Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thúc đẩy tăng trưởng xanh

Thứ Tư, 23/08/2023 20:01 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư có vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh (TTX), chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện. Với 57 nhóm nhiệm vụ lớn và 134 nhóm nhiệm vụ cụ thể, yêu cầu đặt ra rất lớn và mang tính bao trùm, phù hợp với các cam kết tại Hội nghị COP26 và Chương trình nghị sự của Hội nghị COP27, Bộ đã và đang đề xuất để thúc đẩy TTX trong bối cảnh hiện nay.

Tăng trưởng xanh là xu hướng chủ đạo của cả thế giới hiện nay, trong đó có Việt Nam (Ảnh: PV)

Thực tế cho thấy, với 18 nhóm chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ lớn và 134 nhóm nhiệm vụ cụ thể cho quy mô toàn bộ nền kinh tế cũng như từng ngành, lĩnh vực, Kế hoạch hành động quốc gia (KHHĐQG) về TTX đòi hỏi các Bộ, ngành, các địa phương cần phải hết sức nỗ lực trong tổ chức triển khai trong phạm vi của ngành, địa phương mình để cùng chung tay với cả nước hiện thực hóa cam kết tại Hội nghị COP26 về đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 và Chương trình nghị sự cập nhật của Hội nghị COP27 vừa diễn ra vào tháng 11/2022 vừa qua.

Ở quy mô quốc gia, để triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về TTX nhằm giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan liên quan và các địa phương trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong KHHĐQG về TTX, chỉ đạo triển khai các giải pháp mang tính liên ngành, liên vùng. 

Với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về TTX, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia, bên cạnh việc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các nội dung liên ngành, liên vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung triển khai các nhiệm vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình, cụ thể như sau:

Một là, chủ trì hướng dẫn xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động TTX cấp ngành và địa phương, hướng dẫn tích hợp TTX trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các cấp, các ngành, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các mục tiêu TTX ở quy mô toàn bộ nền kinh tế cũng như các ngành, lĩnh vực, địa phương.

Hai là, tiếp tục tăng cường xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan, nhất là về đầu tư - doanh nghiệp, chẳng hạn như xây dựng cơ chế ưu đãi cụ thể đối với các doanh nghiệp tham gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ xanh; chính sách về khu công nghiệp sinh thái, áp dụng nguyên tắc kinh tế tuần hoàn trong xây dựng, quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế hay thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo…

Ba là, xây dựng và ban hành “Lộ trình hiện thực hóa các mục tiêu TTX gắn kết với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng trung hòa các-bon” nhằm đảm bảo tính hướng đích của toàn bộ nền kinh tế cũng như của các ngành, lĩnh vực. Theo đó, các mục tiêu TTX sẽ được xác định và tổ chức triển khai với yêu cầu cụ thể cả về định tính và định lượng, dựa trên phân tích đa tiêu chí, mô hình hóa các kịch bản phát triển, đánh giá đầy đủ về tác động kinh tế - xã hội - môi trường hướng tới đưa phát thải ròng bằng về “0” vào năm 2050.

Bốn là, giám sát, đánh giá, báo cáo thực hiện Chiến lược và các công cụ quản lý hỗ trợ thực hiện dựa trên Bộ chỉ tiêu quốc gia về TTX, triển khai Chỉ số TTX tổng hợp nhằm đánh giá mức độ thực hiện TTX trên phạm vi toàn quốc; xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại xanh quốc gia; xác định và tổ chức triển khai những nhiệm vụ, dự án TTX trọng điểm.

Năm là, thúc đẩy huy động nguồn lực, điều phối các nguồn tài trợ trong và ngoài nước, nguồn tài chính khí hậu trên cơ sở bám sát Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) 2022 mà Việt Nam đã công bố tại Hội nghị COP27. Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng để hiện thực hóa TTX trong giai đoạn 2021-2030 và những giai đoạn tiếp theo. Thực tế cho thấy, tiềm năng thu hút dòng tài chính cả trong và ngoài nước cho TTX, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững là rất lớn. Theo đó, để có thể hấp thụ được vào các mục tiêu xanh, phát triển bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp cho Chính phủ về huy động nguồn lực sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu, đề xuất với Chính phủ những giải pháp để các nguồn lực cho TTX trong thời gian tới được sử dụng hiệu quả, định hướng vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững, tạo động lực để đầu tư tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế xanh theo đúng quan điểm xuyên suốt được nhấn mạnh rõ nét tại Chiến lược quốc gia về TTX.

Với cách tiếp cận toàn diện nêu trên, tin tưởng rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò “nhạc trưởng”, cơ quan đầu mối quốc gia về TTX, cùng sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương sẽ khơi dậy và triển khai có hiệu quả triết lý bao trùm “TTX là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức liên quan, được thúc đẩy bằng tinh thần đổi mới sáng tạo và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, bền vững” hướng tới các mục tiêu đã đề ra đến năm 2030 và 2045 đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định./.

 

Hân Nguyễn ​

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN