Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thiếu giáo viên đầu năm học mới: Đến hẹn… lại lo

Thứ Ba, 29/08/2023 22:13 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Năm học mới sắp bắt đầu nhưng tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên dạy các môn học mới vẫn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương. Việc thiếu giáo viên dạy các môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ phần nào ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả triển khai chương trình.

 Cả nước còn thiếu 62.877 giáo viên phổ thông. (Ảnh minh họa: VA)

Không tuyển đủ giáo viên do nhiều nguyên nhân

Năm học 2023 - 2024 sắp bắt đầu, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Sóc Trăng đã hoàn tất công tác chuẩn bị. Tuy nhiên, tình trạng thiếu đội ngũ giáo viên vẫn là bài toán khó cho địa phương. Theo thống kê của Sở GD&ĐT Sóc Trăng, năm học 2023 - 2024, số lượng giáo viên được giao là 14.957; số lượng giáo viên theo định mức là 15.333; số lượng giáo viên hiện có 14.001 (trong đó có 209 giáo viên hợp đồng), số giáo viên còn thiếu là 1.332 giáo viên.

Số lượng giáo viên ở các địa phương vẫn còn tình trạng thừa - thiếu cục bộ. Thừa giáo viên cấp THCS ở các bộ môn: Toán, Lịch sử, Ngữ văn, Sinh học; thiếu giáo viên Mầm non, Tiểu học, và giáo viên các bộ môn: Tiếng Anh, Tin học, Địa lý, Lịch sử, Công nghệ.

Cũng như tỉnh Sóc Trăng, theo Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang, năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh thiếu gần 1.200 giáo viên ở các cấp học, đặc biệt là giáo viên các môn: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh và Tin học.

Công tác tuyển dụng giáo viên tại tỉnh Hậu Giang trong các năm qua đều không đạt chỉ tiêu, còn đến 636 biên chế chưa sử dụng. Nguyên nhân là do tình trạng giáo viên nghỉ việc chuyển sang công việc khác có thu nhập cao... Từ năm 2020 đến nay, Hậu Giang có 260 giáo viên nghỉ việc. Tình trạng thiếu giáo viên tiếp tục trầm trọng hơn khi số trẻ mầm non đến trường hàng năm đều tăng.

Thêm nữa, do tiêu chuẩn của người dự tuyển đều nâng lên, nhưng thực tế nhiều trường học tại Hậu Giang vẫn sử dụng giáo viên hợp đồng không đủ chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019. Năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục Hậu Giang chấm dứt hợp đồng đối với những trường hợp này nên tình trạng thiếu giáo viên càng tăng.

Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, trước những khó khăn của ngành Giáo dục, tháng 7/2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về chính sách thu hút giáo viên giảng dạy các môn: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh và Tin học. Những giáo viên tuyển mới hoặc chuyển về tỉnh công tác được hỗ trợ 50 triệu đồng/người với cam kết làm việc ít nhất 5 năm. Dù vậy, đến nay tỉnh chỉ tuyển mới được 23 giáo viên.

Tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” chỉ rõ, trong giai đoạn 2022 - 2026, Bộ Chính trị đã đồng ý bổ sung 65.980 biên chế giáo viên; trong đó, bổ sung ngay 14.835 giáo viên phổ thông trong năm học 2022 - 2023. Tuy nhiên, tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên dạy các môn học mới vẫn diễn ra phổ biến. Cả nước còn thiếu 62.877 giáo viên phổ thông; thừa cục bộ 5.091 giáo viên. Từ nay đến năm học 2024 - 2025, cấp tiểu học thiếu 6.621 giáo viên tin học và 5.780 giáo viên ngoại ngữ; cấp trung học cơ sở thiếu 6.631 giáo viên môn Lịch sử và Địa lý, thừa cục bộ 375 giáo viên; thiếu 2.366 giáo viên môn khoa học tự nhiên, thừa cục bộ 4.627 giáo viên; thiếu 4.321 giáo viên môn nghệ thuật, thừa cục bộ 885 giáo viên.

Cơ cấu đội ngũ giáo viên chưa cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền; chưa đồng bộ giữa cấp THCS và THPT, nhất là đối với một số môn học mới. Việc tuyển dụng giáo viên phổ thông gặp khó khăn, vướng mắc, nhất là giáo viên âm nhạc, nghệ thuật đạt chuẩn. Năm học 2021 - 2022, cả nước có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành Giáo dục.

Về phía Bộ GD&ĐT, tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 cũng cho biết đội ngũ giáo viên còn thiếu, chưa đồng bộ về cơ cấu nhất là đối với giáo viên dạy các môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như môn: Khoa học Tự nhiên, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Cấp THPT có ít giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật; tỷ lệ giáo viên trên lớp chưa đủ theo quy định; địa bàn rộng, địa hình phức tạp, khó khăn trong việc điều động đi bồi dưỡng trực tiếp, trong khi phải đảm bảo hoạt động giảng dạy bình thường tại các nhà trường.

Bộ GD&ĐT lý giải, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên là do Luật Giáo dục 2019 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên THCS nên nguồn tuyển dụng còn khó khăn. Sự phối hợp giữa ngành Giáo dục với các ngành liên quan và chính quyền một số địa phương trong rà soát, đề xuất tuyển dụng, sắp xếp, bố trí đội ngũ còn chưa hiệu quả.

 Việc thiếu giáo viên dạy các môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ phần nào ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả triển khai chương trình. (Ảnh minh họa: ĐT)

Tháo gỡ những vướng mắc trong tuyển dụng giáo viên

Để giải bài toán thiếu giáo viên, nhiều địa phương đã khẩn trương ban hành các chính sách tuyển dụng nhằm bổ sung số lượng giáo viên còn thiếu hụt để kịp cho năm học mới 2023 - 2024.

Ngành GD&ĐT Sóc Trăng đã triển khai thực hiện một số giải pháp như: Hợp đồng giáo viên ngắn hạn hoặc thỉnh giảng; Xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức; Phân công giáo viên dạy liên trường; Thực hiện điều chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu...

Năm học 2023 - 2024, HĐND tỉnh Hậu Giang thông qua Nghị quyết số 21/2023/NQ-HĐND ngày 14/7/2023 quy định số lượng người hợp đồng lao động đối với một số loại công việc trong các cơ sở giáo dục Mầm non và Phổ thông công lập. Theo đó, số lượng hợp đồng giáo viên toàn tỉnh là 427 người, các địa phương căn cứ vào số lượng này để hợp đồng giáo viên tạm thời. Trường hợp thiếu cục bộ, ngành điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, phân công giáo viên dạy liên trường để đảm bảo giờ dạy của giáo viên theo quy định. Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên, nhân viên, thực hiện thường xuyên để đảm bảo tuyển hết số lượng biên chế được giao.

Hay như tỉnh Hà Tĩnh, nhằm cân đối giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu và đảm bảo công bằng, khách quan, công khai, minh bạch, vừa qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt 40 chỉ tiêu biệt phái giáo viên ở bậc THPT năm học 2023 - 2024, thời gian biệt phái trong 2 năm học. Các chế độ, chính sách đối với giáo viên biệt phái thực hiện theo các quyết định của UBND tỉnh và các quy định hiện hành.

Để khắc phục tình trạng nêu, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây kiến nghị thực hiện tốt việc phân bổ, quản lý và sử dụng biên chế giáo viên theo Quyết định 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời, tập trung giải quyết dứt điểm việc tuyển dụng đủ giáo viên theo biên chế được phân bổ. Chỉ đạo tháo gỡ những vướng mắc trong tuyển dụng giáo viên dạy các môn học mới. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Về phía Bộ GD&ĐT cũng đưa ra nhiều giải pháp căn cơ. Theo ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, nếu các địa phương tuyển hết chỉ tiêu đã được giao, cùng với việc thực hiện bổ sung giáo viên cho giai đoạn 2022 - 2026 theo quyết định của Bộ Chính trị thì cơ bản sẽ giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên. Vì vậy, các địa phương cần tổ chức tuyển dụng hết số biên chế được giao, ưu tiên tuyển giáo viên Mầm non và giáo viên Tiểu học còn thiếu. Đối với một số môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, địa phương có thể đặt hàng đào tạo theo Nghị định 116/NĐ-CP của Chính phủ.

Quan tâm đến vấn đề thiếu giáo viên, tại hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT và các địa phương phối hợp kiểm tra, rà soát tình hình tuyển dụng biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương giai đoạn 2022 - 2026, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp”. Tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách đãi ngộ để đội ngũ nhà giáo yên tâm gắn bó với nghề./.

Ngọc Tú

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN