Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thu hút đầu tư vào dự án năng lượng tái tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh

Thứ Sáu, 20/09/2024 17:19 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, nhất là các loại năng lượng như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối không chỉ giúp ứng phó các tác hại đối với môi trường, mà còn tạo lợi thế lớn cho địa phương, quốc gia trong xu hướng xanh hóa toàn cầu.

 Toàn cảnh Diễn đàn. (Ảnh: CM)

Ngày 20/9, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức Phiên toàn thể Diễn đàn hỗ trợ pháp lý đầu tư 2024 - Kỳ 2 với sự tham dự của gần 300 đại biểu là đại diện các cơ quan có thẩm quyền, luật sư, chuyên gia, nhà đầu tư đang hoạt động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Diễn đàn tập trung báo cáo phân tích việc thực hiện quy định pháp luật trong đầu tư các dự án năng lượng tái tạo, cơ chế lựa chọn nhà đầu tư và phương thức hợp tác giữa nhà đầu tư với nhà nước trong các dự án năng lượng tái tạo; thảo luận về định hướng giải quyết thông qua hình thức đối thoại giữa các Hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền và Nhóm chuyên môn; cung cấp báo cáo về các vấn đề chưa và đã giải quyết để lấy ý kiến cho các kỳ diễn đàn sau hoặc và gửi lên các cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Trần Du Lịch - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định, việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, nhất là các loại năng lượng như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối không chỉ giúp ứng phó các tác hại đối với môi trường, mà còn tạo lợi thế lớn cho địa phương, quốc gia trong xu hướng xanh hóa toàn cầu. Dù vậy, tính đến hiện tại, “xanh hóa” hay “năng lượng tái tạo” vẫn đang còn là những cụm từ chưa thực sự quen thuộc với doanh nghiệp; khung quy định cho lĩnh vực này tại Việt Nam cũng chưa đầy đủ. Điều này dẫn đến tình trạng muốn làm nhưng không làm được hoặc làm nhưng bị trì hoãn do vướng. Không chỉ vậy, rủi ro hơn, việc thiếu quy định, hướng dẫn còn làm tăng nguy cơ phát sinh tranh chấp khiến nhà đầu tư và nhà nước đều quan ngại.

TS. Trần Du Lịch đánh giá, TP Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế khi được cho phép thí điểm cơ chế đặc thù, bao gồm cả đặc thù trong phát triển các dự án năng lượng tái tạo, tuy vậy vì những rào cản chung của chính sách, quá trình hiện thực hóa Nghị quyết 98 đối với lĩnh vực này gặp không ít thách thức. Từ đây, chính quyền thành phố, cộng đồng doanh nghiệp cần phải cùng phối hợp trong việc nhìn nhận vấn đề và tìm ra giải pháp; cùng với đó, các chuyên gia có kinh nghiệm, đặc biệt về mặt pháp lý có thể đồng hành để tư vấn, hỗ trợ Thành phố trong tiến trình thu hút đầu tư và triển khai các dự án năng lượng tái tạo nhằm giúp quá trình đầu tư, vận hành diễn ra an toàn, đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia.

Ở góc độ nhà đầu tư, ông Nguyễn Xuân Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham Việt Nam), Tổng Giám đốc Schaeffler Việt Nam, đại diện Trưởng nhóm công tác Diễn đàn hỗ trợ pháp lý đầu tư - Kỳ II nhận thấy cho biết, hiện nay, nhà đầu tư dành phần nhiều quan tâm đối với dự án năng lượng mặt trời. Tuy vậy, để tạo dựng sự an tâm cho các bên nhằm triển khai hiệu quả các dự án này, nhà đầu tư kỳ vọng cơ chế hợp tác hiệu quả giữa nhà đầu tư tư nhân và cơ quan nhà nước. Một trong những khó khăn được chỉ ra liên quan đến sự chậm trễ trong việc ban hành các quy định, hướng dẫn thực hiện các dự án điện mặt trời khi các quy định này vẫn đang trong quá trình soạn thảo. Điều này, một mặt, gây bế tắc cho nhà đầu tư đang vận hành các dự án năng lượng mặt trời sau năm 2020; mặt khác lại tạo ra sự e ngại cho nhà đầu tư muốn triển khai các dự án mới trong thời gian tới.

Cùng quan điểm trên, Luật sư Nguyễn Đức Minh - Luật sư Cấp cao Công ty Luật TNHH Kim & Chang (Việt Nam) cho rằng,  TP Hồ Chí Minh với trợ lực từ Nghị quyết 98 cần có những bước đi quyết liệt hơn, mạnh dạn hơn nhằm tận dụng những lợi thế từ cơ chế đặc thù. Bên cạnh đó, thành phố cần sớm công bố danh mục dự án năng lượng tái tạo, cũng như có hướng dẫn rõ hơn về thủ tục, quy trình thực hiện dự án, ví dụ trong khâu lựa chọn nhà đầu tư chiến lược; phạm vi hợp tác đầu tư; hay chính sách ưu đãi.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, trong tương lai gần, Thành phố định hướng sẽ phát triển năng lượng điện mặt trời mái nhà và năng lượng điện từ chất thải rắn (rác thải). Ngoài ra, Thành phố xem xét phát triển nguồn điện gió ngoài khơi khi các điều kiện kinh tế và kỹ thuật cho phép. Để thực hiện được, chính quyền và nhà đầu tư cần cùng nhau nghiên cứu và giải quyết các vấn đề còn vướng mắc để triển khai hiệu quả các dự án năng lượng tái tạo tại Thành phố.

Đối với các dự án điện mặt trời trên mái nhà, TS.LS. Lê Nết, Luật sư thành viên công ty luật LNT & thành viên, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) kiến nghị UBND Thành phố tính toán và cho phép trao đổi phần điện dư thừa cho các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công khác hay có cơ chế phối hợp với nhà đầu tư tư nhân thông qua hình thức cho thuê mái nhà các các công trình công.

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan chia sẻ, mới đây TP Hồ Chí Minh cũng vừa ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024 – 2030  nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, thành phố xác định 14 nhóm nhiệm vụ chính nhấn mạnh đến yếu tố “xanh” trong phát triển, nổi bật trong đó là nhấn mạnh tầm quan trọng của các dự án năng lượng tái tạo.

“Như vậy, Thành phố đã ra Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024 – 2030, đã có cơ chế chính sách đặc thù từ Nghị quyết 98/2023/QH15 - đều là những hành lang cần thiết cho sự thúc đẩy phát triển các dự án xanh tại thành phố”- Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan phân tích./.

CM

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN