được tập huấn, chị tiếp tục mở rộng thêm chuồng trại nuôi 10 con lợn nái và hàng chục con lợn thịt, mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng. Chị Him chia sẻ: “Ngoài đầu tư nuôi lợn, gia đình tôi còn tích lũy nuôi thêm đàn gia cầm, đào ao nuôi cá trắm thịt và trồng rừng tràm nên kinh tế rất ổn định, đời sống được nâng lên, gia đình có của ăn của để. Hiện, trong xã có nhiều hộ gia đình được hưởng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất như tôi, có thu nhập mỗi năm từ 150 - 250 triệu đồng”.

Đầu tư hệ thống nước sạch cho đồng bào DTTS xã Trung Sơn, huyện A Lưới 

Ông Hồ Xuân Trăng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, thông tin: Tổng nguồn vốn cho các chương trình, chính sách, dự án, đề tài triển khai cho vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh hằng năm khoảng 42 đến gần 45 tỷ đồng. Riêng trong năm 2021, hợp phần nâng cao năng lực các xã, thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135 và hợp phần hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất, đào tạo nghề được phân bổ với tổng kinh phí gần 25 tỷ đồng; chính sách định canh định cư được thực hiện hơn 16 tỷ đồng. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn vùng đồng bào DTTS giảm gần 4%...

Đồng bào DTTS ở A Lưới đầu tư mới mô hình trồng sâm Bố Chính, loại cây dược liệu cho giá trị kinh tế cao 

Hưởng thụ đầy đủ các chính sách

Năm 2022, công tác dân tộc và chính sách dân tộc được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện kịp thời, đạt hiệu quả. Đặc biệt là các chính sách đào tạo, tuyển dụng, giải quyết việc làm cho con em đồng bào DTTS; các chương trình hỗ trợ nhà ở, phát triển cơ sở hạ tầng... đã tạo được bộ mặt nông thôn mới cho vùng đồng bào DTTS trên phạm vi toàn tỉnh. Hệ thống đường giao thông liên xã, liên thôn tiếp tục được nhựa hóa đã góp phần thúc đẩy các hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn phát triển. Các lĩnh vực đầu tư phát triển sản xuất, khai hoang, bố trí lại dân cư, lập vườn, trồng cây lâm nghiệp… được chú trọng đầu tư. Đến nay, 100% hộ đồng bào DTTS được bố trí đất ở và đất sản xuất phù hợp.

Chỉ tính riêng huyện miền núi A Lưới là địa bàn có 6 DTTS chung sống bao gồm Pa Kô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy, Vân Kiều và dân tộc Mường, với hơn 75% dân số toàn huyện. Được thụ hưởng đầy đủ các chính sách đối với vùng DTTS, bà con nơi đây đã thay đổi tập quán sản xuất, từng bước phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị sản xuất.

Hỗ trợ đầu tư cơ giới hóa phục vụ sản suất cho đồng bào DTTS ở A Lưới 

UBND huyện A Lưới đã tiến hành giao đất cho các hộ dân trồng mới hơn 6.000ha rừng, giải quyết đất sản xuất cho 1.627 hộ với diện tích 212ha khai hoang; hoàn thành các công trình cấp nước sinh hoạt, với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu nước sinh hoạt cho nhân dân. Thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ đồng bào nghèo, huyện A Lưới đã tiến hành hỗ trợ hơn 35 tấn giống lúa; trên 19.200 cây ăn quả; 63.000 cây công nghiệp; gần 28.600 con gia súc, 386.000 con cá giống; đồng thời, hỗ trợ cho các hộ đồng bào mua sắm thiết bị phục vụ sản xuất như máy cày, máy tuốt lúa… với kinh phí trên 8 tỷ đồng.

Ông Hồ Xuân Trăng cho rằng, đời sống bà con các DTTS ngày càng được nâng cao nhờ các chính sách được triển khai đồng bồ, thiết thực đối với bà con. Có thể kể đến như mô hình trồng rừng kinh tế, cây ăn quả, cây dược liệu, phát triển chăn nuôi gia súc, trồng rau sạch theo mô hình VietGap... Nhờ đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến nông, khuyến ngư nên tại các xã vùng DTTS trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả. Ðiển hình là mô hình phát triển kinh tế gia trại, trang trại của đồng bào ở các xã Hồng Vân, Trung Sơn, Lâm Đớt, Đông Sơn (huyện A Lưới); Thượng Nhật, Thượng Lộ, Thượng Long, Thượng Quảng (huyện Nam Đông)...

Sản phẩm dệt Zèng của người Tà Ôi ở Thừa Thiên Huế đã trở thành hàng hóa có giá trị 

Cũng theo ông Hồ Xuân Trăng, ngành dân tộc tỉnh sẽ tập trung lồng ghép các nguồn lực giúp các xã vùng đồng bào DTTS thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo, đào tạo và giải quyết việc làm, chính sách an sinh xã hội. Phối hợp cùng ngành y tế thực hiện tốt chính sách miễn giảm viện phí khám chữa bệnh cho đồng bào DTTS, tăng cường cơ sở y tế và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ban đầu ở các xã vùng đồng bào DTTS. Quá trình triển khai các chính sách, ngành dân tộc sẽ chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào để tạo sự phát triển bền vững, nâng cao hơn nữa đời sống mọi mặt cho đồng bào các DTTS.

Nguyễn Sơn-Đức Trí

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN