Thực hiện 36 dự án điều tra tài nguyên môi trường biển, hải đảo giai đoạn 2020-2025
(ĐCSVN) – Theo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, giai đoạn 2020 – 2025 sẽ thực hiện 36 nhiệm vụ, dự án Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản TN&MT biển và hải đảo, trong đó, Bộ TN&MT chủ trì thực hiện 21 nhiệm vụ, dự án.
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Trường Giang). |
Ngày 17/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức Hội nghị triển khai, thực hiện Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản TN&MT biển và hải đảo đến năm 2030.
Hội nghị nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện các dự án thuộc Chương trình trọng điểm; đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả trong phối hợp thực hiện các dự án thuộc Chương trình trọng điểm.
Theo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, mục tiêu của Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản TN&MT biển và hải đảo đến năm 2030 phải đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế biển, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế trong từng giai đoạn để đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển.
Theo đó, giai đoạn 2020 – 2025 sẽ thực hiện 36 nhiệm vụ, dự án. Trong đó, Bộ TN&MT chủ trì thực hiện 21 nhiệm vụ, dự án; Bộ Quốc phòng thực hiện 6 nhiệm vụ, dự án; Bộ NN&PTNT thực hiện 2 nhiệm vụ, dự án; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện 4 nhiệm vụ, dự án; Trường Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện 2 nhiệm vụ, dự án; Trường Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh thực hiện 1 nhiệm vụ, dự án.
Giai đoạn 2026 - 2030 thực hiện 5 nhiệm vụ dự án: Bộ TN&MT thực hiện 3 nhiệm vụ, dự án; Bộ Quốc phòng thực hiện 1 nhiệm vụ, dự án; Bộ NN&PTNT thực hiện 1 nhiệm vụ, dự án.
Theo đánh giá của Tổng cục Biển và Hải đảo, hiện nay có 15 nhiệm vụ, dự án chuyển tiếp sang Chương trình trọng điểm, trong đó có 7 nhiệm vụ, dự án đang triển khai thực hiện, 8 nhiệm vụ, dự án đang trong quá trình xây dựng thuyết minh dự toán trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, dự án mở mới đều chậm so với yêu cầu tại Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, mới có 11/36 nhiệm vụ, dự án mở mới giai đoạn 2020 -2025 đang lấy ý kiến góp ý, tiến hành các thủ tục thẩm định để phê duyệt.
Đồng thời, trong quá trình triển khai, các đơn vị gặp nhiều khó khăn do kinh phí thực hiện Chương trình trọng điểm chủ yếu được bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế, nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường. Chưa có cơ chế, chính sách để khuyến khích, huy động nguồn kinh phí khác, do vậy hiện nay các nhiệm vụ, dự án chưa đảm bảo được nguồn kinh phí hàng năm để thực hiện.
Nhiều hạng mục công việc điều tra cơ bản chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá gây khó khăn trong quá trình lập dự toán của các nhiệm vụ, dự án; tính phức tạp trong khi xây dựng các nhiệm vụ, dự án mang tính liên ngành để đảm bảo nguyên tắc kế thừa, không trùng lặp; chưa có quy chế phối hợp quản lý thực hiện Chương trình trọng điểm…
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp để đẩy nhanh việc triển khai Chương trình điều tra trọng điểm. Theo đó, nhiều đại biểu đề xuất thành lập Văn phòng của Ban chỉ đạo Quốc gia về thực hiện Chương trình để theo dõi tiến độ thực hiện các dự án của các Bộ, ngành, kịp thời báo cáo, tham mưu Ban chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc; cần có quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu, nhất là các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai, thực hiện các dự án thuộc Chương trình trọng điểm; đồng thời chỉ đạo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổng hợp, tiếp thu các ý kiến của các đại biểu để tham mưu cho lãnh đạo Bộ báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia về Chương trình, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, các Bộ, ngành cần thực hiện dự án trong Chương trình khẩn trương thực hiện, báo cáo kết quả về Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam để xây dựng cơ sở dữ liệu theo quy định./.