Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thúc đẩy chuyển giao công nghệ thông qua đầu tư nước ngoài

Thứ Năm, 07/09/2023 16:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Là sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi các hoạt động tổng kết 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Hội thảo cho thấy cái nhìn tổng quan cũng như những định hướng mới trong việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ thông qua đầu tư nước ngoài.

Chiều 7/9, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo “Thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ”.

Xác định KHCN và đổi mới sáng tạo là một trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, trong giai đoạn 35 năm qua, đầu tư nước ngoài đã luôn khẳng định được vai trò là khu vực kinh tế năng động, có đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng, phát triển và hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ bản của nền kinh tế. Đồng thời, đầu tư nước ngoài đã tác động tích cực đến cải cách, đổi mới thể chế kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bộ máy quản lý nhà nước, cải thiện uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho rằng, thu hút đầu tư nước ngoài được xem là một trong những điểm sáng, là thành tựu nổi bật của Việt Nam kể từ khi thực hiện Chính sách Đổi mới theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần VI, năm 1986. Đến nay, thu hút đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần làm gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, tạo nhiều công ăn, việc làm cho người dân, đóng góp rất lớn vào nguồn thu ngân sách cho Nhà nước.

Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm tiếp tục đẩy mạnh, thu hút hiệu quả đầu tư FDI. Cùng với đó là các quy định của Đảng, chính sách của Nhà nước được ban hành nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong công tác thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài; thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

 Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: TL.

Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, để tận dụng lợi thế của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những cơ hội để chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Việt Nam đã xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất với yêu cầu: “Có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế; lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.

Thời gian qua, việc thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ tại Việt Nam đã đạt được một số kết quả tích cực. Việc các tập đoàn công nghệ toàn cầu đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực sản xuất công nghệ tại Việt Nam, khiến thị trường nội địa đang mở rộng nhanh chóng.

* Cần sẵn sàng tiếp nhận công nghệ

Mặc dù nhiều kết quả trong hoạt động chuyển giao công nghệ đã được ghi nhận nhưng trên thực tế, hoạt động chuyển giao công nghệ trong thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại.

Theo số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện có hơn 100 tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới như: Samsung, LG, General Electric, Intel, Panasonic, Toyota… có dự án đầu tư tại Việt Nam nhưng chỉ có 2 tập đoàn là Samsung, LG đều của Hàn Quốc, có đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là nhân tố thúc đẩy doanh nghiệp trong nước cải thiện năng suất, đổi mới công nghệ thông qua áp lực cạnh tranh, áp dụng các mô hình sản xuất mới của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để phát triển và thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa. Các doanh nghiệp trong nước đang từng bước được tham gia vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, sự lan tỏa công nghệ từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới vì dù doanh nghiệp FDI muốn chuyển giao mà chúng ta không đủ năng lực hấp thụ, không sẵn sàng tiếp nhận cũng sẽ rất khó chuyển giao.

Do vậy, ông Trần Duy Đông đề xuất, cần xây dựng chính sách và cơ chế liên kết giữa hai loại hình doanh nghiệp, bao gồm phát triển công nghiệp hỗ trợ, liên kết theo chuỗi cung ứng sản phẩm, chuyển giao và ứng dụng công nghệ. Các doanh nghiệp trong nước cần chủ động trong việc tìm kiếm các kênh chuyển giao công nghệ thông qua hợp đồng mua phát minh, bản quyền, thương quyền, hợp tác nghiên cứu với cơ quan, tổ chức trong nước, chuyển giao công nghệ thông qua FDI, không bị động trong việc tìm kiếm công nghệ thích hợp với từng doanh nghiệp./.

 Tính đến nay, Việt Nam có 38.084 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 453,26 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế ước đạt gần 287,1 tỷ USD, bằng 63,3% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Riêng trong 8 tháng của năm 2023, Việt Nam thu hút 1.924 dự án mới, 830 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư và 22.268 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 18,15 tỷ USD.
Linh Phương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN