Thiếu vắng quy hoạch "tài nguyên nhân văn"
(ĐCSVN) - Quy hoạch tổng thể quốc gia đang thiếu vắng một nội dung quy hoạch rất quan trọng là "tài nguyên nhân văn" để có thể kích hoạt và phát triển mạnh hơn nữa sức mạnh mềm của Việt Nam. Đây là vấn đề được đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) chỉ ra khi thảo luận tại tổ sáng 6/1.
Thực hiện Chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được các vị đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ vào sáng 6/1, trước khi thảo luận phiên toàn thể tại hội trường vào sáng ngày 7/1.
Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: KT |
Bày tỏ đây là nội dung được đặc biệt quan tâm trong chương trình kỳ họp bất thường lần này, đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, việc Quốc hội kịp thời xem xét, thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia là vô cùng cần thiết.
Đại biểu cũng nhấn mạnh, yêu cầu tiên quyết của Quy hoạch tổng thể quốc gia là phải cụ thể hóa được các định hướng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; thể hiện rõ triết lý phát triển của Việt Nam (lấy người dân làm trung tâm; xanh, sạch, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, quan tâm an sinh xã hội, chất lượng đời sống của nhân dân, nhất là các nhu cầu giáo dục - y tế - văn hóa của nhân dân).
Quy hoạch cũng phải thể hiện rõ tầm nhìn về đích, về phát triển theo hướng liên ngành, phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp, đặc biệt là sức mạnh về khoa học công nghệ, về công nghệ số để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển và bảo vệ đất nước.
“Quy hoạch cần phải trở thành một cẩm nang, công cụ đồng thời cũng là định hướng, lộ trình để lãnh đạo, chỉ đạo, quản trị và phát triển đất nước” – đại biểu nhấn mạnh.
Thiếu vắng quy hoạch "tài nguyên nhân văn"
Góp ý cụ thể, đại biểu bày tỏ đặc biệt quan tâm đến nội dung đánh giá về “tài nguyên nhân văn” trong phần đánh giá về các điều kiện tự nhiên và các yếu tố phát triển. Đại biểu cho rằng, báo cáo chưa đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện về tài nguyên nhân văn của Việt Nam, nhất là sức mạnh mềm quốc gia để từ đó có những định hướng quy hoạch cho sự phát triển.
Đại biểu phân tích, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra “sức mạnh mềm” của một quốc gia là tổng của một phép cộng gồm nhiều số hạng, trong đó mỗi số hạng là một yếu tố vừa mang tính định lượng vừa mang tính định tính cao, như: Truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, những giá trị tinh thần, hệ tư tưởng, văn hóa chính trị, chính sách đối nội, chính sách đối ngoại mà quốc gia đó theo đuổi, về chính sách kinh tế - xã hội mà quốc gia đó đã hoặc đang tiến hành, về chất lượng cuộc sống, chất lượng giáo dục, y tế, việc làm, môi trường, nguồn nhân lực chất lượng cao, khả năng sáng tạo của con người, tài năng nghệ thuật, thể thao, những thành tựu chính trị, kinh tế, văn học, nghệ thuật, xã hội, y tế, thể thao, khoa học, công nghệ...
“Đây là những sức mạnh mềm cần phải đánh giá một cách rõ nét hơn để từ đó chúng ta nhìn thấy tiềm năng cũng như nỗ lực chúng ta có để định hướng, hoạch định cho sự phát triển của tương lai” – đại biểu đề nghị.
Nói thêm về nội dung này, đại biểu nêu rõ, "toàn bộ phần tài nguyên nhân văn thì chưa có bất cứ một định hướng nào để quy hoạch phát triển mà lại nằm rải rác trong các phần quy hoạch phát triển các lĩnh vực, các ngành, trong đó có ngành văn hóa, ngành du lịch, thể thao, ngành thông tin truyền thông".
Từ đó, vị đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Tháp đề nghị cần có một phần quy hoạch để chúng ta có thể phát huy tối đa sức mạnh mềm Việt Nam, đặc biệt là những nội dung để chúng ta có thể quảng bá, truyền bá nhiều hơn nữa các giá trị văn hóa cũng như phát huy tối đa sức mạnh của công nghiệp văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Đại biểu cũng đánh giá, những định hướng phát triển lĩnh vực, ngành vẫn đang đi theo lĩnh vực của các bộ, ngành, nhất là định hướng phát triển các ngành hạ tầng xã hội cấp quốc gia. “Cảm giác là chúng ta đang xây dựng một quy hoạch tổng thể quốc gia dựa trên việc gộp quy hoạch của các ngành, các bộ là chính; chưa thể hiện rõ nét của một Quy hoạch tổng thể quốc gia để làm cơ sở cho việc xây dựng các quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia như quy định tại Luật Quy hoạch” – đại biểu bày tỏ.
Cũng theo đại biểu, quy hoạch cũng chưa thể hiện sự liên kết liên ngành, chưa thể hiện tầm nhìn, định hướng để hình thành hạ tầng xã hội đa ngành, phục vụ nhu cầu đa mục đích của người dân.
Đại biểu lấy ví dụ, chúng ta có cả hạ tầng cơ sở thông tin, cả hạ tầng cơ sở văn hóa, hạ tầng cơ sở thể thao. Vậy tại sao những hạ tầng này không thể kết nối với nhau để có thể xây dựng được những hạ tầng đa ngành, đa lĩnh vực, đáp ứng tốt hơn, rộng hơn yêu cầu của người dân.?
“Chúng ta đang đi theo các lĩnh vực mà không đi theo hướng tổng hợp liên ngành để phát huy tối đa, tránh sự dàn trải, tránh sự lãng phí; đồng thời thể hiện tốt hơn cái tầm nhìn chiến lược cùng bản quy hoạch tổng thể quốc gia” – đại biểu nhận định.
Phát triển mạng lưới đô thị biên giới, tuyến giao thông biên giới
Qua thực tế một số lần đi công tác ở các tuyến biên giới, đại biểu thấy rằng chúng ta nên đặt ra định hướng cho việc quy hoạch các đô thị dọc tuyến biên giới. Nhấn mạnh đây là vấn đề hết sức quan trọng, đại biểu cho rằng điều này sẽ vừa đảm bảo yếu tố phát triển kinh tế xã hội vùng biên giới, vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biên giới và đặc biệt sẽ thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đồng bào các vùng biên giới.
Song song với việc quy hoạch phát triển hệ thống cửa khẩu biên giới, đại biểu đề nghị cân nhắc để đưa vào hình thành hệ thống tuyến đô thị biên giới và tuyến giao thông dọc biên giới để xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và đồng thời cũng phát triển kinh tế xã hội ở vùng biên.
Nội dung khác trong quy hoạch hệ thống hạ tầng được đại biểu bày tỏ rất quan tâm là hệ thống hạ tầng đường sắt. Bởi lẽ hiện tại, hệ thống hạ tầng đường sắt đang khá lạc hậu và không đảm bảo nhu cầu phát triển của đất nước.
Chỉ ra “Trong quy hoạch có nêu ngắn gọn nghiên cứu để phát triển hệ thống đường sắt từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Cần Thơ”, đại biểu cho rằng chưa đủ sức thuyết phục đối với toàn bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long – nơi có hơn 20 triệu dân, là vựa lúa, vựa, lương thực, hoa màu, cây trái, sản phẩm nông nghiệp, hải sản của đất nước.
Theo đại biểu, chúng ta cần sớm có hệ thống đường sắt kết nối không chỉ Cần Thơ mà có thể kết nối đến cấp tỉnh còn lại của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để có thể đảm bảo hỗ trợ cho việc phát triển kinh tế xã hội cũng như các nhu cầu về xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy hoạch đường sắt từ TP Hồ Chí Minh vào vùng Đồng bằng sông Cửu Long và tuyến đường sắt từ các tỉnh duyên hải miền Trung lên Tây Nguyên để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế và vai trò quan trọng về địa kinh tế, địa chính trị của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên./.