Thúc đẩy xây dựng xã hội học tập ở địa phương
(ĐCSVN) - Tại Hội thảo và tập huấn, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về một số giải pháp và chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng đơn vị học tập cấp huyện, cấp tỉnh, thúc đẩy xây dựng xã hội học tập ở địa phương.
Trong 2 ngày (27 - 28/8), tại Trường Đại học Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức Hội thảo, tập huấn xây dựng đơn vị học tập cấp huyện, tỉnh; thúc đẩy xây dựng xã hội học tập ở địa phương.
Các đại biểu dự hội thảo. (Ảnh: TH) |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên Hoàng Đức Minh cho biết: “Xây dựng xã hội học tập” được Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập nêu rõ: “Từng bước tổ chức xây dựng mô hình đơn vị học tập ở cấp quận, huyện, ở cơ quan, đơn vị; mô hình “Tỉnh học tập”, “Thành phố học tập”, “Công dân học tập”.
Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã chỉ rõ một trong các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam là “hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”.
Gần đây nhất, Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng đã nhấn mạnh “Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, thúc đẩy xã hội học tập và học tập suốt đời”…
Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã tham gia Lễ phát động Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”. Tất cả là động lực, tiền đề, mục tiêu để hướng tới cả xã hội tích cực học tập.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên Hoàng Đức Minh phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: TH) |
Hiện nay, các chính sách về xây dựng xã hội học tập đã từng bước được hoàn thiện trên cơ sở phù hợp với từng bối cảnh, hiện trạng thực tiễn của đất nước. Bộ GDĐT đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức liên quan thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập thông qua Đề án của Chính phủ và trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành, cùng với hệ thống cơ sở giáo dục trực thuộc, của địa phương, của chính quyền địa phương để từng bước thúc đẩy phát triển các mô hình học tập giúp mọi tầng lớp nhân dân học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.
TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ vui mừng vì các hoạt động của Bộ GDĐT cũng đã đóng góp hữu ích cho việc thực hiện Quyết định 324 /QĐ-KHVN của Hội Khuyến học Việt Nam về Bộ tiêu chí Hướng dẫn đánh giá, công nhận danh hiệu "Công dân học tập" giai đoạn 2021 - 2030.
TS Nguyễn Hồng Sơn cho hay: Hiện nay, Bộ công cụ đánh giá, công nhận danh hiệu "Công dân học tập" giai đoạn 2021 - 2030 do Hội Khuyến học Việt Nam ban hành nhằm thu thập minh chứng, đánh giá mô hình “Công dân học tập” với mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong việc số hóa các mô hình học tập cũng đang được triển khai trên 63 tỉnh/thành phố. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi công dân được tham gia học tập, hướng tới công dân số, đáp ứng yêu cầu của Chương trình chuyển đổi số Quốc gia và góp phần xây dựng thành công xã hội học tập.
Tại Hội thảo và tập huấn, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về một số giải pháp và chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng đơn vị học tập cấp huyện, cấp tỉnh, thúc đẩy xây dựng xã hội học tập ở địa phương.
Sau hội thảo, Bộ GDĐT yêu cầu các báo cáo viên và học viên tổ chức tập huấn, hướng dẫn cán bộ quản lý tại các Sở GDĐT, Phòng GDĐT về kỹ năng, nghiệp vụ để nắm bắt, hiểu đúng bản chất và thực hiện hiệu quả, đúng quy định trong công tác quản lý, triển khai thực hiện, giám sát, kiểm tra trong việc đánh giá, công nhận đơn vị học tập cấp huyện, tỉnh theo Thông tư số 24/2023/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT./.