Thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em gái ở Tuyên Quang
(ĐCSVN) - Thông qua các dự án, chương trình ý nghĩa đã góp phần thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em gái ở Tuyên Quang. Qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển, công tác bình đẳng giới; dần khẳng định vị trí, vai trò của người phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng dân tộc thiểu số.
Tuyên Quang đang triển khai đa dạng các hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn. |
Hiện nay, các cấp Hội phụ nữ toàn tỉnh Tuyên Quang đang triển khai đa dạng các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn.
Công việc này được triển khai tại 121 xã và 570 thôn đặc biệt khó khăn thuộc 7 huyện, thành phố trong tỉnh. Đối tượng thụ hưởng là phụ nữ và trẻ em gái tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn, ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái là người dân tộc thiểu số trong các hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, di cư lao động không an toàn, lấy chồng nước ngoài trở về, phụ nữ khuyết tật...
Các nội dung tập trung vào việc tuyên truyền, vận động thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em; xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em; đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng; giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị và trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Thanh Xuân cho biết, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành liên quan đề xuất với UBND tỉnh về các nội dung, kinh phí thực hiện. Trong 2 năm 2022 và 2023, các cấp Hội phụ nữ tỉnh đã được cấp trên 25,7 tỷ đồng để thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em.
Hội thi tuyên truyền về bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái trên địa bàn huyện Yên Sơn. |
Theo đó, các cấp Hội đã tổ chức 20 hội nghị tập huấn; hướng dẫn hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao quyền năng kinh tế cho tổ, nhóm sinh kế; triển khai hoạt động của các mô hình địa chỉ tin cậy, tổ chức đối thoại chính sách ở cấp cơ sở; vận hành mô hình và phương pháp hỗ trợ nạn nhân; tập huấn cách thức thành lập, vận hành hoạt động quản lý Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi". Đồng thời, hướng dẫn thành lập, vận hành 133 Tổ truyền thông cộng đồng...
Hội LHPN tỉnh Tuyên Quang thành lập 6/6 mô hình Địa chỉ tin cậy hỗ trợ, bảo vệ phụ nữ là nạn nhân bạo lực gia đình gồm: xã Sinh Long (Na Hang), Thổ Bình (Lâm Bình), Đồng Quý (Sơn Dương), Bình Phú (Chiêm Hóa), Tân Long (Yên Sơn) và Bạch Xa (Hàm Yên). Các thành viên của Địa chỉ tin cậy là lãnh đạo UBND xã, Công an xã, MTTQ, trưởng các đoàn thể xã, trạm y tế, cán bộ văn hóa, công chức tư pháp - hộ tịch xã...
Đây cũng là nơi tiếp nhận, tạm lánh của nạn nhân bị bạo lực gia đình; hỗ trợ chăm sóc y tế, hỗ trợ về tinh thần, vật chất (trong phạm vi có thể); tư vấn cho nạn nhân và người gây bạo lực tìm ra giải pháp chấm dứt hành vi bạo lực…
Ngay sau lễ ra mắt mô hình Địa chỉ tin cậy tại các xã thực hiện điểm của tỉnh, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức truyền thông kiến thức phòng, chống bạo lực gia đình; xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em cho các thành viên địa chỉ tin cậy; trưởng thôn, chi hội trưởng phụ nữ, y tế thôn, công an viên, ban công tác mặt trận, người có uy tín, hội viên phụ nữ và người dân trên địa bàn các xã.
Các thành viên của Tổ truyền thông cộng đồng là: Bí thư chi bộ thôn/trưởng thôn, chi hội trưởng phụ nữ, đại diện Ban công tác Mặt trận/các đoàn thể ở địa phương; Trưởng các tổ/nhóm/câu lạc bộ hiện có trên địa bàn của thôn; người có uy tín trong cộng đồng, có khả năng tuyên truyền, vận động, hội viên nòng cốt...
Tuyên Quang đang hướng tới những mục tiêu bền vững nhằm giúp đỡ nhiều hơn những phụ nữ và trẻ em gái, góp phần thay đổi cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương |
Các thành viên của Tổ đã tích cực theo dõi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, tình hình đời sống của người dân nói chung và phụ nữ, trẻ em gái nói riêng; tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cuộc sống, lao động, phát triển kinh tế... để góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng...
Có thể nói, những kết quả đạt được về bình đẳng giới trong thời gian qua ở Tuyên Quang là một trong những tiền đề quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xây dựng xã hội ổn định, phát triển bền vững. Việc thực hiện công tác bình đẳng giới cũng góp phần đáng kể trong việc nâng cao vị thế của phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số...
Với những kết quả bước đầu, Tuyên Quang đang hướng tới những mục tiêu bền vững nhằm giúp đỡ nhiều hơn những phụ nữ và trẻ em gái, góp phần thay đổi cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương./.