Thừa Thiên Huế: Tăng cường công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao lắng nghe tâm tư
của người dân bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển ở huyện Phú Lộc
Từ đầu năm 2017 đến nay, công tác tiếp dân đã được lãnh đạo UBND tỉnh và thủ trưởng các cấp, các ngành tổ chức tiếp 1.045 lượt với 1.239 người. Nội dung tiếp công dân chủ yếu liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội; dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Cam lộ - La Sơn và đoạn La Sơn - Túy Loan; việc chi trả tiền bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển và việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất…Đặc biệt, Chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đã dành thời gian thích đáng trực tiếp gặp gỡ và đối thoại với công dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân để kịp thời giải quyết đúng chính sách, pháp luật những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.
Trong 9 tháng đầu năm 2017, UBND tỉnh và các cấp, các ngành của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã tiếp nhận 2.347 đơn thư. Trong đó, 1.411 đơn (khiếu nại 116 đơn, tố cáo 36 đơn và kiến nghị, phản ánh 1.259 đơn) đủ điều kiện xử lý và 936 đơn không đủ điều kiện xử lý. Hầu hết các đơn, thư thuộc thẩm quyền đã được Chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng các sở, ngành liên quan xử lý, giải quyết theo đúng qui định của pháp luật. Đối với những đơn, thư đủ điều kiện xử lý nhưng không thuộc thẩm quyền giải quyết, các cơ quan quản lý hành chính nhà nước các cấp đã có văn bản trả đơn và hướng dẫn 60 đơn khiếu nại, chuyển 25 đơn tố cáo.
Bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân của các địa phương, đơn vị đã được tổ chức theo kế hoạch. Từ đầu năm đến nay, có 09 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm với 12 đơn vị được thanh tra, kiểm tra. Qua kiểm tra, các địa phương, đơn vị đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân; việc giải quyết các vụ việc đều được lãnh đạo địa phương quan tâm thực hiện hòa giải ở cơ sở và tổ chức gặp gỡ, đối thoại nhằm quyết dứt điểm nhiều vụ việc, hạn chế phát sinh đơn, thư khiếu nại, tố cáo.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, thời gian tới, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án chuyển tiếp và mới cần phải thu hồi, giải phóng mặt bằng như: dự án đầu tư Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống kinh thành Huế; dự án xây dựng mở rộng Đại học Huế, bước 2 (giai đoạn 1); dự án Khu du lịch - dịch vụ ở huyện Phú Lộc; chính sách hỗ trợ phát triển khai thác, nuôi trồng thủy hải sản sau sự cố môi trường biển... Đây là những vấn đề gắn liền với cuộc sống của người dân nếu không tập trung chỉ đạo, giải quyết tốt ngay từ cơ sở thì sẽ phát sinh đơn thư kiến nghị, phản ánh và khiếu nại, tố cáo.
Do đó, cùng với việc tăng cường triển khai, tuyên truyền Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành đến tận cán bộ, nhân dân để người dân chấp hành đúng các quy định của pháp luật, không phát sinh khiếu kiện đông người, phức tạp hoặc vượt cấp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã yêu cầu lãnh đạo các ngành, địa phương tăng cường kiểm tra rà soát việc giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài; giải quyết dứt điểm, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật đối với những vụ việc mới phát sinh thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp, các ngành.
Yêu cầu đặt ra là trên 90% các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh được giải quyết có chất lượng và trong thời hạn quy định của pháp luật; trên 80% số vụ việc được thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật. Thường xuyên, tổ chức các đợt giám sát, kiểm tra việc thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật; nhất là những vụ việc đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến, quyết định giải quyết các Bộ, ngành chức năng của Trung ương, chấm dứt vụ việc tồn đọng, kéo dài./.