Thừa Thiên Huế nỗ lực triển khai các giải pháp phát triển giáo dục mầm non
(ĐCSVN) - Nhằm thực hiện Kế hoạch phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế sẽ đẩy mạnh xã hội hóa phát triển giáo dục mầm non, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, xây mới phòng học, hệ thống phòng chức năng; mua sắm trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi theo thứ tự ưu tiên, quan tâm các trường mầm non vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng thường xuyên gặp thiên tai, bão lũ,…
Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 214 trường mầm non
Theo Kế hoạch thực hiện đổi mới, phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế hướng đến mục tiêu huy động trẻ em đến trường và thực hiện phổ cập, nâng cao chất lượng toàn diện giáo dục mầm non, tạo tiền đề vững chắc trước khi vào lớp Một. Đồng thời, thực hiện công bằng giữa giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền; quan tâm đến vùng có điều kiện kinh tế khó khăn; tăng cơ hội cho trẻ em mầm non được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng. Đi cùng với đó, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất trường, lớp học, thiết bị đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ mầm non.
Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 214 trường mầm non, trong đó có 34 trường mầm non ngoài công lập; trường đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ 93,0% (đạt mức độ 2 trên 8,9%). Tỷ lệ huy động trẻ đi nhà trẻ đạt 46%; tỷ lệ huy động trẻ đi mẫu giáo đạt 96,6%; duy trì tỷ lệ 100% nhóm, lớp học 2 buổi/ngày; tỷ lệ 100% nhóm lớp học bán trú; trẻ suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì giảm. Phấn đấu 100% trẻ em dân tộc thiểu số đến trường được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ; duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi,…
Thừa Thiên Huế phấn đấu xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, hợp lý về cơ cấu; 100% giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo.
Ưu tiên định biên cho giáo dục mầm non, đảm bảo số lượng giáo viên trên lớp theo quy định; bố trí đủ giáo viên dạy mẫu giáo để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi; có giáo viên chuyên biệt làm nhiệm vụ hỗ trợ trẻ em khuyết tật tại các trường có trẻ em khuyết tật theo quy định; bố trí đủ nhân viên thư viện, kế toán, thủ quỹ, y tế, nấu ăn và nhân viên phục vụ trường học.
Thừa Thiên Huế phấn đấu xây dựng đội ngũ giáo viên mầm non đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng (Ảnh minh họa: V.A) |
Tầm nhìn đến năm 2045, về phát triển quy mô, mạng lưới trường lớp, trẻ em, toàn tỉnh phấn đấu có 226 trường mầm non; trường mầm non đạt chuẩn quốc gia đạt tỷ lệ trên 96%. Phấn đấu trẻ em độ tuổi nhà trẻ (dưới 3 tuổi) đến trường đạt trên 60%; tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi.
Tiếp tục xây dựng đội ngũ giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục mầm non đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, hợp lý về cơ cấu; 100% giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo.
Về phát triển cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, cơ sở vật chất các trường mầm non đáp ứng các tiêu chí thân thiện, chuẩn hóa, hiện đại hóa và thông minh; 100% phòng học kiên cố; 100% nhóm trẻ và lớp mẫu giáo đủ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học theo quy định,…
Đẩy mạnh xã hội hóa phát triển giáo dục mầm non
Nhằm triển khai thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ triển khai các giải pháp cụ thể, thiết thực. Theo đó, địa phương phát huy sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và đồng bộ giữa các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị về phát triển giáo dục; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phát triển giáo dục mầm non có tính toàn diện; tăng cường công tác quản lý, hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp và nhóm, lớp mầm non tư thục.
Tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục mầm non theo hướng phân cấp, phân quyền, tự chủ, dân chủ, công khai gắn với cơ chế giám sát và trách nhiệm giải trình. Ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu quả. Tăng cường hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các nội dung theo quy định đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.
Đáng chú ý, địa phương chú trọng đến các chính sách dành cho phát triển giáo dục mầm non. Thực hiện lộ trình miễn, giảm học phí cho trẻ em 5 tuổi phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương; chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn; chính sách phát triển hệ thống trường ngoài công lập; chính sách giáo dục khuyết tật … theo đúng quy định. Quan tâm đến các chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng mô hình trường ngoài công lập đạt chuẩn quốc gia, tiếp cận chuẩn quốc tế; chính sách đãi ngộ, khen thưởng, động viên, khuyến khích đội ngũ nhà giáo, nhân viên và cán bộ quản lý giáo dục để thu hút người giỏi, phát huy tiềm năng của các nhà giáo.
Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, xây mới phòng học là một trong những giải pháp được Thừa Thiên Huế xác định sẽ triển khai để thực hiện... (Ảnh minh họa: V.A) |
Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch phát triển trường, lớp mầm non giai đoạn 2025-2030, định hướng đến năm 2045; đảm bảo lộ trình phát triển theo Kế hoạch đề ra. Đẩy mạnh xã hội hóa phát triển giáo dục mầm non, đặc biệt thu hút đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non vào các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tập trung đầu tư cơ sở vật chất, xây mới phòng học, hệ thống phòng chức năng; mua sắm trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi theo thứ tự ưu tiên, quan tâm các trường mầm non vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng thường xuyên gặp thiên tai, bão lũ. Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp kinh phí hợp pháp mua sắm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non.
Đặc biệt, Thừa Thiên Huế sẽ tập trung rà soát đội ngũ viên chức ngành Giáo dục để xây kế hoạch và đề xuất cấp có thẩm quyền tuyển dụng, đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng theo quy định. Xây dựng kế hoạch hằng năm về đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông về việc thực hiện chương trình giáo dục mầm non; công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng bài viết, phóng sự chuyên đề tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc đầu tư, chăm lo phát triển giáo dục mầm non./.