Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng

Thứ Sáu, 10/01/2020 21:34 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 10/1/2020, tại Hà Nội, Ban Thư ký ASEAN Quốc gia phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Viện nghiên cứu ASEAN và Đông Á (ERIA) đã tổ chức Hội thảo chuyên đề cao cấp “Thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”.

 Các đại biểu tham dự hội thảo

Hội thảo là một trong những hoạt động đầu tiên của năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, nhằm xác định các vấn đề và phương thức thúc đẩy thương mại, đầu tư nội khối ASEAN. Hội thảo có sự tham gia của khoảng 120 đại biểu, bao gồm các quan chức cao cấp của Chính phủ, nguyên Bộ trưởng, lãnh đạo các Bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế của ASEAN, các chuyên gia kinh tế của World Bank, ERIA, lãnh đạo doanh nghiệp, đại diện Đại sứ quán các nước ASEAN và các tổ chức quốc tế tại Hà Nội. 

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh khẳng định ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, nhất là hợp tác thương mại và đầu tư nội khối. Trước những thách thức mới gia tăng như cạnh tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ thương mại, ASEAN hơn bao giờ hết cần đoàn kết, duy trì sự gắn kết và hiệu quả, một mặt đảm bảo tiến độ triển khai Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng kinh tế ASEAN 2025, mặt khác tiếp tục phát huy vai trò động lực thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh phát biểu khai mạc  hội thảo

Hội thảo đã thể hiện các góc nhìn đa chiều về hợp tác thương mại, đầu tư trong ASEAN và các khuyến nghị chính sách. Cùng phác hoạ bức tranh toàn cảnh về thực trạng hợp tác thương mại, đầu tư nội khối ASEAN hiện nay, các diễn giả nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa chiến lược của việc thúc đẩy thương mại-đầu tư nội khối ASEAN; đề xuất một số định hướng nhằm hiện thực hoá thành công Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 cũng như phát huy hiệu quả hơn vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, nhất là những thay đổi sâu sắc đến từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Cựu Ngoại trưởng Singapore George Yeo Yong-Boon phân tích bối cảnh tình hình chính trị kinh tế, nhất là cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, những tác động tới không gian phát triển của ASEAN và gợi mở các hướng triển khai để ASEAN giữ vững vai trò trung tâm, nâng cao tính tự cường. Phó Tổng Thư ký ASEAN phụ trách kinh tế Aladdin D. Rillo đưa ra một số kiến nghị, trong đó nhấn mạnh ASEAN cần đóng vai trò tích cực hơn trong hệ thống thương mại đa phương mở, bao trùm và dựa trên luật lệ của khu vực, và củng cố cơ sở hạ tầng, bao gồm cả cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, cải cách quy chế và xây dựng nguồn nhân lực. 

Đại diện từ các hiệp hội doanh nghiệp thể hiện mong muốn chính phủ các nước ASEAN nhanh chóng hành động trong việc thúc đẩy đầu tư, thương mại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kết nối và được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại, đầu tư của ASEAN.

Phân tích sâu hơn đánh giá các xu hướng thương mại, đầu tư trong khu vực, Hội thảo xác định các khó khăn, thách thức đang là rào cản chính cho dòng chảy thương mại và đầu tư nội khối ASEAN, tập trung vào 3 cụm vấn đề chính, gồm các rào cản chính sách và thể chế; gia tăng sự tham gia vào Chuỗi giá trị (GVCs) của ASEAN; và thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ hậu cần logistics.Về việc này, nguyên Bộ trưởng Thương mại Việt Nam Trương Đình Tuyển cho rằng để xử lý hiệu quả hơn các rào cản, khó khăn, các nước ASEAN cần đẩy mạnh cải cách thể chế và môi trường kinh doanh. Ngoài ra, trong quá trình nâng cấp các hiệp định thương mại và đầu tư hiện có, ASEAN nên lấy các tiêu chuẩn trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để làm chuẩn tham khảo, hướng tới các hiệp định chất lượng cao và toàn diện.

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN-Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng đánh giá cao nội dung Hội thảo, cho rằng khuyến nghị và kết quả do các đại biểu đề xuất sẽ là nguồn thông tin và tư liệu bổ ích để các cơ quan hoạch định chính sách và cơ quan nghiên cứu của ASEAN định hướng các bước triển khai tiếp theo trong tiến trình xây dựng một ASEAN tự cường, gắn kết, bền vững và chủ động thích ứng. Thứ trưởng khẳng định là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đặt ưu tiên cao cho thúc đẩy gắn kết nội khối và mong muốn, với sự hỗ trợ và ủng hộ của các nước ASEAN, Ban Thư ký ASEAN và các đối tác, trong năm 2020, những nỗ lực của Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy một bước hợp tác kinh tế nội khối ASEAN, nhất là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, đóng góp vào nỗ lực chung của Cộng đồng ASEAN cũng như sự thịnh vượng bền vững của khu vực./.

 
Mạnh Hùng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN