Thúc đẩy liên kết vùng giữa Quảng Ninh-Hải Dương-Bắc Giang
(ĐCSVN) - Sự phối hợp liên kết của 3 tỉnh đã đạt được một số kết quả có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh; tiếp tục khẳng định vị thế của Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương là các động lực tăng trưởng của vùng, khu vực, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước.
Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: Quang Thọ) |
Ngày 22/1, tại Quảng Ninh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương tổ chức Hội nghị hợp tác giữa 3 địa phương để trao đổi và thống nhất những nội dung nhằm thúc đẩy liên kết vùng giữa 3 tỉnh giai đoạn 2022-2025.
Trong thời gian qua, 3 địa phương tích cực triển khai có hiệu quả các nội dung đã được các bên thống nhất, đồng thời chủ động, tích cực triển khai liên kết hợp tác trên các lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng hạ tầng giao thông, công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, an ninh trật tự… 3 địa phương cũng đã phối hợp xây dựng hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương) trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Đồng thời phối hợp triển khai nhiều dự án để tăng cường kết nối giao thông giữa Quảng Ninh với các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang...
Sự phối hợp liên kết của 3 tỉnh đã đạt được một số kết quả có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh; tiếp tục khẳng định vị thế của Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương là các động lực tăng trưởng của vùng, khu vực, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định, hơn 10 năm qua, tỉnh Quảng Ninh kiên trì thực hiện định hướng không gian phát triển kinh tế - xã hội “Một tâm, hai tuyến đa chiều, các mũi đột phá”; tập trung tổ chức triển khai thực hiện 7 quy hoạch chiến lược của tỉnh do tư vấn hàng đầu thế giới lập; cùng với những định hướng chiến lược bài bản, tinh thần tự lực, tự cường, mở ra thời kỳ phát triển đột phá của Quảng Ninh với những mô hình đổi mới sáng tạo suốt một thập kỷ qua.
Hiện, tỉnh Quảng Ninh đang tích cực phối hợp trao đổi với tỉnh Bắc Giang và tỉnh Hải Dương để lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nghiên cứu xây dựng các nội dung về phát triển kinh tế - xã hội và hợp tác liên kết vùng để đưa vào Quy hoạch tỉnh của các địa phương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm cân đối, hài hòa giữa các ưu tiên phát triển của tỉnh với yêu cầu phối hợp chung của các vùng, liên vùng và của cả nước.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Quang Thọ) |
Trao đổi tại Hội nghị, lãnh đạo 3 tỉnh cũng đã chỉ ra những hạn chế trong hoạt động hợp tác giữa 3 địa phương, đó là chưa khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, chưa có sự liên kết chặt chẽ theo phương thức đa phương, phần lớn các chương trình hợp tác mới chỉ dừng ở song phương giữa các tỉnh, chưa thực sự tương xứng và chưa thường xuyên, liên tục, chưa tạo được tính kết nối trong chuỗi các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội.
Để thúc đẩy liên kết vùng giữa 3 tỉnh giai đoạn 2022-2025, các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả các Nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương trực tiếp đối với từng địa phương, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và thúc đẩy phát triển liên kết vùng ngày càng đi vào thực chất theo nguyên tắc “Chia sẻ - Đồng thuận - Cùng phát triển”.
Trong đó, tập trung phối hợp triển khai chiến lược “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Tăng cường hợp tác liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh. Tiếp tục hợp tác trong xây dựng hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương) trình UNESCO công nhận di sản thế giới và xây dựng hồ sơ khoa học di sản văn hóa - lịch sử chiến thắng Bạch Đằng./.