Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thúc đẩy đào tạo nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản

Thứ Năm, 03/10/2024 14:54 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Theo đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, những năm qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, nguồn nhân lực cho các lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế.

Ngày 3/10, tại thành phố Huế, Ban Tuyên giáo Trung ương  phối hợp với Đại học Huế tổ chức Hội thảo khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đáp ứng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”.

Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất quan điểm, mục tiêu, các giải pháp đột phá về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 Đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội thảo.

Đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo Hội thảo. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là yếu tố quan trọng, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các đột phá chiến lược theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đây không chỉ là giải pháp để giải quyết những vấn đề trước mắt, mà còn là chiến lược dài hạn để bảo đảm sự phát triển bền vững cho nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, giúp Việt Nam giữ vững vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế. Những năm qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần đáng kể vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản và xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, nguồn nhân lực cho các lĩnh vực này vẫn còn nhiều hạn chế.

 Quang cảnh Hội thảo.

Đồng chí Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ: Số lao động qua đào tạo được có bằng cấp, chứng chỉ đạt tỷ lệ rất thấp, khoảng 4,6%; công tác đào tạo tổ chức chưa đồng đều, chưa bao phủ hết các vùng sản xuất trọng điểm; năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; đội ngũ cán bộ quản lý có tầm tư duy chiến lược, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành, cán bộ có khả năng tham mưu, tư vấn chính sách mang tầm khu vực và quốc tế, còn ít. Những hạn chế của nhân lực trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là một trong những nguyên nhân chính khiến cho năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm nông nghiệp còn thấp; ảnh hưởng nghiêm trọng tới thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đồng chí Vũ Thanh Mai cho rằng, hiện tại, lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 26% tổng số lao động trong cả nước. Trong khi đó, chỉ có chưa đến 2% tổng số sinh viên nhập học hàng năm đăng ký học đại học các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, một số ngành nông nghiệp truyền thống có rất ít hoặc thậm chí không có sinh viên đăng ký học. Nếu không có giải pháp đủ mạnh, quyết liệt, thực tiễn này tác động rất tiêu cực tới nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, nguy cơ không đạt được mục tiêu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Tại Hội thảo, PGS.TS Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế cho biết: Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định “Xây dựng trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao trên cơ sở phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia, phấn đấu nằm trong Top 300 các trường đại học hàng đầu châu Á”. Tại Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 27/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đã để cụ thể hóa bằng kế hoạch hành động cụ thể. Tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra gần đây từ ngày 18/9 - 20/9/2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý chủ trương thành lập Thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Có thể nói đây là những chủ trương hết sức quan trọng của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho Đại học Huế thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển để đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

 PGS.TS Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế phát biểu tại Hội thảo.

PGS.TS Lê Anh Phương khẳng định: Trong thời gian qua, Đại học Huế luôn nhận được sự quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ của các Ban, Bộ, ngành Trung ương, của tỉnh Thừa Thiên Huế và các địa phương. Chúng tôi tin tưởng và mong muốn rằng, trong thời gian tới, Đại học Huế sẽ tiếp tục nhận được sự ưu ái, quan tâm, tạo điều kiện và ủng hộ của các cơ quan ban ngành Trung ương và các địa phương để phát triển Đại học Huế thành Đại học Quốc gia, cũng như phát triển Trường Đại học Y - Dược thành Trường - Viện tiêu biểu của Việt Nam, có trình độ quốc tế và khu vực; phát triển Viện Công nghệ sinh học thành trung tâm công nghệ sinh học cấp quốc gia tại miền Trung theo Quyết định số 523/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và phát triển Trường ĐHSP thành trường ĐHSP trọng điểm quốc gia. Từ đó tiếp tục khẳng định vị trí của mình về các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học, trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ có uy tín trong khu vực và cả nước, đóng vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. 

Hội thảo có hơn 200 đại biểu trên cả nước tham dự. Các đại biểu đã được nghe tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, tham luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Kết quả Hội thảo là cơ sở quan trọng để các đơn vị tham mưu của Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng báo cáo về công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, nâng cao nhận thức, thúc đẩy các bên liên quan hành động, đồng thời, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định những quyết sách hợp lý để thúc đẩy công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản./.

Tin, ảnh: Hoàng Oanh - Nguyên Phương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN