Thừa Thiên Huế: Sưu tầm, số hóa tác phẩm văn học dân gian của các DTTS
(ĐCSVN) - UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, phấn đấu sẽ sưu tầm, số hóa, xuất bản khoảng 40% tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số.
Theo kế hoạch, đối tượng thực hiện sẽ là các thể loại văn học dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trong đó phát huy các tác phẩm có giá trị tiêu biểu và hiện đang sử dụng thường xuyên, các tác phẩm có nguy cơ bị mai một và nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các tác phẩm đã mất. Đồng bào các dân tộc thiểu số, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, nghệ nhân người dân tộc thiểu số, các già làng, trưởng thôn, bản khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số.
Một số tác phẩm của nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Triều Nguyên (Thừa Thiên Huế) |
Theo đó, trong giai đoạn 2023 - 2026, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ chú trọng sưu tầm, nghiên cứu và tổ chức thực hiện công tác kiểm kê hàng năm để lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về văn học dân gian các dân tộc thiểu số. Ngoài việc sưu tầm, số hóa, còn xây dựng cơ sở dữ liệu số về văn học dân gian các dân tộc thiểu số để lưu trữ, nghiên cứu, tổ chức xuất bản, phát huy, truyền dạy. Phấn đấu 40% các tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một được áp dụng các biện pháp bảo tồn, tư liệu hóa; 50% tác giả, nghệ nhân thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nói chung và văn học dân gian của các dân tộc thiểu số nói riêng được hưởng chính sách hỗ trợ trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể…
Đến giai đoạn 2027 - 2030, phấn đấu sưu tầm, số hóa, xuất bản 80% các tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số, xây dựng cơ sở dữ liệu số về văn học dân gian các dân tộc thiểu số để lưu trữ, nghiên cứu, tổ chức xuất bản, phát huy, truyền dạy. Phấn đấu 80% các tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một được áp dụng các biện pháp bảo tồn, tư liệu hóa. Phấn đấu 80% tác giả, nghệ nhân thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nói chung và văn học dân gian của các dân tộc thiểu số nói riêng được hưởng chính sách hỗ trợ trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể…
Kinh phí để thực hiện kế hoạch này được bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm của các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; lồng ghép kinh phí với các chương trình, đề án, dự án của Trung ương, địa phương thực hiện tại vùng đồng bào các dân tộc thiểu số (trong đó có nguồn vốn cấp cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế). Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
Để hoàn thành các nội dung kể trên, Kế hoạch cũng đặt ra những nhiệm vụ cụ thể như: Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách cho các tác giả, nhà nghiên cứu, nghệ nhân, người tổ chức thực hành, trao truyền để bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số; khảo sát, sưu tầm, kiểm kê và lập danh mục thể loại văn học dân gian truyền thống của các dân tộc thiểu số; tổ chức xây dựng chương trình truyền dạy, bồi dưỡng, tập huấn về văn học dân gian của các dân tộc thiểu số…/.