Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bến Tre

Thứ Năm, 09/07/2020 20:18 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Bến Tre là tỉnh giàu truyền thống cách mạng, có nhiều lợi thế phát triển, trong đó có sản xuất nông nghiệp, cụ thể là dừa và nhiều loại trái cây.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chiều 9/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh cả nước phấn đấu thực hiện mục tiêu kép thì mỗi địa phương, trong đó có Bến Tre, phải đạt kết quả cao nhất, đóng góp vào mục tiêu chung, đặc biệt là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Theo báo cáo của tỉnh Bến Tre, hai yếu tố tác động xấu đến kinh tế-xã hội của tỉnh là dịch COVID-19 và hạn mặn. Dịch bệnh làm 55 doanh nghiệp giải thể, hơn 130 doanh nghiệp và hơn 3.600 hộ kinh doanh dừng hoạt động. Tính đến giữa tháng 6, tỉnh đã tiếp nhận 6.200 đơn xin trợ cấp thất nghiệp.

Trong khi đó, hạn mặn khiến gần 5.300 ha lúa Đông-Xuân vụ 3, gần 28.000 ha cây ăn quả và gần 2.000 ha tôm càng xanh của tỉnh bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại do hạn mặn gây ra với nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tính lên tới 1.660 tỷ đồng.

Những khó khăn đó đã khiến Bến Tre tăng trưởng âm 1,37% trong nửa đầu năm nay. Giá trị sản xuất và thu nhập của các khu vực đều sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ vốn đầu tư công, doanh nghiệp mới thành lập còn thấp.

 Nguồn: VTV

Tuy vậy, với tinh thần “Đồng Khởi,” xứ dừa Bến Tre vẫn thu ngân sách ở mức khá, 51% kế hoạch, tương ứng với gần 2.500 tỷ đồng, giảm gần 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Công tác phòng, chống dịch, vận động hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả hạn mặn đạt nhiều kết quả tích cực.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Bến Tre là tỉnh giàu truyền thống cách mạng, có nhiều lợi thế phát triển, trong đó có sản xuất nông nghiệp, cụ thể là dừa và nhiều loại trái cây. Đây cũng là trung tâm giống cây trồng của miền Nam.

Tỉnh có giao thông đường thủy, đường bộ thuận lợi, kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh; các khu công nghiệp được lấp đầy diện tích. Chương trình phát triển doanh nghiệp của tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia. Ngoài ra, tỉnh còn có thế mạnh về phát triển du lịch sinh thái.

Về phương hướng phát triển giai đoạn 2026-2020 của tỉnh, Thủ tướng đánh giá, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm; tinh thần đoàn kết, quyết tâm đưa tỉnh phát triển thể hiện rõ trong cấp ủy và chính quyền.

Nhờ vậy, kinh tế phát triển khá; một số lĩnh vực phát triển nhanh; thu ngân sách tăng gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ; thu hút đầu tư đạt kết quả khá; quy hoạch được chú trọng gồm cả quy hoạch đô thị; nông nghiệp chuyển biến toàn diện; xây dựng nông thôn mới được tập trung triển khai và vượt kế hoạch về số xã đạt chuẩn; chương trình khởi nghiệp đạt kết quả tốt; văn hóa xã hội được quan tâm, an sinh xã hội được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo còn gần 5%.

Tuy nhiên, Thủ tướng đánh giá, trong nửa đầu năm nay, kinh tế của tỉnh gặp khó khăn do COVID-19, hạn mặn, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Chỉ ra một số tồn tại của tỉnh, Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm đạt được mục tiêu kép và không bàn lùi, trong đó có việc giải ngân vốn đầu tư công.

Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh Bến Tre phải tập trung hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm nay, trong đó phấn đấu quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công.

Ngoài cam kết giải ngân 80% của tỉnh, Thủ tướng giao thêm chỉ tiêu cho Bến Tre, phấn đấu giải ngân ít nhất 90%, nếu có điều chuyển thì chỉ điều chuyển 10%.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các đại biểu và lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) 

Thủ tướng chỉ đạo, Bến Tre cần xây dựng chuyên đề tháo gỡ những bất cập, tồn tại đến nơi đến chốn vấn đề này. Tiền có mà không tiêu được là vô lý. Quốc hội và Trung ương rất lo lắng vấn đề này. Thứ hai là đón bắt thời cơ hội nhập quốc tế, nhất là các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia như EVFTA. Thứ ba là xây dựng một số trung tâm trong một số lĩnh vực của vùng, trong đó có giống cây trồng...

Đánh giá Bến Tre đã đạt vị trí cao về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và nhiều chỉ số khác, Thủ tướng đề nghị tỉnh phát huy tinh thần “Đồng Khởi” của xứ dừa, tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút doanh nghiệp; đẩy mạnh quản lý các dự án ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó cần quyết tâm để đến năm 2023 ngọt hóa thành công.

Cùng với việc tiếp tục huy động các nguồn lực phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh việc Bến Tre cần hoàn thiện quy hoạch phát triển. Đồng thời, Bến Tre cần đi trước một bước trong chuyển đổi số, làm tiền đề phát triển kinh tế số, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng cho ý kiến về một số đề nghị của tỉnh, trong đó cần có cơ chế cho vùng đồng bằng Sông Cửu Long để điều phối việc sử dụng nguồn nước sông Mê Công; hoàn thiện, khép kín hệ thống thủy lợi đầu mối nhằm hạn chế tác động của hạn, mặn, xói lở, ứng phó với biến đổi khí hậu; đầu tư phát triển một số dự án cơ sở hạ tầng kết nối phục vụ phát triển; phát triển các dự án điện khí, điện gió theo quy hoạch...

Thủ tướng đồng ý về chủ trương để Bến Tre thực hiện xã hội hóa, thu hút đầu tư xây dựng hệ thống đường dây truyền tải đấu nối với các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh./.

 

Quang Vũ/TTXVN

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN