Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thúc đẩy gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen

Thứ Tư, 08/03/2023 20:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres vừa bất ngờ tới thủ đô Kiev của Ukraine với hy vọng củng cố thỏa thuận đạt được giữa quốc gia này và Nga vào năm ngoái nhằm mở đường cho các hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của cả hai.

Các tàu chở hàng theo Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen đang chờ kiểm tra tại khu neo đậu phía Nam của Bosphorus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 11/12/2022. (Ảnh: Reuters)

Trong cuộc họp báo diễn ra ngày 7/3, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết ông Guterres sẽ có cuộc gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev vào ngày 8/3 sau khi kết thúc chuyến thăm Ba Lan. Nhân chuyến công tác lần thứ 3 tới Kiev, ông Guterres sẽ thảo luận với nhà lãnh đạo Ukraine về việc duy trì Sáng kiến ngũ cốc biển Đen nhằm đảm bảo duy trì nguồn cung cho thị trường toàn cầu trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn đang tiếp diễn.

Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc được biết đến với tên gọi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được Nga và Ukraine ký kết hồi tháng 7/2022, dưới vai trò trung gian của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Với hiệu lực thực thi trong 120 ngày, thỏa thuận đã được gia hạn lần thứ nhất vào tháng 11/2022 và sẽ hết hạn vào ngày 18/3 tới, trừ khi các bên đồng ý gia hạn. Tuy nhiên, đang có những lo ngại cho rằng việc gia hạn thỏa thuận lần thứ 2 sẽ gặp trở ngại và cần tới các nỗ lực thúc đẩy từ cộng đồng quốc tế.

Hiện các đại diện của Liên hợp quốc và Thỗ Nhĩ Kỳ đang theo đuổi nhiều cuộc tiếp xúc để duy trì hiệu lực của Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. Việc duy trì thỏa thuận được coi là một bước đi quan trọng giúp các nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu không bị gián đoạn bởi cả Ukraine và Nga, vốn đều là những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn trên thế giới. Tình trạng các cảng của Ukraine bị phong tỏa cùng với việc thực hiện các lệnh trừng phạt kiềm chế hoạt động xuất khẩu một số loại ngũ cốc và phân bón của Nga đã đẩy giá lương thực toàn cầu tăng vọt, khiến các nỗ lực viện trợ nhân đạo trên toàn thế giới đối mặt với nguy cơ gián đoạn.

Trước thực tế đó, Liên hợp quốc đã ví thỏa thuận do các bên đạt được hồi năm ngoái đóng vai trò quan trọng bởi giúp "xoa dịu những áp lực mà cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang gây ra cho hàng tỷ người trên thế giới".

Theo Trung tâm điều phối chung ở Thổ Nhĩ Kỳ có nhiệm vụ quản lý các tuyến đường vận chuyển và kiểm tra hàng hóa dưới sự bảo trợ của thỏa thuận, khoảng 23 triệu tấn ngũ cốc đã được xuất khẩu kể từ khi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen phát huy hiệu lực.

Phát biểu tại phiên họp khẩn của Đại hội đồng Liên hợp quốc về tình hình Ukraine diễn ra cách đây 2 tuần, ông Guterres từng nêu rõ: “Bất chấp những thách thức đang tồn tại, sáng kiến vận chuyển ngũ cốc và các mặt hàng thực phẩm khác từ Ukraine đang tạo ra sự khác biệt."

Người đứng đầu Liên hợp quốc cho biết 4 bên tham gia Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen gồm: Ukraine, Nga, Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, đang "làm nỗ lực để loại bỏ tất cả những trở ngại còn lại... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga sang thị trường toàn cầu”.

Trong khi đó, phát biểu tại “Hội nghị Liên hợp quốc về các quốc gia kém phát triển nhất” tại Doha (Qatar), Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, ngày 5/3, cho biết Ankara đang nỗ lực tìm cách gia hạn Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết ông đã thảo luận với Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres về các nỗ lực nhằm gia hạn thỏa thuận./.

T.Lan (Theo Reuters, cbsnews, headtopics)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN