Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục

Thứ Hai, 14/03/2022 17:21 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Để việc triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số trong giáo dục phù hợp và hiệu quả, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn lưu ý một số vấn đề như: Sự tương thích với chuyển đổi số quốc gia; sự phân cấp với địa phương trong triển khai nhiệm vụ; sự tính toán, lựa chọn các nhiệm vụ ưu tiên để thực hiện sao cho có trọng tâm, trọng điểm.

Ngày 14/3, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Bộ GD&ĐT. Cùng dự có các Thứ trưởng: Nguyễn Văn Phúc, Phạm Ngọc Thưởng, Nguyễn Hữu Độ, Hoàng Minh Sơn và các thành viên Ban Chỉ đạo.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn - Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Bộ GD&ĐT chủ trì cuộc họp. Ảnh: TT.

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận các nội dung trong kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/1/2022 và dự kiến một số công việc cụ thể trong thời gian sắp tới.

Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ lớn, có tính đột phá của ngành, song cũng sẽ có không ít khó khăn, thách thức, vì vậy, nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài đã được các thành viên Ban Chỉ đạo đưa ra. Một số ý kiến đề xuất, để triển khai thực hiện Đề án cần xây dựng dự án mang tính tổng thể, trong đó xác định rõ nhiệm vụ thực hiện trước, nhiệm vụ thực hiện sau. Đồng thời, cần rà soát lại hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin hiện có trong toàn ngành để có sự kết nối đảm bảo liên thông, hiệu quả. Ngoài ra, cũng cần nắm bắt, kết nối với từng Bộ, ngành, địa phương để quá trình triển khai của ngành Giáo dục sẽ nằm trong một trục thống nhất, vừa tránh lãng phí, vừa tạo hiệu quả bền vững, lâu dài.

Ngoài ra, các ý kiến cũng tập trung đề xuất một số phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề trong thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy Chính phủ điện tử, Chính phủ số tại Bộ GD&ĐT, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. 

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn - Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Bộ GD&ĐT một lần nữa nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tăng cường công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục; đồng thời khẳng định, đây là việc lớn, việc khó, phức tạp với nhiều thách thức đặt ra nhưng là việc phải làm và nếu làm được, sức lan tỏa sẽ rất lớn.

Để việc triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số giáo dục phù hợp và hiệu quả, Bộ trưởng lưu ý một số vấn đề như: Sự tương thích với chuyển đổi số quốc gia; sự phân cấp với địa phương trong triển khai nhiệm vụ; sự tính toán, lựa chọn các nhiệm vụ ưu tiên để thực hiện sao cho có trọng tâm, trọng điểm, để vừa đảm bảo tính lâu dài nhưng cũng phải góp phần giải quyết được ngay một số vấn đề trước mắt đang đặt ra với ngành; sự thay đổi về tư duy, nhận thức, thể chế để phù hợp với yêu cầu của quá trình chuyển đổi…

Bộ trưởng yêu cầu khi thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục cần đảm bảo tính kế thừa và tính bền vững cho tương lai; đặc biệt lưu ý từng đơn vị vụ, cục sớm ban hành Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo, thực hiện phân công, nhiệm vụ rõ ràng để phát huy hết trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ đạo, từng đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ.

Trước đó, ngày 30/12/2021, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký Quyết định số 4977/QĐ-BGDĐT về việc thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Bộ GDĐT. Ban chỉ đạo gồm 29 thành viên do Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn làm Trưởng Ban. Ban Chỉ đạo có chức năng nghiên cứu, tham mưu giúp Bộ trưởng chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo./.

Mỹ Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN