Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thúc đẩy giao thương Việt Nam – Mông Cổ

Thứ Hai, 26/09/2022 16:36 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Việt Nam và Mông Cổ thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1954. Quan hệ hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng song phương giữa hai nước trong những năm qua tuy còn khiêm tốn nhưng đã có nhiều bước phát triển tích cực đáng ghi nhận trong những năm gần đây, đặc biệt là hợp tác thương mại.

Hình ảnh tại buổi tiếp  (Ảnh: A.N)

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh vừa có buổi tiếp Ngài Bát-sum-bê-rin Mơn-khơ-chin, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mông Cổ nhân dịp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mông Cổ có chuyến công tác tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ Việt Nam – Mông Cổ, được thể hiện qua tần suất trao đổi đoàn làm việc, đoàn doanh nghiệp giữa hai Bên đang tăng nhanh. Từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2022, hai Bên đã trao đổi 04 đoàn cấp Bộ, 04 đoàn doanh nghiệp, lần gần đây nhất là Kỳ họp lần thứ 18 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Mông Cổ vào giữa tháng 9 năm 2022.

Qua các dịp thăm và làm việc với các đối tác Mông Cổ, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh Việt Nam và Mông Cổ còn rất nhiều tiềm năng, dư địa để gia tăng quy mô thương mại song phương. Hai nước sẽ sớm đưa kim ngạch thương mại vượt mốc 100 triệu USD một cách ổn định và bền vững nếu khai thác tốt nhu cầu, thế mạnh của hai nước trong các lĩnh vực như nông sản, thực phẩm, than đá, khoáng sản, nguyên vật liệu dệt may, da giày.

Để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại song phương, Thứ trưởng đã đề xuất với Thứ trưởng Ngoại giao Mông Cổ một số biện pháp như: (i) Tận dụng tối đa các cơ chế hợp tác song phương hiện có như cơ chế Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Mông Cổ, Bản ghi nhớ về hợp tác kinh tế và thương mại giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao Mông Cổ; (ii) Thiết lập cơ chế hợp tác cung ứng các loại nông sản, thực phẩm và nguyên liệu thiết yếu như Bản ghi nhớ về thương mại gạo, thương mại than và các loại khoáng sản; (iii) Tăng cường hợp tác triển khai các hoạt động kết nối giao thương giữa doanh nghiệp hai nước như trao đổi đoàn doanh nghiệp, tổ chức hội thảo giao thương trực tiếp và trực tuyến…

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mông Cổ đã bày tỏ sự vui mừng được gặp lại Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, chia sẻ về tình hình kinh phát triển kinh tế của Mông Cổ và kế hoạch hoạt động trong chuyến thăm Việt Nam lần này. Thứ trưởng Ngoại giao Mông Cổ nhất trí cao với những biện pháp do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề xuất để thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại đồng thời đề nghị Bộ Công Thương Việt Nam hỗ trợ phía Mông Cổ các buổi tập huấn chia sẻ kinh nghiệm đàm phán Hiệp định thương mại tự do; hợp tác trong lĩnh vực dệt may; thúc đẩy nhiều hơn nữa các chương trình giao thương giữa doanh nghiệp hai Bên. 

Kết thúc buổi tiếp, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mông Cổ Bát-sum-bê-rin Mơn-khơ-chin nhất trí giao đầu mối hai Bộ sớm thống nhất Kế hoạch công tác triển khai Bản ghi nhớ hợp tác về kinh tế và thương mại để triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới giữa hai Bộ nói riêng và hai nước nói chung.

Ngay sau buổi tiếp, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh và Thứ trưởng Ngoại giao Mông Cổ đã đồng chủ trì Hội nghị giao thương Việt Nam – Mông Cổ. Hội nghị đón nhận được sự quan tâm và tham gia của nhiều doanh nghiệp, trong đó 11 doanh nghiệp Mông Cổ và gần 20 doanh nghiệp Việt Nam tham dự và kết nối giao thương tập trung trong các lĩnh vực: lương thực thực phẩm; vật liệu xây dựng; vận tải, du lịch và công nghệ thông tin.

Phát biểu tại Hội nghị giao thương, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh và Thứ trưởng Ngoại giao Mông Cổ đều khẳng định Hội nghị giao thương là chương trình có ý nghĩa sau thời gian dài không thể đi lại, gặp mặt do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Sự kiện đáp ứng kỳ vọng và mong mỏi của Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Mông Cổ đang không ngừng tìm kiếm thông tin và cơ hội trao đổi thương mại và hợp tác đầu tư. Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mông Cổ sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước về thông tin thị trường, cơ chế, chính sách; luôn hỗ trợ doanh nghiệp hai nước giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình hợp tác đầu tư, kinh doanh cũng như thúc đẩy nhiều các hoạt động giao thương như sự kiện ngày hôm nay.

Tại Hội nghị giao thương, doanh nghiệp hai Bên đã có những thông tin cơ bản về định hướng phát triển quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Mông Cổ, nhận biết những lĩnh vực tiềm năng và cơ hội thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu. Đặc biệt, doanh nghiệp hai Bên đều rất hài lòng khi được trực tiếp giao dịch, kết nối với các đối tác phù hợp và có khả năng tiến tới cùng hợp tác, làm ăn.

A.N

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN