Thừa Thiên Huế cần đảm bảo nguồn lực để đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới
(ĐCSVN) – Ngày 13/10, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà làm Trưởng đoàn. Tham gia buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương; đại diện lãnh đạo các Sở, ngành và địa phương trong tỉnh.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, thời gian qua, trên cơ sở các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các Nghị quyết, Quyết định về cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) và chương trình giảm nghèo bền vững.
Tính đến tháng 9/2017, toàn tỉnh có 24/104 xã trong chương trình NTM đạt chuẩn, chiếm 22,12%; về các tiêu chí NTM có 23 xã đạt 19 tiêu chí (22,12%), 28 xã đạt 15 -18 tiêu chí (26,92%), 47 xã đạt 10 -14 tiêu chí (45,19%), không có xã đạt dưới 7 tiêu chí; bình quân đạt 14,44 tiêu chí/xã. Tổng số hộ nghèo cuối năm 2016 theo chuẩn tiếp cận đa chiều của tỉnh là 20.623 hộ, chiếm tỉ lệ 7,19%; hộ cận nghèo 15.777 hộ, chiếm tỉ lệ 5,5%. Năm 2016, thu nhập khu vực nông thôn toàn tỉnh đạt 24,15 triệu đồng, tăng 4,95% so năm 2015.
Năm 2017, tổng nguồn vốn huy động cho thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh là hơn 1.200 tỷ đồng. Trong đó, 1.134,95 tỷ đồng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và 68,227 tỷ đồng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tỉnh cũng đặt ra chỉ tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 7,19% xuống còn 6,09% vào cuối năm 2017, riêng các xã có tỉ lệ hộ nghèo trên 25% phấn đấu giảm từ 3 - 4%. Trên cơ sở nguồn vốn huy động, tỉnh Thừa Thiên Huế đã phân bổ và sử dụng nguồn vốn đúng mục đích; ưu tiên nguồn vốn cho hạ tầng phục vụ sản xuất, an sinh xã hội, giảm nghèo, các xã nằm trong kế hoạch đạt chuẩn NTM trong năm 2017 và tăng các tiêu chí NTM còn thấp đối với các xã còn lại trong chương trình.
Để thực hiện các chỉ tiêu giảm nghèo, ngay từ đầu năm 2017, tỉnh đã chủ động triển khai các kế hoạch thực hiện 5 dự án hỗ trợ theo chương tình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó, tập trung hỗ trợ cho phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo nhằm từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Từ đầu năm 2017 đến nay đã triển khai, thực hiện 32 công trình (06 công trình chuyển tiếp và 26 công trình mới), 53 mô hình trồng trọt, 49 mô hình chăn nuôi, 13 mô hình nuôi trồng thủy sản… Tỉnh cũng thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung như: tín dụng ưu đãi, dạy nghề, tạo việc làm; hỗ trợ về nhà ở, y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa - thông tin... theo các văn bản hiện hành của Nhà nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, cùng với nguồn lực của Trung ương, hiện Thừa Thiên Huế đang tập trung nguồn lực nhằm phấn đấu có 61 xã đạt chuẩn NTM vào năm 2020. Giải pháp là thường xuyên rà soát các nguồn lực để lồng ghép thực hiện nhằm tăng các tiêu chí NTM, nhất là tiêu chí về thu nhập và các tiêu chí tiếp cận các dịch vụ cơ bản trong Chương trình giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, Thừa Thiên Huế cũng đã dành nguồn ngân sách địa phương để thực hiện một số chính sách giảm nghèo đặc thù như hỗ trợ nguồn lực cho 19 xã có tỉ lệ hộ nghèo cao và phân công các sở, ngành, đoàn thể, trường học giúp đỡ các xã có tỉ hộ nghèo trên 25% ở 2 huyện miền núi A Lưới và Nam Đông.
Nhằm triển khai, thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn, tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị, đề xuất Trung ương một số vấn đề như: cần sớm thông báo nguồn vốn hàng năm cũng như tổng nguồn vốn hỗ trợ cả giai đoạn 2017 - 2020 để địa phương chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đúng tiến độ, phù hợp với điều kiện về nguồn lực; phân cấp mạnh hơn cho cấp tỉnh trong việc phân bổ vốn Trung ương hàng năm để địa phương chủ động nguồn lực cho các xã, huyện đạt chuẩn NTM phù hợp với điều kiện thực tế. Đề nghị Trung ương nghiên cứu điều chỉnh các quy định về đầu tư công phù hợp và thuận lợi trong quá trình thực hiện các Chương trình…
Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đánh giá cao kết quả thực hiện hai Chương trình mục tiêu Quốc gia của tỉnh Thừa Thiên Huế; nhất là tỉnh đã phát huy được vai trò của hệ thống chính trị trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như nâng cao nhận thức của người dân trong vươn lên thoát nghèo bền vững. Thống nhất với Kế hoạch của tỉnh Thừa Thiên Huế về thực hiện hai chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2017 - 2020, Thứ trưởng Trần Xuân Hà đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế cần cụ thể hóa kế hoạch thực hiện và nguồn lực để đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2020; phát huy hơn vốn của doanh nghiệp và vốn của người dân trong chương trình xây dựng NTM; cần kéo doanh nghiệp vào các mô hình sản xuất, kinh doanh để thu hút và tạo việc làm cho người lao động, tăng thu nhập bền vững.
Thay mặt đoàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Đoàn sẽ tổng hợp báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương xem xét.