Thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT khiến tuyến huyện quá tải và tuyến xã thì dưới tải
(ĐCSVN)- Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế làm rõ hơn những giải pháp để vừa thực hiện tốt chính sách thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế nhưng vẫn đảm bảo phát huy được nguồn lực của y tế cơ sở.
Đại biểu Bùi Thị Thủy (Thanh Hóa) đặt câu hỏi, từ khi thực hiện lộ trình thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đến tuyến huyện đã làm gia tăng tình trạng quá tải tại nhiều cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh, giảm nhanh ở tuyến xã gây lãng phí về cơ sở vật chất và nhân lực y tế tuyến xã. Xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp cụ thể để vừa thực hiện tốt chính sách thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế nhưng vẫn đảm bảo phát huy được nguồn lực của y tế cơ sở, tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số được khám, chữa bệnh tại chỗ tốt hơn?
Đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) băn khoăn, thực tế cho thấy, trong thời gian qua, việc thông tuyến khám chữa bênh y tế tuyến huyện dẫn đến người dân không mặn mà đến trạm y tế xã mà lên thẳng tuyến huyện để khám, chữa bệnh. Như vậy, việc phát triển ngành y tế mà tập trung phát triển tuyến y tế cơ sở theo quan điểm của Đảng và Nhà nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn, Bộ Y tế đã xử lý vấn đề này như thế nào và sắp tới Bộ sẽ có giải pháp gì để đảm bảo việc thực hiện chính sách tăng cường khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến xã.
Trả lời câu hỏi liên quan, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, thông tuyến là một quy định của Luật bảo hiểm y tế và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận không phải từ nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu và tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa y tế cơ sở và y tế huyện, trạm y tế xã. Cơ sở vật chất, nhân lực chưa đáp ứng kịp nên vừa rồi khi thông tuyến thì tuyến huyện quá tải và tuyến xã thì dưới tải. Đây là sự thật, bởi vì lên tuyến huyện thì họ nghĩ được bác sĩ tốt hơn, danh mục được hưởng lợi trong bảo hiểm y tế hơn hẳn cả về danh mục thuốc, danh mục dịch vụ và được thanh toán nhiều hơn. Hơn nữa, địa bàn đi lại dễ dàng, giải pháp về vấn đề này, Bộ Y tế đã họp với bảo hiểm xã hội và các cơ sở y tế.
Cơ bản nhất vẫn phải tăng cường y tế cơ sở, trong đề án Chính phủ đã phê duyệt và tăng cường cơ sở, đó là cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực và thu hút, họ phải trở thành người gác cổng và gần dân nhất, chăm sóc toàn diện theo mô hình y học gia đình.
“Những mô hình làm tốt, ví dụ ở Sóc Sơn Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, mô hình y học gia đình ở Khánh Hòa thì bác sĩ thích làm ở trạm y tế xã theo mô hình bác sĩ gia đình, hay ở Sóc Sơn thì bệnh nhân đến đợi đông như ở bệnh viện huyện. Vì ở đó Bộ làm thí điểm cấp những thuốc tim mạch, huyết áp mà tuyến huyện vẫn cấp. Thứ hai là tăng các dịch vụ xét nghiệm, có cán bộ trên huyện về thường xuyên để khám, chữa bệnh và người dân thích là vì gần dân, đặc biệt chúng tôi đến gặp rất nhiều các cụ lớn tuổi thích khám gần như vậy để không phải đi lại và có sự tư vấn của bác sĩ y học gia đình”- Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ./.