Thông tuyến khám chữa bệnh không phải là nguyên nhân làm bội chi Quỹ Bảo hiểm y tế
(ĐCSVN) - Ngày 1/3, Ủy ban Các vấn đề xã hội (UBCVĐXH) của Quốc hội đã có phiên họp nghe giải trình về việc thực hiện lộ trình thông tuyến khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nêu những giải pháp để đẩy mạnh việc thông tuyến
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, từ năm 2015, chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) được tổ chức triển khai thực hiện với nhiều điểm mới theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế. Những quy định mới có tác động sâu sắc đến quyền lợi của người tham gia BHYT và thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân như: Quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc; bổ sung đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình; thông tuyến trong khám bệnh, chữa bệnh (KCB) theo lộ trình; quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.
Cụ thể, tỷ lệ dân số tham gia BHYT đã gia tăng nhanh chóng từ 76% năm 2015 lên 81,7% năm 2016 (75.832.000 người). Trong đó, riêng nhóm đối tượng chính sách đã được cấp 10.074.882 thẻ BHYT trong năm 2016. Năm 2015 có 130 triệu lượt người KCB, năm 2016 có 148 triệu lượt người KCB, tăng 14%.
Về thu chi quỹ BHYT, từ năm 2009 đến năm 2015, quỹ BHYT luôn có kết dư. Riêng năm 2016, số thu BHYT cho KCB ước là 64.242 tỷ đồng và số chi ước là 69.410 tỷ đồng (ước bội chi là 5.130 tỷ đồng).
Theo phân tích của Bộ Y tế, nguyên nhân bội chi chủ yếu là do điều chỉnh giá dịch vụ y tế, sự phát triển của khoa học kỹ thuật trong KCB, tăng cường chuyển giao kỹ thuật đối với tuyến dưới, mô hình bệnh tật thay đổi và một phần do thông tuyến.
Mặc dù số chi BHYT cao hơn số thu nhưng đây là điều đã được dự báo trước khi chính thức điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Do có số kết dư từ những năm trước được bổ sung vào quỹ dự phòng nên lũy kế đến hết năm 2016, quỹ BHYT dự phòng vẫn còn khoảng 49.000 tỷ đồng. Như vậy quỹ BHYT vẫn đảm bảo cân đối, đáp ứng nhu cầu KCB của nhân dân mà chưa cần phải điều chỉnh mức đóng BHYT trong ngắn hạn.
Một số tồn tại hạn chế trong thực hiện chính sách BHYT cũng được Bộ trưởng Y tế chỉ rõ đó là do chưa có biện pháp quản lý cũng như chế tài kiểm soát người đi khám chữa bệnh nhiều lần nhiều nơi; vẫn còn tình trạng chỉ định quá mức cần thiết dịch vụ y tế, năng lực của cơ sở KCB chưa đáp ứng được hết nhu cầu và sự hài lòng của người bệnh.
Báo cáo thêm về KCB thông tuyến huyện, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) Nguyễn Thị Minh cho biết, việc thực hiện thông tuyến KCB BHYT là chính sách đúng đắn, tạo thuận lợi cho người dân trong việc lựa chọn cơ sở KCB theo mong muốn. Quy định này cũng tạo sự cạnh tranh chất lượng giữa các cơ sở KCB để thu hút người bệnh, giúp người bệnh được hưởng các dịch vụ tốt hơn. Thông tuyến cũng làm tăng độ hấp dẫn của chính sách BHYT. Năm 2016, số người tham gia BHYT theo hộ gia đình tăng 37,4% so với năm 2015.
Khám chữa bệnh BHYT tuyến xã giảm, tuyến huyện tăng
Bên cạnh những tác động có lợi cho người dân thì việc thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh BHYT ở tuyến huyện cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Cụ thể là số người KCB tại trạm y tế giảm hẳn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chính sách của nhà nước là hướng về y tế cơ sở, mà còn làm gia tăng chi phí KCB, làm lãng phí về nguồn lực của xã hội.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh dẫn chứng một số tồn tại, hạn chế khi thực hiện thông tuyến.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, năm 2016, số người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại trạm y tế (TYT) xã là 29,3 triệu tăng hơn so với năm 2015 là 2,3 triệu thẻ tương ứng với 8,6% nhưng số lượt KCB tại các TYT xã lại giảm, chỉ bằng khoảng 93% so với năm 2015 (năm 2015 có 32,7 triệu lượt, năm 2016 còn 30,5 triệu lượt). Tần suất KCB/thẻ năm tại TYT xã năm 2016 giảm 14,1% so với năm 2015. Trên cả nước có 38 tỉnh giảm từ 10% đến 30% số lượt KCB tại TYT xã.
Trong khi đó, năm 2016, số lượt KCB tại tuyến huyện đã tăng 15 triệu lượt so với năm 2015, tương ứng 27,7% (năm 2015: 54 triệu lượt, năm 2016 là 69 triệu lượt) trong khi số thẻ BHYT đăng ký ban đầu tại tuyến huyện tăng chưa đến 8%. Có khoảng 18 triệu lượt người đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện không phải tại nơi đăng ký KCB ban đầu, tăng 9,4 triệu lượt người so với năm 2015. Đặc biệt tại các cơ sở y tế tư nhân số lượt KCB tăng gấp khoảng 3 lần so với 2015.
Việc gia tăng như vậy dẫn đến tình trạng quá tải tại nhiều cơ sở KCB tuyến huyện, làm giảm chất lượng KCB. Đi cùng với đó là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở KCB, nhất là các cơ sở tư nhân. Với tính chất là một “doanh nghiệp” nên các cơ sở y tế tư nhân đã áp dụng các hình thức khác nhau như: tặng quà, hỗ trợ phần chi phí cùng chi trả của người bệnh, hỗ trợ tiền đi lại, đưa đón người bệnh, chỉ định nhiều dịch vụ kỹ thuật để “thu hút” người có thẻ BHYT đến KCB... Từ đó, tạo nhu cầu KCB tăng “ảo” làm gia tăng chi phí BHYT. Thậm chí, có tình trạng một số bệnh viện tuyến tỉnh trong năm 2016 đã “xin” xuống hạng III (tuyến huyện) để được áp dụng quy định thông tuyến.
Đặc biệt, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT gia tăng từ phía cơ sở KCB như tăng chỉ định số lượng xét nghiệm cận lâm sàng, chụp X quang, thuốc...; người bệnh BHYT đi KCB nhiều lần trong ngày, tuần, tháng để lấy thuốc.
Bội chi quỹ BHYT chủ yếu do điều chỉnh giá dịch vụ y tế
Với vai trò phản biện, đồng tình với những kết quả tích cực khi thực hiện quy định thông tuyến, TS. Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm UBCVĐXH cho rằng, cần nhìn nhận đúng về quy định thông tuyến, không nên cho rằng do thông tuyến đã gây nên bội chi cho quỹ BHYT.
Theo TS. Nguyễn Văn Tiên, nguyên nhân gây tăng chi đột biến cho quỹ BHYT năm vừa qua có đến 51% là do tăng giá dịch vụ KCB, điều tất yếu chúng ta phải làm sau nhiều năm không điều chỉnh. Ngoài ra là các nguyên nhân như giá thuốc tăng, số người KCB tăng và thông tuyến chỉ chiếm phần nhỏ (5%) trong tác động làm tăng chi quỹ BHYT.
TS. Nguyễn Văn Tiên đề nghị, cả 2 báo cáo của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần khẳng định rõ rằng: Việc thông tuyến diễn ra cùng thời điểm với việc áp dụng gía dịch vụ y tế mới. Đây là kết quả sau một thời điểm thực hiện xuất hiện 1 số tác động tiêu cực và tăng chi Quỹ BHYT, làm cho dư luận xã hội hiểu lầm và cho rằng thông tuyến là nguyên nhân chính. Tuy nhiên, số liệu đã chứng minh thực hiện thông tuyến chỉ là yếu tố rất nhỏ làm tăng chi qũy BHYT.
“Nguyên nhân chính của việc tăng chi quỹ, lạm dụng BHYT vừa qua chủ yếu do điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Đây là việc điều chỉnh theo lộ trình mà Đảng và Quốc hội đã giao cho ngành y tế thực hiện, đó là cần thiết để thực hiện theo quy luật kinh tế thị trường và cũng là vấn đề đã dự báo từ trước khi ban hành văn bản quy định về điều chỉnh giá dịch vụ y tế. Việc thông tuyến thực hiện cùng với thời điểm áp dụng giá dịch vụ y tế điều chỉnh nên tạo ra sự cộng hưởng của các yếu tố tiêu cực, gây ra dư luận không đúng về thông tuyến”- TS. Nguyễn Văn Tiên nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc người dân không muốn KCB ở y tế cơ sở cũng là dễ hiểu khi chất lượng ở đây chưa cao, chưa tạo được lòng tin cho người dân. Do đó, TS. Nguyễn Văn Tiên kiến nghị, cần đầu tư hỗ trợ y tế xã, cho phép các trạm y tế xã tự chủ thực hiện KCB BHYT, lồng ghép cơ chế quản lý sức khỏe gia đình vào y tế xã, coi y tế xã là nơi kiểm soát bệnh đầu tiên và từ đó có thể chuyển thẳng bệnh nhân lên tuyến chuyên môn hợp lý, đó là cơ hội để phát triển y tế xã và để việc thông tuyến hiệu quả…/.
Từ ngày 1/1/2016, người tham gia BHYT khi khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện được hưởng 100% chi phí trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT; người đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại một trong các cơ sở y tế là trạm y tế, phòng khám đa khoa, bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế này trên địa bàn tỉnh. Theo các quy định này, người tham gia BHYT có quyền KCB tại các cơ sở y tế tuyến huyện trên phạm vi toàn quốc. |