Thông điệp của Thủ tướng tạo động lực mới cho phát triển
(ĐCSVN) - Những thông điệp cải cách mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tạo niềm tin, động lực và sức bật đưa đất nước ta vào thời kỳ phát triển mới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016. Ảnh: VGP
Thông điệp cải cách mạnh mẽ
Vừa qua, một số phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong nhiều sự kiện khác nhau được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp có quyền hy vọng và tin tưởng vào những quyết sách hết sức cụ thể, thiết thực đối với đời sống, kinh tế - xã hội nước ta hiện nay.
Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhanh chóng trở thành những thông điệp cải cách mạnh mẽ. Những tuyên bố thể hiện tầm nhìn rõ ràng, dứt khoát của Người đứng đầu Chính Phủ sẽ là nguồn động viên to lớn tạo niềm tin, động lực và sức bật đưa đất nước ta vào thời kỳ phát triển mới.
Nhìn thẳng vào tình hình của đất nước, chỉ rõ những vấn đề nổi cộm, bất cập gây cản trở cho phát triển, tại phiên họp thường kỳ tháng 4 của Chính Phủ ngày 4/5/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Chính phủ mới kiện toàn sẽ chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ “mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ”. Chính phủ mới sẽ quyết tâm đổi mới, chủ động và tập trung hơn nữa vào công tác xây dựng thể chế; tăng cường quản lý, giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính, đồng thời phát huy, bảo đảm dân chủ và chăm lo đời sống vật chất tinh thần của người dân.
Trước đó, ngày 29/4, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội nghị doanh nghiệp Việt Nam năm 2016 với chủ đề: “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước”, Thủ tướng nêu lên 10 giải pháp của Chính phủ để xây dựng thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Thủ tướng nhấn mạnh kết quả của hội nghị phải tạo ra niềm tin mới để mọi người dân và doanh nghiệp hăng hái sản xuất, kinh doanh, phát triển.
Chính phủ liêm chính, kiến tạo và phục vụ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tập thể Chính phủ phải làm gương trong xã hội về sự liêm chính, nói không với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Thủ tướng quán triệt, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng kiên quyết không ký những văn bản bị chi phối bởi lợi ích nhóm, được đặt trước. Đấu tranh không khoan nhượng với tiêu cực, tham nhũng, lãng phí là thái độ kiên quyết, nhất quán của Thủ tướng. Một Chính phủ liêm chính, trong sạch không chỉ là khát vọng của người đứng đầu Chính phủ mà còn là mong đợi của nhân dân cả nước.
Trước những yêu cầu cải cách về thể chế, cơ chế, chính sách, đổi mới về tư duy, công khai minh bạch trong quản lý, điều hành của các cấp lãnh đạo từ trung ương tới địa phương, Chính phủ phải xác định rõ và loại bỏ những rào cản gây ảnh hưởng cho sự phát triển của đất nước. Cần xây dựng những gói giải pháp, chính sách đồng bộ, xem xét sự cần thiết và cấp bách đối với từng gói giải pháp cụ thể; từ thể chế, chính sách cho đến các dự án đầu tư kinh tế, thực hiện theo cơ chế thứ tự ưu tiên.
Phân định rõ chức năng quản lý nhà nước và chức năng thị trường. Chính phủ chỉ tập trung vào công tác xây dựng thể chế, cơ chế chính sách. Thay đổi tư duy lãnh đạo, quản lý, điều hành là yêu cầu then chốt trước những quyết sách được đặt ra. Con người là nhân tố quan trọng hàng đầu quyết định thành, bại đối với mọi chính sách, chiến lược phát triển. Mỗi cán bộ công quyền nhà nước cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, tư cách và đạo đức công vụ trong công tác được nhà nước và nhân dân giao phó để đóng góp và cống hiến vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Xác định “cơ chế xin - cho” là một trong những rào cản lớn đối với sự phát triển của đất nước. Cơ chế xin - cho đã tạo ra khoảng trống để chạy chọt, hối lộ, đút lót... lòng vòng như những tổ nhền nhện, hình thành lợi ích nhóm. Hạn chế và tiến tới xóa bỏ cơ chế xin - cho sẽ giảm được sự nhũng nhiễu, tiêu cực trong thi hành công vụ của cán bộ công quyền suy thoái, biến chất.
Nói đến Chính phủ kiến tạo và phục vụ, trước hết phải thay đổi thói quen cũ không còn phù hợp trong mối quan hệ giữa cơ quan công quyền nhà nước với nhân dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Không để những hành vi hạch sách nhũng nhiễu, vòi vĩnh, tham nhũng tồn tại ở các cơ quan công quyền nhà nước, có như vậy mới thể hiện được đúng bản chất của “Chính phủ kiến tạo và phục vụ”.
Phải biến những thông điệp mạnh mẽ của Thủ tướng thành hành động, chúng ta đang đứng trước những cơ hội để cải cách. Không để tình trạng có quyết sách, chính sách rồi, nhưng khi triển khai thực hiện thì chậm, hoặc sau một thời gian nhìn lại, kết quả không chuyển biến mấy, thậm chí vẫn giậm chân tại chỗ. Từ thông điệp tới sự chuyển biến trên thực tiễn, đương nhiên một mình Chính phủ khó có thể xoay chuyển nhanh chóng và hiệu quả. Đòi hỏi phải có sự chuyển động mang tính đột phá của cả bộ máy từ Trung ương đến địa phương.
Mong rằng Thủ tướng sẽ chỉ đạo sâu sát và quyết liệt để mọi quyết sách sẽ thực sự trở thành mục tiêu và động lực mới cho quá trình cải cách và phát triển của đất nước./.