“Thời gian và nhân chứng” - Bộ sách giúp bạn đọc hiểu hơn về một thời làm báo cách mạng
(ĐCSVN) - Xin giới thiệu với bạn đọc bộ sách ba tập “Thời gian và nhân chứng” (Hồi ký của các nhà báo) do GS Hà Minh Đức làm chủ biên, NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản lần thứ hai, tháng 7/2023. Xuất bản lần đầu cách đây hơn 20 năm, nhưng ở lần tái bản này, "Thời gian và nhân chứng" tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc.
Bộ sách Thời gian và nhân chứng (Hồi ký của các nhà báo) do Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hà Minh Đức và cộng sự dày công biên soạn, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành |
Thực tiễn đã chứng minh, hơn 98 năm ra đời và phát triển, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã khẳng định được vị trí, vai trò là “vũ khí” sắc bén của Đảng, Nhà nước, diễn đàn tin cậy của nhân dân. Báo chí không chỉ đóng vai trò là nguồn thông tin phản ánh tất cả các lĩnh vực đa dạng, phong phú của đời sống xã hội mà còn là “bộ lọc” thông tin, kiến giải những vấn đề mang tính bản chất từ hiện tượng xã hội để đảm bảo thực hiện tốt sứ mệnh của nền báo chí cách mạng và phát triển theo hướng hiện đại. Để đạt nhiều kết quả, đóng góp tích cực vào công cuộc kiến thiết nước nhà nói chung và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói riêng của nền báo chí cách mạng Việt Nam, không thể thiếu vai trò cán bộ báo chí - “chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng” của Đảng.
Những cống hiến của các nhà báo lão thành với nền báo chí cách mạng Việt Nam đã trở thành di sản báo chí quý giá, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Vì vậy, việc khai thác và gìn giữ nguồn tư liệu lịch sử báo chí vô giá từ thế hệ những nhà báo cách mạng tiên phong là việc làm có ý nghĩa trong bối cảnh sự phát triển của nền báo chí hiện nay. “Bởi vì, từ một góc nhìn thực tế và xuất phát từ ý nghĩa của hệ thống các sản phẩm để lại, có thể nói rằng, báo chí là lịch sử thời đại được thể hiện một cách đầy đủ nhất, toàn diện nhất và sinh động nhất. Và nhà báo chính là nhân chứng lịch sử, người chứng kiến lịch sử một cách trực tiếp nhất, người chép sử theo cách phong phú nhất, sống động nhất”.
Đã có nhiều sách, báo, tài liệu viết về nghề báo, nhưng hồi ký của nhà báo vẫn được xem là những ấn phẩm có sức hấp dẫn đối với bạn đọc, bởi hồi ký là những ghi chép chân thực xảy ra trong cuộc đời. Do chứng kiến và trực tiếp tham gia vào các hoạt động xã hội với tư cách người cầm bút nên hồi ký của các nhà báo góp phần phản ánh những chặng đường lịch sử của cách mạng, của dân tộc. Hồi ký của các nhà báo còn phản ánh phẩm chất, cách nhìn đa chiều, gồm cả suy nghĩ, kinh nghiệm trong quá trình dấn thân tác nghiệp của các nhà báo và đặc biệt là cách xử thế của họ trước các hiện tượng xã hội. Đó có thể là câu chuyện được kể lại thấm đẫm tâm tư, trăn trở trong hành trình đi tìm con chữ của chính các nhà báo.
Bộ sách Thời gian và nhân chứng (Hồi ký của các nhà báo) được ra đời là kết quả của sự tâm huyết của Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hà Minh Đức và các cộng sự trong hơn 10 năm, trải qua nhiều khó khăn, vất vả. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản lần đầu tập I năm 1994, tập II năm 1997 và tập III năm 2001. Năm 2023, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, tôn vinh các thế hệ nhà báo đã cống hiến cả đời mình cho sự nghiệp báo chí và đặc biệt góp phần lưu giữ nguồn tài liệu quý, bộ sách được xuất bản lần thứ hai. Tôn trọng và ghi nhận công lao của tập thể các tác giả, trong lần xuất bản này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cố gắng giữ nguyên tinh thần, nội dung bộ sách đã xuất bản trước đây. Đó là việc tổ chức bản thảo cũng như giới thiệu các tác giả trước hoặc sau phụ thuộc vào hoàn cảnh thuận lợi hoặc khó khăn trong quá trình tiếp xúc và làm việc với các tác giả, và không có sự phân biệt đánh giá nào. Trong mỗi tập, các tác giả được sắp xếp theo thứ tự a, b, c.
Với ba tập nội dung, hơn bốn mươi bài viết, bộ sách không chủ định khắc họa chân dung 43 nhà báo mà hơn hết đó là tình cảm và tâm huyết của tác giả với đồng đội, đồng nghiệp trên nhiều lĩnh vực của nghề báo. Không chỉ giới thiệu những nhà báo gạo cội, cả đời theo Đảng, Bác Hồ, cống hiến cả tâm huyết, tài năng cho dân, cho nước mà còn có cả những con người thầm lặng đã góp phần tạo nên diện mạo báo chí cách mạng Việt Nam.
Các bài viết trong ba tập của bộ sách là những hồi ký, hồi ức ghi lại hành trình nghề nghiệp, những kinh nghiệm làm báo quý báu, phong phú, đa dạng, những kỷ niệm của hơn bốn mươi nhà báo có tên tuổi trong báo giới Việt Nam qua nhiều cách thể hiện, nhiều hình thức tiếp cận khai thác, nổi bật là hình thức tác giả kể để ghi chép lại. Bằng giọng văn ý nhị nhưng rõ ràng, bộ sách đã tái hiện lại lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam với đầy ắp các sự kiện, con số, tư liệu lịch sử nhưng không hề khiến độc giả thấy khô khan, tẻ nhạt, nhàm chán mà ngược lại, rất lôi cuốn. Để rồi từng chi tiết, sự kiện qua các trang hồi ký, với lối kể giản dị, chân thành, những con chữ trên giấy không nằm yên mà khiến người đọc hừng hực, hình dung như đang “quăng” mình vào điểm nóng. Còn dưới con mắt của người trong cuộc, những câu chuyện kể lại đều là chuyện có thật, là những gì mà nhà báo từng chứng kiến, trải nghiệm giữa những ngày tháng chiến tranh khốc liệt và đó được xem như “của để dành” trong suốt cuộc đời làm báo đầy gian nan.
Bốn mươi ba nhà báo được giới thiệu trong bộ sách Thời gian và nhân chứng, phần lớn trong số đó là những nhà báo hoạt động trong thời kỳ từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 kéo dài qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đây là thời kỳ gian nan, vất vả, nhiều hy sinh, mất mát của cả dân tộc, nhưng cũng là thời kỳ hào hùng, rực sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Những cây viết hoạt động báo chí thời kỳ này đa phần đều là tay ngang hoặc theo phân công của tổ chức cách mạng. Cho dù đến với nghề làm báo bằng cách nào thì họ đều là những người say mê, yêu và gắn bó duyên nợ với nghề. Có những người đã được Đảng, Nhà nước phân công gánh vác trọng trách như đồng chí Xuân Thủy, nhưng vẫn không bao giờ quên được những năm tháng gian khổ, lăn lộn với tờ báo, với nghiệp viết báo. Có những người từ nhiệm vụ cách mạng giao cho mà gắn bó cả đời với nghiệp làm báo, trở thành những người lãnh đạo quan trọng trong hệ thống báo chí nước nhà hay một cây viết có uy tín của một cơ quan báo chí nào đó, như các nhà báo: Hồng Hà, Trần Lâm, Hữu Thọ, Quang Đạm, Đỗ Phượng, Lê Bá Thuyên, Xích Điểu, Nguyễn Thành Lê, v.v.. Và đặc biệt, cuộc đời hoạt động báo chí của mỗi người đều như một câu chuyện đầy hấp dẫn, và rất có thể là ước mơ không thể vươn tới, thần tượng nghề nghiệp của những người làm báo trẻ tuổi. Trong bộ sách Thời gian và nhân chứng (Hồi ký của các nhà báo) trừ một vài nội dung giới thiệu về chân dung nhà báo được trích từ các sách hồi ký đã được xuất bản, còn lại, tất cả các chân dung và những câu chuyện về các nhà báo đến được với bộ sách, hiện lên thành con chữ trong từng trang sách, đều bởi công sức lao động nghiêm túc, khoa học và trách nhiệm của thầy trò Giáo sư Hà Minh Đức.
Tập I, giới thiệu chân dung của 13 nhà báo: Quang Đạm, Xích Điểu, Tô Hoài, Lê Kim, Trần Kư, Trần Lâm, Trần Công Mân, Vũ Tú Nam, Đỗ Phượng, Hữu Thọ, Xuân Thủy, Lê Bá Thuyên, Hà Xuân Trường. Ở đây ta bắt gặp một Quang Đạm học vấn uyên thâm, công hiến cả đời cho nghề báo, một Xích Điểu với thật nhiều kỷ niệm buồn vui trong hơn 60 năm cuộc đời làm báo, hay Hữu Thọ với những trăn trở, suy nghĩ về nghề đã được ông đúc rút đó là phải “suốt đời sống với cuộc sống và đề thông tin và đánh giá”… Tất cả, tất cả đều là những ký giả tâm huyết với nghề, hết lòng với người, đầy bản lĩnh, trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thách thức.
Trôi theo dòng cảm xúc của tác giả, với các bài viết được giới thiệu trong tập II, bạn đọc hứng thú khám phá chân dung của 16 nhà báo: Thanh Châu, Trần Bạch Đằng, Hà Đăng, Hồng Hà, Thanh Hương, Trần Kiên, Lưu Văn Lợi, Nguyễn Thành Lê, Hồng Lĩnh, Hiền Nhân, Hữu Ngọc, Phan Quang, Huỳnh Văn Tiểng, Hoàng Tùng, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Minh Vỹ. Thông qua chân dung của các nhà báo, người đọc sẽ có cái nhìn “thấu tim gan”, khá đa dạng, nhuần nhuyễn cả về lý luận và thực tiễn về nghề báo - một lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến tất cả mọi người, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Bản thân cuộc đời của các nhà báo được giới thiệu đã là pho tiểu thuyết sống, theo đúng quan niệm về thể loại này. Đó là câu chuyện dài về những con người mà số phận - cuộc đời - tình yêu của người ấy gắn liền với số phận của đất nước và dân tộc, với sự hình thành và phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Tập III của bộ sách tiếp tục phác họa chân dung của 14 nhà báo Dương Kỳ Anh, Hàm Châu, Trần Đức Chinh, Thái Duy, Bảo Định Giang, Trần Mai Hạnh, Vũ Đình Hòe, Hồ Tiến Nghị, Đinh Phong, Trường Phước, Nguyễn Thành, Nguyễn Phú Trọng, Vũ Tuất Việt, Hồng Vinh.
Dù tập III khép lại chưa hoàn thành được như mong muốn của tác giả, nhưng ba tập sách cũng tạo được một sự hoàn chỉnh nhất định về đội ngũ các nhà báo cách mạng cho đến hết thời kỳ chống Mỹ và chớm vào thời kỳ đổi mới.
Lướt qua 3 tập sách, ta thấy bằng kinh nghiệm trải đời, trải nghề, tác giả đã biến mỗi bài viết thành một bức ký họa giản dị, chấm phá khá thành công chân dung từng đồng nghiệp, mỗi người một vẻ, một phong cách, cá tính, không trộn lẫn. Hóa ra, người ta tìm đến với báo chí là từ nhiều hướng khác nhau. Nhưng dù có mỗi người một hướng, sự thành công đều bắt nguồn từ lòng yêu nghề, chí phấn đấu, biết vượt lên chính mình. Tất cả họ đều gặp nhau ở tình yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, ở sự dấn thân, sinh nghề, tử nghiệp.
Được biên soạn công phu, nghiêm túc, giọng văn mộc mạc, đơn giản, những bài học không bao giờ cũ về tinh thần sáng tạo, ý chí, bản lĩnh của người cầm bút đến nay vẫn còn vẹn nguyên tính thời sự, thu hút sự quan tâm của bạn đọc. Lật mở từ trang đầu đến trang cuối của bộ sách, độc giả sẽ cảm nhận thông điệp GS, Nhà giáo nhân dân Hà Minh Đức gửi đến người làm báo và thế hệ tương lai rằng nghề nghiệp nào cũng cần có sự đắm say và cái tâm.
Đọc Thời gian và nhân chứng của GS. Hà Minh Đức ta thấy đậm đà chất nhân văn, nghĩa tình; giàu lượng thông tin, dung dị và đặc biệt tươi nguyên hơi thở cuộc sống. Các bài viết ngắn gọn, súc tích như lát cắt trong bức tranh toàn cảnh của nền báo chí cách mạng nước nhà; vừa dễ đọc, vừa khơi gợi cho ta những kinh nghiệm trong công việc làm báo cao cả nhưng cũng lắm gian nan, thách thức này. Phải chăng, đó là món quà quý mà GS. Hà Minh Đức gửi đến những người làm báo, những ai yêu nghề báo, sắp làm báo và tất cả chúng ta.