Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thời nào cũng phải chọn người tài, đức!

Thứ Tư, 28/09/2016 15:12 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Cổ nhân có câu “Vi nhân nan”, nghĩa là làm người khó. Đúng là khó thật vì lẽ trên đời này không ai là vẹn toàn mười phân vẹn mười. Tuy vậy, trong sử sách nước nhà vẫn có những gương sáng muôn đời về phẩm chất cao quý, xứng đáng để mọi thế hệ suy ngẫm và học tập, nhất là trong việc dùng người hiền tài.

Sách Đại Việt sử kí toàn thư đã dành những bài ca ngợi hai vị quan nổi tiếng cương trực, thanh liêm là Thái phó Tô Hiến Thành và Thái sư Trần Thủ Độ (Triều đại nhà Lý và nhà Trần).

Sách Đại Việt sử kí toàn thư viết: “Thủ Độ tuy không có học vấn nhiều nhưng có tài hơn người, ông làm quan dưới triều Lý được mọi người suy tôn. Thái Tôn lấy được thiên hạ đều nhờ vào sức của ông cả, vì thế ông được nhà nước dựa cậy, quyền át cả vua. Bấy giờ có kẻ đàn hặc ông, vào gặp Thái Tông, khóc mà nói rằng: “Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ thì quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao?”. Thái Tông  lập tức ra lệnh cho xe ngựa đến Dinh Thủ Độ, bắt cả người đàn hặc ấy đem theo và kể hết những lời người ấy nói cho Thủ Độ biết. Thủ Độ trả lời rằng: “Quả đúng như những lời hắn nói thật. Xong, đem tiền lụa mà thưởng cho”. Mặc dù quyền lực lấn lướt cả vua, nhưng bản thân ông làm quan rất nghiêm minh, chính trực. Truyện kể rằng khi vợ ông là Linh Từ quốc mẫu có xin riêng cho một người là người họ hàng bà làm chức câu đương (một chức quan nhỏ tương đương như trương tuần), Thủ Độ gật đầu rồi ghi rõ họ tên quê quán người đó. Khi xét duyệt đến xã ấy, liền hỏi tên nọ ở đâu, người đó mừng rỡ chạy đến. Thủ Độ bảo hắn: “Người vì có công chúa xin cho được làm câu đương, không thể ví như những câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác!”. Người đó van xin mãi mới tha cho. Từ đó không ai dám nhờ vả Thủ Độ vì việc riêng nữa.

Còn bậc hiền tài Tô Hiến Thành cũng để lại những câu chuyện để đời. Năm Cao Tông lên bảy tuổi, Tô Hiến thành lâm bệnh nặng. Bấy giờ trong triều có quan Gián nghị đại phu Trần Trung Tá là người đức độ tài năng, vì mải lo công việc nên không mấy khi tới thăm hỏi ông được. Một vị quan khác là tham tri chính sự Vũ Tán Đường thì ngày đêm túc trực, phụng dưỡng chăm nom thuốc thang, cơm nước cho ông. Biết bệnh của ông khó bề qua khỏi, Đô Thái hậu (mẹ vua Lý Cao Tông) bèn tới thăm, hỏi chuyện người có thể thay thế ông giữ lái chuyện triều chính: 

 - Nếu có mệnh hệ nào thì ai là người có thể thay thế ông được? 

Tô Hiến Thành không cần suy nghĩ, đáp luôn: 

- Người thay thế thần chỉ có thể là Trần Trung Tá!

Thái hậu ngạc nhiên hỏi:

-  Vũ Tán Đường ngày ngày hầu hạ, thuốc thang cho ông, sao ông không tiến cử? 

Tô Hiến Thành nói rành rẽ:

- Nếu Thái hậu hỏi người lo đại sự quốc gia, thần cử Trần Trung Tá. Nếu cần người phục dịch cơm nước, thuốc thang, thì ngoài Vũ Tán Đường, chẳng còn ai hơn được!

Ôn cố tri tân. Chúng ta suy ngẫm về cách chọn và dùng người của Tô Hiến Thành của Trần Thủ Độ, bài học cho ngày hôm nay. Trong thực tế suốt chiều dài lịch sử của đất nước, thời đại nào cũng có kẻ tiểu nhân luôn tìm cách làm lợi cho mình, tìm cách cài cắm người nhà, dòng họ của mình vào các vị trí béo bở nơi công đường.

Cho nên thời nay muốn tuyển chọn, sử dụng nhân tài phải biết bỏ qua các định kiến, bỏ qua tư tình, không vụ lợi, chú trọng đến công vụ mới có được những người tận tâm, tận lực. Thời gian qua người dân rất bức xúc vì nhiều chuyện bổ nhiệm, đề bạt cán bộ chướng tai gai mắt ở các địa phương, cơ quan, đơn vị.  Không thiếu những trường hợp người có chức quyền kéo vợ con,  anh em họ hàng lên làm quan, chẳng cần đến tài cán, học hành... Người có đạo đức, yêu nước bao giờ cũng đặt quyền lợi quốc gia lên trên lợi ích cá nhân, không vì tình cảm riêng mà cố tình đề bạt, sử dụng người không đúng với trình độ khả năng chuyên môn của người đó. Vấn nạn này đang trở thành căn bệnh trầm kha, khiến dư luận bất bình và bức xúc... Thật đáng buồn khi những người đứng đầu đơn vị cố tình lôi kéo hàng loạt người nhà, người thân, và cả những kẻ chạy chức, chạy quyền vào ngồi các vị trí màu mỡ trong đội ngũ quan chức từ địa phương đến Trung ương. Khi bị dư luận lên án, họ nói một cách ráo hoảnh,  trơn chu: “Tất cả đều đúng quy trình”. Đúng quy trình nhưng gò ép, cán bộ non kém, bất tài, thì “đúng” để làm gì?

Không thể giải thích theo kiểu trơn tuột như thế mãi được. Quy trình là do con người đặt ra. Không thể nhân danh quy trình để thực hiện ý đồ thiếu trong sáng minh bạch của những cán bộ vốn sẵn tư tưởng cá nhân, những người mà khi muốn đề bạt ai họ thường hỏi: “Đồng chí quan hệ thế nào với đồng chí A, đồng chí B?”. Hãy lấy việc hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo cán bộ.  Hãy kiên quyết loại bỏ kiểu đề bạt cán bộ theo kiểu dựa dẫm “quan hệ, hậu duệ, tiền tệ”.

Xin nhắc lại ý kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, đó là 9 vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Trong đó, có câu chuyện về công tác cán bộ tại phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 7.  Thủ tướng nói: “Tôi báo cáo trước Quốc hội phải đổi mới công tác cán bộ. Tôi đề nghị các đồng chí phải lưu ý điều này, việc này cần phải chấn chỉnh ở tất cả các khâu, tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm, chúng ta thi tuyển để tìm người tài, chứ không phải để tìm người nhà. Đừng để nhiệm kỳ này tai tiếng về cán bộ”./.

Thanh Cao (Phố Vọc)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN