Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thúc đẩy nâng tầm hợp tác ASEM

Thứ Ba, 22/06/2021 12:48 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Những điều chỉnh sâu sắc của toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển động địa chính trị của thế giới, biến đổi khí hậu và các thách thức an ninh phi truyền thống đang từng bước tác động đến quá trình định hình thế giới sau đại dịch COVID-19. Hợp tác ASEM tiếp tục được các nước thành viên coi trọng và hiện là cơ chế đối thoại, phối hợp chính sách lớn nhất giữa hai khu vực Á - Âu.

Logo Diễn đàn Hợp tác Á - Âu. (Ảnh:asem.org)

Tháng 3/1996, Diễn đàn Hợp tác Á – Âu (Asia – Europe Meeting – gọi tắt là ASEM) được chính thức thành lập theo sáng kiến của Singapore, Pháp và sự ủng hộ tích cực của ASEAN. Đây là diễn đàn đối thoại không chính thức giữa các nguyên thủ và người đứng đầu Chính phủ của các nước thành viên ASEM, lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) và Ban Thư ký ASEAN.

Trải qua đúng 25 năm hình thành và phát triển, ASEM đã trở thành cơ chế đối thoại, hợp tác có quy mô lớn nhất giữa hai châu lục, góp phần thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết đa tầng nấc vì hòa bình và phát triển.

Đến nay ASEM đã tăng gấp đôi số lượng thành viên ban đầu từ 26 lên 53 (22 thành viên châu Á và 31 thành viên châu Âu) qua 5 lần mở rộng: Hội nghị Cấp cao (HNCC) ASEM 5, Hà Nội, 2004 (39 thành viên); HNCC ASEM 7, Bắc Kinh, 2008 (45 thành viên); HNCC ASEM 8, Brussels, 2010 (48 thành viên); HNCC ASEM 9, Viêng Chăn, 2012 (51 thành viên); và HNCC ASEM 10, Italia, 2014 (53 thành viên). ASEM chiếm khoảng 60% dân số thế giới, đóng góp 55% thương mại, 65% GDP và 75% du lịch toàn cầu.

Mục tiêu của ASEM là tạo dựng “một mối quan hệ đối tác mới toàn diện giữa  Á – Âu vì sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn” và “tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa  nhân dân hai châu lục và thiết lập đối thoại chặt chẽ giữa các đối tác bình đẳng”.

ASEM hoạt động theo nguyên tắc “Khuôn khổ Hợp tác Á – Âu 2000” (AECF 2000), thông qua tại HNCC ASEM 2 (4/1998) và HNCC ASEM 3 (10/2000), ASEM hoạt động theo những nguyên tắc: Đối tác bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Việc duy trì nguyên tắc này đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ASEM do sự đa dạng về lịch sử và văn hóa, về chế độ chính trị – xã hội và chênh lệch trình độ phát triển.

ASEM là một tiến trình mở và tiệm tiến, không chính thức nên không nhất thiết phải thể chế hóa. Các hoạt động thường không có chương trình nghị sự bắt buộc, mà đối thoại thoải mái, cởi mở trên cơ sở một số vấn đề chính và quan tâm của các thành viên. ASEM không có Ban Thư ký thường trực mà điều phối hoạt động thông qua các điều phối viên. Các quyết định của ASEM thường được thông qua quá trình đạt đồng thuận, mà không ký kết hay bỏ phiếu. Tăng cường nhận thức và hiểu biết lẫn nhau thông qua một tiến trình đối thoại và tiến tới hợp tác trong việc xác định các ưu tiên cho các hoạt động phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau. ASEM thúc đẩy đồng đều cả 3 lĩnh vực hợp tác chủ yếu, gồm tăng cường đối thoại chính trị – an ninh, thúc đẩy hợp tác kinh tế – tài chính và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực xã hội – văn hóa và các lĩnh vực khác.

Việc mở rộng thành viên được thực hiện trên cơ sở nhất trí chung của các nguyên thủ và người đứng đầu Chính phủ của các thành viên. Cấp quyết định chính sách là tại HNCC, gồm các nguyên thủ và người đứng đầu Chính phủ của các thành viên, Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu và Tổng Thư ký ASEAN; họp hai năm một lần, luân phiên Á – Âu, nhằm quyết định phương hướng hợp tác dài hạn, các lĩnh vực ưu tiên trong từng giai đoạn và kết nạp thành viên mới. Đến nay ASEM đã trải qua 12 kỳ HNCC.

Theo thông lệ, HNCC ASEM 13 dự kiến được tổ chức năm 2020. Tuy nhiên, do tác động của tình hình dịch COVID-19. Hội nghị đã hoãn sang 25 -26/11/2021 tại Phnôm Pênh, Campuchia.

Hội nghị Bộ trưởng (HNBT) Ngoại giao (FMM) và Cuộc họp các Quan chức cao cấp ngoại giao (SOM) là kênh điều phối chung toàn bộ các hoạt động. Đến nay ASEM đã trải qua 14 kỳ HNBT Ngoại giao, cùng 10 kênh HNBT: Tài chính, Lao động việc làm, Văn hóa, Giáo dục, Kinh tế, Môi trường, An ninh Năng lượng, Giao thông vận tải, Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Công nghệ thông tin và truyền thông, có vai trò điều phối hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành.

Cơ chế điều phối viên ASEM giúp bảo đảm phối hợp các hoạt động thường xuyên vì ASEM không có Ban Thư ký thường trực. Hiện có bốn điều phối viên: 02 châu Á (01 đại diện Tiểu Nhóm ASEAN, 01 đại diện Tiểu Nhóm Đông Bắc Á –  Nam Á – Nam Thái Bình Dương) và 02 châu Âu (Cơ quan đối ngoại Châu Âu – EEAS – là điều phối viên thường xuyên và nước Chủ tịch đương nhiệm của EU). Hiện nay 4 điều phối viên gồm Thái Lan, Úc, EEAS và Bồ Đào Nha. Các điều phối viên thu thập và cung cấp thông tin cho các thành viên, thay mặt cho khu vực mình trao đổi với các khu vực khác về các vấn đề, sơ bộ lên kế hoạch hoạt động hàng năm.  “Các Nhóm hợp tác chuyên ngành ASEM” được thành lập tại HNBT Ngoại giao ASEM lần thứ 11 (Ấn Độ, 11/2013) nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của ASEM cũng như góp phần mở rộng nội hàm hợp tác và tăng tính thực chất của Diễn đàn. ASEM hiện có 20 Nhóm hợp tác chuyên ngành về quản lý thiên tai, quản lý nguồn nước, doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lượng, công nghệ, giáo dục, đào tạo nghề, an ninh lương thực, phát triển nguồn nhân lực, quản lý chất thải, thúc đẩy thương mại và đầu tư, và giảm nghèo...

Các hoạt động đối thoại và hợp tác ASEM tiến hành đồng đều trên 03 trụ cột chính bao gồm: Đối thoại chính trị – an ninh: Các thành viên ASEM đã tiến hành đối thoại chính trị ở Cấp cao, cấp Bộ trưởng Ngoại giao và cấp Quan chức Cao cấp (SOM) nhằm tăng điểm đồng, tạo cơ sở cho việc xây dựng các mối quan hệ, hướng tới tiếng nói chung giữa các đối tác. Đối thoại chính trị tập trung vào các nhóm vấn đề như hòa bình, an ninh, ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, như không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống chủ nghĩa khủng bố, cực đoan, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, an ninh hàng hải, di cư trái phép… Hội thảo ASEM không chính thức về nhân quyền được tổ chức thường niên trong khuôn khổ Quỹ Á – Âu (ASEF).

Hợp tác kinh tế - tài chính: ASEM coi trọng thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương toàn cầu, tự do hóa thương mại và đầu tư, phối hợp chính sách  tài chính, hài hòa hóa thủ tục hải quan, kết nối, kinh tế xanh, và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa... Một số nội dung hợp tác chính gồm: Hợp tác thương mại và đầu tư được thúc đẩy thông qua “Kế hoạch Hành động Thuận lợi hoá Thương mại” (TFAP), “Kế hoạch Hành động Xúc tiến Đầu tư" (IPAP). Kênh HNBT Kinh tế và Cuộc họp các Quan chức cao cấp về Thương mại và Đầu tư ASEM (SOMTI) được tổ chức nhằm thúc đẩy đối thoại hợp tác trong lĩnh vực này. Gần đây nhất, HNBT Kinh tế lần thứ 6 vừa được tổ chức tại Seoul (9/2017). Diễn đàn doanh nghiệp (AEBF) cũng là một kênh quan trọng thúc đẩy trao đổi giữa các doanh nghiệp của hai châu lục.

Hợp tác tài chính được tiến hành chủ yếu thông qua kênh HNBT tài chính ASEM (tổ chức 2 năm/lần), trao đổi các vấn đề cùng quan tâm như cấu trúc tài chính quốc tế, chống rửa tiền, triển khai hiệu quả các nguyên tắc giám sát và quy định về tài chính, tăng cường hợp tác hải quan… Năm 2020 dự kiến diễn ra HNBT Tài chính ASEM lần thứ 14 (Bangladesh). Thông qua hợp tác kinh tế - tài chính, ASEM đã thúc đẩy các nỗ lực hợp tác phục hồi kinh tế, hướng tới tăng trưởng bền vững, cân bằng, đồng đều.

Hợp tác hải quan là một trong những lĩnh vực hợp tác được tăng cường thúc đẩy trong ASEM. Hiện nay, các thành viên đang thúc đẩy triển khai các chương trình hợp tác trong Kế hoạch hành động hải quan ASEM giai đoạn 2020 – 2021 đã được  thông qua tại Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM lần thứ 13 (Hạ Long, 10/2019).

Hợp tác xã hội – văn hóa và các lĩnh vực khác: Đây là mảng hợp tác có nhiều hoạt động, được triển khai thành công nhất, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, trong đó chú trọng vào hợp tác xã hội, văn hóa, giáo dục, và phát triển nguồn nhân lực, góp phần tăng cường hiểu biết giữa nhân dân Á – Âu. Nội hàm hợp tác cũng được mở rộng sang các vấn đề mới mang tính đa ngành, gắn kết với phát triển bền vững, ứng phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh lương thực – nước – năng lượng...

Hợp tác văn hóa, đặc biệt là Đối thoại văn hóa văn minh được coi là một trọng tâm hợp tác ASEM và được thảo luận tại hầu hết các HNCC ASEM. Gần đây nhất, HNBT Văn hóa ASEM lần thứ 8 đã được tổ chức tại Bulgaria (3/2018). Hợp tác giáo dục được các thành viên quan tâm và đẩy mạnh, đặc biệt là các chương trình giao lưu và hợp tác đào tạo thanh niên và sinh viên hai châu lục. (sáng kiến Trung tâm giáo dục ASEM và học bổng ASEM - DUO). Nhận thức được tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác đào tạo sau đại học và đào tạo nghề, các thành viên ASEM đã quyết định thành lập Ban Thư ký giáo dục ASEM do châu Á và châu Âu luân phiên đảm nhiệm (nay là Bỉ). HNBT Giáo dục ASEM lần thứ 7 đã được tổ chức tại Romania (5/2019).

Hợp tác lao động – việc làm là một trong những lĩnh vực hợp tác được  quan tâm trong ASEM, để đáp ứng nhu cầu đào tạo kỹ năng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phù hợp yêu cầu của việc làm trong giai đoạn mới, giải quyết các vấn đề xã hội cấp bách... Năm 2020 dự kiến sẽ tổ chức HNBT ASEM về Lao động và Việc làm lần thứ 6 tại châu Á.

Các hoạt động tăng cường hiểu biết và giao lưu giữa nhân dân hai châu lục phần lớn được thực hiện thông qua Quỹ Á – Âu (ASEF), được thành lập tháng 02/1997, có trụ sở tại Singapore. Thành phần tham gia các hoạt động của ASEF gồm các học giả, các viện nghiên cứu, các cán bộ thuộc cơ quan chính phủ, các nhà hoạt động văn hóa, các tổ chức phi chính phủ, thanh niên, sinh viên và học sinh. Thông qua 6 lĩnh vực hợp tác (văn hóa, giáo dục, quản trị, phát triển bền vững, y tế, và kinh tế), cho đến nay, Quỹ đã triển khai được gần 900 dự án (Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học ASEM, mạng lưới các trường đại học Á – Âu, đối thoại thanh niên, đối thoại giữa các nhà lãnh đạo trẻ, Hội trại Âm nhạc…). Ngoài ra, ASEF phụ trách công tác quảng bá – tuyên truyền ASEM thông qua trang thông tin aseminfoboard.org.

Trước những chuyển biến nhanh chóng và phức tạp của tình hình thế giới, các thành viên nhất trí thúc đẩy nâng tầm hợp tác ASEM nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đề cao chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy quan hệ đối tác Á - Âu, và vai trò của ASEM trong cục diện đang định hình. Nội hàm hợp tác của ASEM ngày càng được mở rộng, chú trọng thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với các thách thức toàn cầu, nhất là ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai, quản lý nguồn nước, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh mạng, thúc đẩy phát triển bao trùm, triển khai đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao khả năng thích ứng với CMCN 4.0, phát triển nguồn nhân lực…

Kết nối hiện cũng là trọng tâm hợp tác ASEM trong thập kỷ mới với cách tiếp cận toàn diện cả về hạ tầng, thể chế và con người. Lần đầu tiên ASEM thông qua  Chương trình hành động ASEM về kết nối được thông qua tại HNCC ASEM 12 với 6 lĩnh vực ưu tiên (kết nối chính sách, kết nối bền vững, kết nối thương mại và đầu tư, kết nối số, kết nối con người và kết nối nhằm ứng phó với các thách thức an ninh).

Đối thoại chính sách cao cấp ASEM lần này diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do dịch COVID-19, xu thế phục hồi đa tốc độ, không đồng đều ngày càng rõ nét, phụ thuộc lớn vào tỷ lệ tiêm chủng và khả năng kiểm soát dịch bệnh của mỗi quốc gia.

Những điều chỉnh sâu sắc của toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển động địa chính trị của thế giới và tác động của biến đổi khí hậu và các thách thức an ninh phi truyền thống đang từng bước tác động đến quá trình định hình thế giới sau đại dịch COVID-19. Hợp tác ASEM tiếp tục được các nước thành viên coi trọng và hiện là cơ chế đối thoại, phối hợp chính sách lớn nhất giữa hai khu vực Á - Âu. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát làm gián đoạn nhiều hoạt động của Diễn đàn trong hai năm qua.

Thực hiện chủ trương đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII, đặc biệt là việc nâng tầm công tác đối ngoại đa phương. Việc tổ chức Đối thoại chính sách cấp cao ASEM thể hiện Việt Nam chủ động đóng góp tích cực vào các quan tâm chung ASEM và tham gia định hình tầm nhìn hợp tác mới của khu vực trước những biến động nhanh chóng của tình hình thế giới; làm sâu sắc hơn quan hệ với các thành viên; tranh thủ ủng hộ, phối hợp và hỗ trợ quốc tế thúc đẩy các quan tâm và lợi ích của Việt Nam tại ASEM; thể hiện Việt Nam đã và đang chống dịch hiệu quả, bước đầu đưa hoạt động đối ngoại trở lại bình thường./.

Mạnh Hùng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN