Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin giữa Việt Nam và Qatar

Thứ Năm, 31/10/2024 22:09 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Tiếp Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Qatar, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh việc mở một Trung tâm doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tại Qatar, cho rằng đây là ý tưởng hoàn toàn khả thi.

Trong chương trình thăm chính thức Nhà nước Qatar, chiều 31/10 (theo giờ địa phương), tại thủ đô Doha, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Qatar Mohammed bin Ali bin Mohammed Al Mannai.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Qatar Mohammed bin Ali bin Mohammed Al Mannai. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Chúc mừng sự phát triển mạnh mẽ của Qatar, nhất là sự chuyển mình về công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của Qatar, đưa Qatar trở thành một trong những nước tiên phong tại khu vực trong các lĩnh vực này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong các cuộc hội đàm, hội kiến giữa Thủ tướng với các nhà lãnh đạo Qatar trong chuyến công tác này, hai bên nhận thấy tiềm năng rộng mở và nhất trí nâng cao hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn hai bên có các dự án hợp tác cụ thể nhất là trong các lĩnh vực an ninh mạng, xây dựng các trung tâm dữ liệu quốc gia và chuyên ngành; đề nghị Qatar cung cấp các vốn vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Qatar cho rằng, chuyển đổi số là quá trình quan trọng đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Qatar và Việt Nam. Hai bên cũng đã thảo luận cấp bộ trưởng, thống nhất sẽ thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực viễn thông, chất bán dẫn, trung tâm dữ liệu… cũng như thúc đẩy hợp tác về an ninh mạng, bao gồm cả hạ tầng, khoa học công nghệ và pháp lý.

Nhấn mạnh Qatar sẵn sàng mở cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam vào đầu tư kinh doanh tại Qatar, Bộ trưởng Mohammed bin Ali bin Mohammed Al Mannai mong muốn Việt Nam mở Trung tâm doanh nghiệp công nghệ tại Qatar để sản xuất các sản phẩm, cung cấp dịch vụ cho không chỉ Qatar mà cho cả khu vực. Bộ trưởng cũng cho biết Qatar sẽ lập nhóm công tác để kết nối, thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này.

  Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Qatar Mohammed bin Ali bin Mohammed Al Mannai. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Đề cập đến việc Việt Nam có các doanh nghiệp lớn về công nghệ và viễn thông như Viettel, FPT…,  Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh việc mở một Trung tâm doanh nghiệp công nghệ Việt Nam tại Qatar, cho rằng đây là ý tưởng hoàn toàn khả thi, với mô hình Việt Nam cung cấp nhân lực, Qatar cung cấp tài chính, trên nền tảng quan hệ tốt đẹp giữa 2 nước để doanh nghiệp hai nước kết hợp sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin và viễn thông không chỉ cho Qatar mà cả khu vực.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Quốc vương Qatar rất quan tâm vấn đề an ninh mạng, trong khi Việt Nam đứng thứ 17 về an ninh mạng trên thế giới, hoàn toàn hợp tác hiệu quả với Qatar trong lĩnh vực này; hai bên sẽ đàm phán ký kết Hiệp định Liên chính phủ liên quan đến an ninh mạng.

Cho biết Việt Nam đang tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với “thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò quan trọng của hai bộ trưởng trong lĩnh vực này; đề nghị Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ Thông tin Qatar và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Việt Nam “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện có kết quả cụ thể” thực hiện hiệu quả các thoả thuận cấp cao trong lĩnh vực quản lý.

Nhấn mạnh, “không có thành công nào là không phải trả giá; thất bại là mẹ thành công”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng phải tận dụng thời gian và trí tuệ, đồng thời biết chấp nhận rủi ro, tạo đột phá để đưa quan hệ hợp tác về công nghệ, nhất là công nghệ thông tin và viễn thông tương xứng với quan hệ chính trị, ngoại giao, tiềm năng và mong muốn của cả hai bên./. 

Phạm Tiếp (TTXVN)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN