Thu hút doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam
(ĐCSVN) – Lần đầu tiên một hội nghị xúc tiến đầu tư lớn được tổ chức trực tuyến với sự tham dự của hơn 1.000 doanh nghiệp từ các điểm cầu tại Nhật Bản và thế giới, thể hiện mối quan tâm và kỳ vọng lớn của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tới Việt Nam.
Nguồn: VTV |
Chiều 9/7, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến Việt Nam – Nhật Bản.
Việc nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia là tín hiệu rất vui mừng và là động lực để tiếp tục kiểm soát tốt dịch COVID - 19, phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới và tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, duy trì tính hấp dẫn, thông thoáng và tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư trong thời gian tới.
Đại biểu Việt Nam và Nhật Bản tại Hội nghị. (Ảnh: MPI) |
Việt Nam khẳng định uy tín cao khi đang kiểm soát tốt dịch COVID-19
Phát biểu tại đầu cầu Việt Nam, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới đang trải qua một thời kỳ khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19. Các nền kinh tế lớn đồng thời là các nhà đầu tư lớn nhất trên thế giới đều đang đối mặt với suy thoái kinh tế trầm trọng nhất từ trước đến nay. Các hoạt động đầu tư, sản xuất, đặc biệt là chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề. Các tập đoàn đa quốc gia đang có xu hướng tái cơ cấu và tái định vị các cơ sở sản xuất. Với thành công trong khống chế và kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam đang được cộng đồng quốc tế nhìn nhận và đánh giá cao là đất nước an toàn, điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với cộng đồng doanh nhân quốc tế. Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế đánh giá khá tốt triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020. Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới đạt được mức tăng trưởng dương.
Trong khi dòng FDI toàn cầu có khả năng suy giảm tới 40% trong năm 2020 do tác động của đại dịch, kết quả thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trong 6 tháng đầu năm của Việt Nam vẫn tương đối khả quan. Tổng vốn đăng ký của nhà ĐTNN trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 15,67 tỷ USD, bằng 84,9% cùng kỳ năm 2019, cơ bản là do các thương vụ M&A giảm đến 56,8% so cùng kỳ. Tổng vốn đăng ký mới đạt 8,43 tỷ USD và tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 3,72 tỷ USD, tăng tương ứng 13,8% và 26,8% so cùng kỳ. Đây là những tín hiệu tích cực, thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Hội nghị thu hút đông đảo đại biểu tham gia. (Ảnh: MPI) |
Việt Nam hiện đang là điểm đến của hơn 32 nghìn dự án với tổng vốn đăng ký 378 tỷ USD từ 136 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ hai với hơn 60 tỷ USD vốn đầu tư.
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế thì môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam đã có những cải thiện mạnh mẽ và được đánh giá cao. Cụ thể, theo Tạp chí US News & World Report xếp Việt Nam đứng thứ 8 trong số 20 nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018. Theo Ngân hàng thế giới (10/2019), chỉ số Môi trường kinh doanh thuận lợi Việt Nam năm 2019-2020 xếp 70/190 quốc gia.
Khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại châu Á và Châu Đại dương của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tháng 2/2020, có 63,9% doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh tại Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh, tỷ lệ cao nhất trong khối ASEAN và đứng thứ ba trong khu vực châu Á và châu Đại Dương.
Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài với mục tiêu tập trung thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đây cũng chính là thế mạnh của các doanh nghiệp Nhật Bản. Sự hợp tác đầu tư này sẽ có tính bổ trợ, bổ sung cho nhau và cùng phát triển.
Đồng thời, Quốc hội vừa thông qua các Luật: Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo hướng tạo khung khổ pháp lý thuận lợi, minh bạch, cạnh tranh, phù hợp với các thông lệ quốc tế nhằm thu hút có hiệu quả các dự án FDI có chất lượng, cũng như cải thiện môi trường đầu tư trong thời gian tới.
Các cơ chế đối thoại chuyên biệt như Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản cùng với các Tọa đàm, Hội thảo thường niên phối hợp với JETRO, JCCI góp phần tích cực vào việc hoàn thiện thể chế chính sách, cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai hoạt động hỗ trợ đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản thông qua các bộ phận hỗ trợ đặt tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư như Saitama Desk, Aichi Desk và Niigata Desk.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang tích cực hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng đồng bộ và hiện đại; nâng cấp thị trường và công cụ tài chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp hỗ trợ, chuẩn bị các điều kiện cần thiết về đất đai, năng lượng, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường năng lực của các doanh nghiệp trong nước... để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc đón nhận các dòng vốn đầu tư vào Việt Nam
Song hành với cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ cũng khuyến khích đổi mới sáng tạo, triển khai mạnh mẽ Chính phủ điện tử và phát triển kinh tế số, trong đó có việc xây dựng và phát triển Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia. Năm 2019, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam tăng 3 bậc lên vị trí thứ 42 trong 129 quốc gia. Cải thiện 17 bậc so với 3 năm trước đó, đưa Việt Nam chỉ đứng sau Singapore và Malaysia trong ASEAN.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cũng khẳng định, với khung khổ pháp lý của quốc gia ngày càng đồng bộ, các kênh kết nối giữa thị trường trong nước và nước ngoài ngày càng rộng mở, cộng với những tiềm năng, lợi thế và sự quyết tâm của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư thu hút đầu tư nước ngoài, tin tưởng rằng, các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng và các nhà đầu tư nước ngoài nói chung sẽ có nhiều cơ hội đầu tư kinh doanh thành công hơn nữa tại Việt Nam.
“Riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ tiếp tục giữ vững ngọn lửa đổi mới, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa vai trò tham mưu giúp Chính phủ kiến tạo những bước đột phá trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh; đổi mới phương thức hỗ trợ doanh nghiệp” – Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nói.
Việt Nam sẽ là nước đầu tiên “đón” lợi thế của đa dạng hóa chuỗi cung ứng
Hội nghị là cơ hội tốt để tăng cường xúc tiến thương mại giữa hai nước, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang phức tạp hiện nay. (Ảnh: MPI) |
Đánh giá cao công tác chống dịch của Việt Nam, Công sứ Nhật Bản tại Việt Nam Okabe Daisuke nhấn mạnh, “đây là thành quả tuyệt vời của Chính phủ Việt Nam với năng lực quản lý rủi ro rất cao”.
Ông cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang vực dậy nhanh chóng sau đại dịch, “Việt Nam sẽ là nước đầu tiên đón nhận lợi thế của đa dạng hóa chuỗi cung ứng”.
Cho biết các nhà đầu tư thế giới rất quan tâm đến Việt Nam, ông chia sẻ, các nhà đầu tư Nhật Bản nhìn nhận Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn mới hậu COVID-19. “Chúng tôi mong rằng Việt Nam sẽ nắm bắt được cơ hội này và trở thành đất nước mạnh mẽ và phồn vinh hơn nữa”, ông nói.
Đánh giá về các biện pháp của Việt Nam trong việc khôi phục phát triển kinh tế sau đại dịch, Công bố Okabe Daisuke cho biết, việc đi lại giữa hai nước đã được mở lại, cho phép 500 chuyên gia Nhật Bản nhập cảnh vào Việt Nam. “Xét mối quan hệ mật thiết thì việc mở lại việc đi lại là cần thiết. Việt Nam và Nhật Bản sẽ cùng nhau xem xét những điều có thể làm được trong thời gian tới”, ông chia sẻ.
Bộ Kinh tế công nghiệp của Nhật Bản đã xây dựng gói ngân sách 2,3 tỷ USD để thúc đẩy doanh nghiệp Nhật Bản đa dạng hóa chuỗi cung ứng và JBIC đã áp dụng gói tài chính ứng phó với COVID-19. “Chúng tôi hi vọng đây sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp Nhật Bản tăng nhanh đầu tư vào Việt Nam”.
Tuy nhiên, ông cũng đưa ra khuyến nghị, để thu hút FDI, một điều không thể thiếu là thực hiện chắc chắn các ưu đãi đầu tư cũng như đảm bảo công bằng minh bạch.
Công sứ Nhật Bản tại Việt Nam Okabe Daisuke Nhật Bản cam kết hỗ trợ hết sức cho nỗ lực tăng tốc giải ngân đầu tư công của Việt Nam
Về việc cải thiện tỷ lệ thực hiện dự án đầu tư công đã có, ông Okabe Daisuke cho rằng, không có chính sách kích thích kinh tế nào đem lại hiệu quả cao như việc thực hiện nhanh chóng các dự án này.
Ông cũng cho rằng, việc sớm vận hành tuyến metro số 1 TP. HCM, tái triển khai thi công cao tốc Bến Lức - Long Thành, sớm khởi công tuyến metro số 1 Hà Nội sẽ là giải pháp kích thích kinh tế vô cùng năng suất và hiệu quả đối với nền kinh tế Việt Nam.
Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ông cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm và đánh giá cao kỹ năng của người lao động Việt Nam, và Nhật Bản cũng không nằm ngoài xu thế này.
Ông khẳng định, Nhật Bản tin tưởng vào phản ứng chính sách của các nhà lãnh đạo Việt Nam trong đại dịch và ủng hộ sự phát triển hơn nữa của Việt Nam trong trạng thái bình thường mới./.