Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh Long An
(ĐCSVN) - Ngày hội Công nghệ Giáo dục Long An 2022 được tổ chức nhằm chia sẻ những kinh nghiệm ứng dụng công nghệ vào giảng dạy trong giai đoạn đại dịch COVID-19 cũng như giới thiệu các giải pháp của mô hình giáo dục tương lai, từ đó góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh Long An trong thời đại mới.
Ngày 24/3, được sự đồng ý của UBND tỉnh Long An, Microsoft Việt Nam và các đối tác công nghệ và giáo dục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Long An đồng tổ chức “Ngày hội Công nghệ Giáo dục Long An 2022 – Tương lai giáo dục hậu COVID-19”.
Ngày hội nhằm chia sẻ những kinh nghiệm ứng dụng công nghệ vào giảng dạy trong giai đoạn đại dịch COVID-19 cũng như giới thiệu các giải pháp của mô hình giáo dục tương lai, từ đó góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Long An trong thời đại mới.
Sự kiện thu hút sự tham gia trực tiếp của hơn 100 đại diện là lãnh đạo UBND, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Long An, cùng các giáo viên, cán bộ quản lý của các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học và các đơn vị đào tạo tỉnh Long An. Sự kiện cũng đón tiếp hơn 1.000 người tham dự trực tuyến qua nền tảng Microsoft Teams.
Ông Nguyễn Hồng Phúc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Long An phát biểu tại sự kiện. Ảnh: D.Châu |
“Giáo dục số” trong đại dịch COVID-19
Theo “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 03/06/2020, Việt Nam đặt mục tiêu kép vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực đi ra toàn cầu. Trong đó, “Giáo dục số” là một trong 8 ngành đang được ưu tiên chuyển đổi số trước, đóng vai trò ươm mầm và bồi dưỡng lực lượng lao động trình độ cao bắt kịp thời đại 4.0.
Bộ Giáo dục & Đào tạo (GDĐT) đưa ra ưu tiên cấp bách hàng đầu hiện nay là phải đổi mới giáo dục thông qua chuyển đổi số nhằm giảm thiểu gián đoạn giáo dục trong tương lai.
Chia sẻ về vấn đề này, Sở GDĐT tỉnh Long An cho biết trong những năm qua các cấp lãnh đạo luôn quan tâm chỉ đạo quyết liệt công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của ngành GDĐT.
Cụ thể, về hạ tầng số: 100% các đơn vị, trường học có đường truyền internet. Các trang thiết bị, hạ tầng CNTT phục vụ cho GDĐT được quan tâm đầu tư, cơ bản đảm bảo nhu cầu phục vụ giảng dạy và điều hành của ngành giáo dục.
Về dữ liệu số, Ngành GDĐT Long An đã xây dựng dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu Quản lý giáo dục toàn ngành tại địa chỉ qlgd.longan.edu.vn kết nối đầy đủ, toàn diện dữ liệu từ cấp THCS đến THPT, Phòng, Sở. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 100% cơ sở giáo dục cấp THCS, THPT sử dụng sổ điểm điện tử từ phần mềm quản lí giáo dục. 100% các đơn vị từ Mầm non đến Tiểu học sử dụng phần mềm quản lý Vnedu.
Về các nền tảng, ứng dụng và dịch vụ, Sở GD&ĐT Long An tăng cường ứng dụng CNTT trong dạy học, kiểm tra, đánh giá và quản lý giáo dục, quản trị nhà trường. Trong quá trình phòng, chống dịch COVID-19, toàn ngành thực hiện phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”. Năm 2021, Sở GD&ĐT Long An đã triển khai thực hiện các dịch vụ công trực tuyến của ngành giáo dục như: tuyển sinh đầu cấp trực tuyến, thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong nhà trường.
Về nhân lực số, 100% cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành CNTT đã được bồi dưỡng kiến thức cơ bản. Sở GDĐT Long An đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ năng thiết kế và xây dựng bài giảng, giáo án điện tử e-Learning. Sở cũng đã hướng dẫn các đơn vị tự tổ chức tập huấn nhân cho cán bộ, giáo viên sử dụng các phần mềm phục vụ soạn bài giảng điện tử, sử dụng các công cụ, phần mềm để tổ chức dạy học trực tuyến như Microsoft teams.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Hồng Phúc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Long An, cho biết: “Bên cạnh những mặt đạt được, ngành GDĐT tỉnh Long An cũng đang phải đối mặt với một số khó khăn như cơ sở vật chất, hạ tầng mạng, trang thiết bị,… còn lạc hậu, chưa đồng bộ, và chưa đáp ứng được yêu cầu tối thiểu để phục chuyển đổi số. Việc tiếp tục mở rộng và phát triển kho học liệu, thư viện số của ngành đòi hỏi sự đầu tư lớn về cả nhân lực và tài chính. Hiện nay, vấn đề xây dựng học liệu số còn phát triển tự phát, chưa thành hệ thống, khó kiểm soát chất lượng và nội dung học tập.”
Tuy nhiên, ông Phúc cũng nhấn mạnh thêm: “Trong bối cảnh bình thường mới, chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo chất lượng đào và quản lý, hướng đến phát triển bền vững; góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội cho tỉnh Long An nói riêng và cho cả nước nói chung. Do đó, Sở GDDT Long An mong muốn tận dụng hơn nữa những tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, góp phần phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.”
Tương lai giáo dục số hậu COVID-19
Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong giáo dục là xu hướng tất yếu của giáo dục toàn cầu trong thế kỷ 21. Giáo dục số không chỉ là sử dụng các nền tảng giao tiếp trực tiếp, ứng dụng các phần mềm để hỗ trợ công tác giảng dạy, mà còn là sự chuyển đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học sang không gian số, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy thành công cũng như tác động làm thay đổi cách thức quản lý và vận hành môi trường giáo dục.
Ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Kinh doanh Microsoft Việt Nam cho biết: “Microsoft đã xây dựng Khung Chuyển đổi số Giáo dục dựa trên nghiên cứu và nhiều thập kỷ làm việc với các nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo trường học và các nhà giáo dục trên thế giới, thông qua 4 trụ cột chính là: Lãnh đạo và Chính sách; Dạy và Học; Môi trường thông minh; và Sự thành công của học sinh và nhà trường. Chuyển đổi số giáo dục không chỉ là việc có thể tổ chức giảng dạy và học tập từ bất kỳ đâu, mà quan trọng hơn còn là việc cá nhân hóa trải nghiệm và tạo ra các phương pháp tương tác mới có khả năng tiếp cận và truyền cảm hứng cho tất cả mọi người".
Cũng tại sự kiện, các chuyên gia giáo dục của Microsoft đã chia sẻ hệ sinh thái giải pháp thúc đẩy giáo dục số lấy học sinh làm trung tâm, bao gồm 4 yếu tố là: Môi trường – Nền tảng – Công cụ - Sự sáng tạo.
Theo đó, thay vì bị giới hạn ở các lớp học trực tiếp, Microsoft giúp người học xây dựng một môi trường học tập trực tuyến và trao quyền cho họ học hỏi một cách chủ động với hệ điều hành chuyên biệt cho giáo dục Windows 11 SE, nền tảng cộng tác trực tuyến Microsoft Teams và Office 365, các công cụ phân tích dữ liệu như Teams Insights, Power BI hỗ trợ cho việc truy xuất báo cáo trong suốt quá trình học tập, giảng dạy và quản lý hệ thống cho nhà trường và giáo viên. Đặc biệt, Microsoft khơi gợi sự sáng tạo cho giáo viên và học sinh để trang bị những kỹ năng số cần thiết của thế kỷ 21 thông qua các chương trình như Minecraft phiên bản dành cho giáo dục; Microsoft Store và tính năng 3D trải nghiệm thực tế ảo trên ứng dụng Paint và PowerPoint.
Bên cạnh các nền tảng và công cụ thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục từ Microsoft Việt Nam, các nhà quản lý và lãnh đạo các trường cũng đã tham quan và trải nghiệm trực tiếp những giải pháp công nghệ thúc đẩy giáo dục số, từ đó có lời giải toàn diện cho tương lai của giáo dục hậu COVID-19./.